Những bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

LÊ MINH CHIẾN 05/08/2022 09:49

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ III (3.1952), đồng chí Võ Chí Công được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ đây, những hoạt động của đồng chí Võ Chí Công gắn liền với phong trào cách mạng Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công đã có những đóng góp quan trọng trong việc lãnh đạo quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng khắc phục những khó khăn, đặc biệt là công tác chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, với những bài học đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

Các cựu chiến binh thăm quan nhà truyền thống Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại Núi Thành. Ảnh: MAI HỒNG LÂM
Các cựu chiến binh thăm quan nhà truyền thống Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại Núi Thành. Ảnh: MAI HỒNG LÂM

“Kiện toàn tỉnh, đơn giản huyện, tăng cường xã”

Do những tác động tiêu cực từ nạn đói năm 1952 ở vùng tự do và các đợt đánh phá lớn của quân Pháp ở vùng tạm chiếm và vùng du kích đã tác động mạnh đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nền nếp sinh hoạt đảng ở nhiều nơi không được duy trì, đời sống cán bộ, đảng viên bị giảm sút đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các tổ chức đảng ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm.

Trước tình hình đó, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Võ Chí Công cùng tập thể Tỉnh ủy xác định công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức là nhiệm vụ trung tâm của Đảng bộ, chỉnh đốn tổ chức và lối làm việc, nhất là ở cơ sở vùng tạm bị địch chiếm là công tác quan trọng để đưa phong trào cách mạng vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến.

Từ năm 1952, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Liên khu ủy 5 về việc tạm dừng phát triển đảng viên, đồng chí Võ Chí Công tập trung lãnh đạo đẩy mạnh củng cố về mặt tổ chức và tư tưởng, tiến hành sửa đổi lối làm việc, giảm biên chế bộ máy lãnh đạo các cấp cho phù hợp với hoàn cảnh của cuộc kháng chiến có thể kéo dài theo phương châm: “Kiện toàn tỉnh, đơn giản huyện, tăng cường xã”.

Thực hiện chủ trương trên, nhiều địa phương như Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn thực hiện đưa một số cán bộ cấp huyện về tăng cường cho các chi bộ xã, chia lại tổ Đảng, kiện toàn phương thức lãnh đạo cho phù hợp với điều kiện mới. Ở cấp tỉnh, Tỉnh ủy đã quyết định điều động, thuyên chuyển 55 cán bộ cho các ngành của tỉnh và 53 cán bộ cho các huyện, thành phố để cán bộ sát cơ sở, gần dân hơn.

Kiểm thảo từ nội bộ Đảng ra ngoài quần chúng

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về công tác chỉnh Đảng (4.1952) và hướng dẫn của Liên khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công trực tiếp chỉ đạo Tỉnh ủy mở liên tiếp nhiều đợt chỉnh Đảng gắn với nhiệm vụ trọng tâm của từng vùng: vùng tự do gắn với công tác thu thuế nông nghiệp; vùng núi là công tác thượng du vận; vùng tạm bị chiếm là chính sách chống tổng động viên của địch.

Trong 6 tháng đầu năm 1952, tỉnh đã mở 8 lớp cho cán bộ tỉnh, huyện, xã và tổ trưởng với 707 học viên. Năm 1953, có 842 cán bộ, đảng viên tham gia chỉnh huấn; Tỉnh ủy còn mở các lớp cho đảng viên học lời hiệu triệu chỉnh Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính sách kinh tế - tài chính của Đảng...

Đồng chí Võ Chí Công thăm, nói chuyện với đồng bào xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Chí Công thăm, nói chuyện với đồng bào xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức. Ảnh tư liệu

Từ ngày 15.6 đến 30.7.1952, Tỉnh ủy tổ chức đợt kiểm thảo từ nội bộ ra ngoài quần chúng nhằm phê bình bệnh tham ô, lãng phí, mệnh lệnh, quan liêu, tự tư tự lợi, giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao ý thức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Trong đợt này, Tỉnh ủy mở lớp huấn luyện cho 158 cán bộ chủ chốt ở huyện và xã, qua lớp huấn luyện này, các huyện, xã về trực tiếp mở lớp cho cán bộ quân dân chính ở đơn vị mình. Kết quả qua học tập, nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tư tưởng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, thấy được nguy hại của các mầm bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí.

Qua các đợt chỉnh Đảng, kiểm thảo trên, đã giúp các cấp ủy chấn chỉnh tư tưởng chỉ đạo, giúp các chi bộ nắm vững phương pháp lãnh đạo, tạo chuyển biến mạnh trong tổ chức bộ máy, lề lối làm việc, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc kháng chiến.

Đồng thời với việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng về mọi mặt, Tỉnh ủy còn thường xuyên chỉ đạo xây dựng bộ máy chính quyền, mặt trận, các hội đoàn thể, nhờ đó bộ máy tổ chức của các lĩnh vực cơ bản đáp ứng được yêu cầu tổ chức và vận động nhân dân tham gia kháng chiến.

LÊ MINH CHIẾN