Không phải là chuyện nhỏ
Vượt đèn vàng, đèn đỏ lâu nay vẫn diễn ra thường xuyên, người tham gia giao thông xem đó là chuyện nhỏ nhưng hệ lụy gây ra rất lớn, thậm chí nhiều vụ tai nạn do vượt đèn đỏ dẫn đến tử vong.
Như trên quốc lộ 1, tại ngã ba Tam Xuân (giao nhau giữa Tam Kỳ - Núi Thành), cửa ngõ phía nam đô thị tỉnh lỵ này thường xuyên xuất hiện tình trạng vượt đèn đỏ, bất chấp phương tiện qua lại nườm nượp. Dù đèn đỏ bật sáng, nhiều người vẫn cố tình chạy thẳng, mặc kệ phía trước có nguy hiểm như thế nào.
Cũng tại Tam Kỳ, hình ảnh người tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu điều khiển không khó bắt gặp, như tại khu vực ngã tư Hùng Vương - Lê Lợi, Hùng Vương - Trưng Nữ Vương. Kể cả nơi đó không có gắn biển báo phụ “Đèn đỏ được rẽ phải”, người dân vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ để rẽ phải.
Tại đô thị cấp huyện, người điều khiển phương tiện khi thấy đèn xanh còn một giây hoặc đã chuyển sang đèn vàng, song thay vì dừng xe trước vạch sơn thì nhiều trường hợp cố tình tăng ga lao vút. Người chờ đèn đỏ lâu cũng lấn dần ra giữa ngã tư rồi lách qua dòng xe đang cắt ngang để sang đường.
Người tham gia giao thông thừa biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng vẫn vô tư vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt, hơn hết vì không có cảnh sát giao thông ở đó nên vượt. Nhiều đối tượng viện lý do như đang vội, bị muộn giờ làm hoặc có việc gấp; nào rồi do trời mưa, nắng nóng mà vắng người thì khỏi chấp hành.
Pháp luật đã quy định, người đi xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền 100 - 200 nghìn đồng. Ngoài bị tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng, những trường hợp người đi xe máy vượt đèn đỏ sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng; ô tô bị phạt 4 - 6 triệu đồng; xe máy kéo, xe chuyên dùng bị phạt 2 - 3 triệu đồng (trường hợp này còn bị tước quyền sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 - 3 tháng).
Tuy nhiên, chỉ vì muốn nhanh một giây, nhiều người đã gây ra tai nạn giao thông, phải trả giá bằng cả tính mạng của mình hoặc khiến bạn đồng hành bị thương tật, thậm chí rời xa vĩnh viễn mái ấm gia đình. Bởi lẽ, người tuân thủ nghiêm túc đang lưu thông dễ bị đối tượng cố ý vượt đèn đỏ chạy với tốc độ nhanh tông vào.
Nhiều trường hợp vượt hoài thành quen, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Vì vậy, việc trang bị kiến thức pháp luật về an toàn giao thông ngay từ gốc rễ, đối với thế hệ trẻ là điều rất cần thiết.
Thời gian qua, tuyên truyền an toàn giao thông ở bậc tiểu học cho thấy hiệu quả của ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nếu bố, mẹ chở con lưu thông trên đường, cố ý vượt đèn vàng, đèn đỏ sẽ bị con cái nhắc nhở ngay. Và thực tế, nhiều ông bố, bà mẹ cũng đã dần thay đổi nhận thức về chuyện “nhỏ mà không nhỏ” này.