Điện Bàn phát triển du lịch xanh
Du khách nước ngoài bắt đầu đến thị xã Điện Bàn trải nghiệm sản phẩm du lịch xanh, mở ra cơ hội lan tỏa xu hướng du lịch này đến cộng đồng.
Hạt nhân Cẩm Phú
Hơn 20 du khách là giáo viên, sinh viên đại học đến từ Anh, Đức vừa có những ngày trải nghiệm thú vị tại làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (xã Điện Phong, Điện Bàn).
Trong 5 ngày lưu lại làng, những sinh viên nước ngoài không chỉ trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng mà còn được tham gia các hoạt động phục hồi hệ sinh thái và quản lý rác thải bền vững như tìm hiểu quy trình ủ phân hữu cơ, học cách làm xà phòng từ dầu ăn thừa, trồng cây chống xói lở…
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel (đơn vị tổ chức tour đưa khách về Cẩm Phú) cho biết, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp đưa một đoàn khách nước ngoài tham quan lưu trú tại Cẩm Phú kể từ khi khai trương làng du lịch cộng đồng (3.2022) nên những cảm nhận của khách đối với sản phẩm du lịch rất quan trọng.
“Qua trao đổi, tất cả du khách đều thể hiện sự hài lòng, không ít khách còn bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú với khung cảnh làng quê yên bình Cẩm Phú, đặc biệt càng vui hơn khi biết những đóng góp của mình vào các hoạt động bảo vệ môi trường, thiên nhiên sẽ giúp lan tỏa những thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng về sự phát triển bền vững” - ông Hà nói.
Du lịch xanh đang trở thành hướng phát triển chủ đạo của Quảng Nam hiện nay và những năm đến.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, trong chiến lược phát triển du lịch địa phương, bên cạnh những loại hình lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, du lịch xanh, du lịch cộng đồng được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng.
Hiện tại, bên cạnh làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú và làng du lịch cộng đồng Triêm Tây (Điện Phương), Điện Bàn đang xem xét quy hoạch mở rộng các mô hình du lịch xanh tại vùng Gò Nổi gắn với xây dựng nông thôn mới hay các điểm còn lại của Điện Phương...
Một số vị trí có lợi thế và tiềm năng khác như Gò Rì (Điện An), Bồ Bồ (Điện Tiến) hay một số điểm khác tại Điện Thọ, Điện Minh… cũng đang được doanh nghiệp khảo sát, đầu tư. “Sau khi đánh giá lại hiệu quả của các mô hình du lịch tại Cẩm Phú và Triêm Tây, chúng tôi sẽ có kế hoạch tiếp theo để mở rộng các mô hình du lịch này” - bà Hằng nói.
Điểm vệ tinh bên ngoài phố cổ
Là địa phương nằm trên trục tam giác kết nối với hai trung tâm du lịch vùng là Hội An và Đà Nẵng, Điện Bàn xác định hướng phát triển du lịch dựa trên những lợi thế nội tại - được xem là yếu tố tiên quyết. Một số ý kiến cho rằng, trong tình hình không gian du lịch Hội An ngày còn chật chội, Điện Bàn có nhiều cơ hội để đón đầu lượng khách đến 2 địa phương trên với tư cách là điểm đến vệ tinh.
Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Điện Bàn có rất nhiều dư địa để phát triển du lịch, đặc biệt du lich xanh dựa trên những lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên, nhất là các giá trị văn hóa lịch sử. Vì vậy, cần xác định được những tiềm năng, lợi thế khác biệt và phù hợp với thị hiếu khách, nhất là thị trường khách quốc tế, dự báo sẽ trở lại trong thời gian không xa.
“Du lịch xanh là một phạm trù rộng lớn, ở đó hội tụ nhiều yếu tố và giá trị bản địa về cảnh quan, văn hóa, con người, và đây cũng là những yếu tố được du khách nước ngoài quan tâm. Trong khi không gian du lịch Hội An đã trở nên chật chội, Điện Bàn sẽ là điểm vệ tinh lý tưởng để lan tỏa các dòng khách ra bên ngoài phố cổ” - ông Sơn nói.
Giai đoạn 2020 - 2025, Điện Bàn phấn đấu đưa các ngành dịch vụ chiếm 39% cơ cấu kinh tế, trong đó du lịch được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào cơ cấu này. Thời gian qua nhiều hạng mục hạ tầng du lịch đã được đầu tư xây dựng như công viên Dinh trấn Thanh Chiêm, hoàn thiện hạ tầng cụm làng nghề Đông Khương, củng cố lại làng du lịch cộng đồng Triêm Tây…
Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng đầu tư xây dựng các khu điểm du lịch quy mô, hứa hẹn sẽ mang đến những đột phá mới trong phát triển du lịch, thu hút khách đến Điện Bàn những năm tới.