Nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập và dịch cúm A gia tăng: Bộ Y tế họp với các cơ sở y tế toàn quốc
(QNO) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị y tế khẩn trương chủ động các phương án ứng phó với dịch đậu mùa khỉ; chuẩn bị đủ thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm; tổ chức phân tuyến điều trị phù hợp.
Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, đồng thời, dịch cúm A đang bùng phát mạnh trên cả nước, chiều nay, 1/8/ Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chủ trì cuộc họp với các Sở Y tế, các bệnh viện trong cả nước về các biện pháp ứng phó với 2 dịch bệnh trên.
Các biện pháp chống dịch đậu mùa khỉ đã triển khai
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngay khi WHO công bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt Văn phòng đáp ứng dịch khẩn cấp và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ của WHO để biên soạn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người áp dụng cho Việt Nam và ngày 29.7.2022, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo các sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập để cách ly và điều trị kịp thời; tiếp tục tổ chức tập huấn đến các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB), từ bệnh viện các tuyến và trạm y tế cấp xã để sớm phát hiện ca bệnh. Đặc biệt chú ý truyền thông để người dân biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám, cách ly, điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý KCB tiếp tục chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với dịch tại các cơ sở KCB; đề xuất nhu cầu để chuẩn bị thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm cho chẩn đoán và điều trị; tổ chức phân tuyến điều trị phù hợp để thu dung, điều trị người bệnh.
Cục Quản lý KCB cần tiếp tục xây dựng hướng dẫn chi tiết về phòng và kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ, để các cơ sở KCB có căn cứ triển khai cụ thể công tác phòng lây nhiễm dịch đậu mùa khỉ, bảo đảm công tác cách ly và điều trị hiệu quả, phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Thứ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý Dược tiếp tục tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị đậu mùa khỉ theo khuyến cáo và bảo đảm các nguồn cung ứng các thuốc điều trị nói chung, thuốc điều trị biến chứng. Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp các viện đầu ngành, làm việc với WHO, US CDC và các tổ chức quốc tế để sớm có sinh phẩm chẩn đoán đậu mùa khỉ, phối hợp Cục Quản lý Dược tiếp cận nguồn cung vắc xin để có vắc xin phòng bệnh cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các vụ chức năng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ tháo gỡ những khó khăn về mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế để chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết trong phòng chống dịch.
Các cơ sở y tế triển khai việc sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh để cách ly điều trị. Có phương án thu dung, cách ly, điều trị trong trường hợp dịch bùng phát.
“Trước diễn biến dịch trên thế giới, chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch đậu mùa khỉ, các đơn vị tiếp sẵn sàng ứng phó với dịch” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dịch cúm gia tăng
Thứ trưởng cũng cho biết dịch bệnh cúm cũng đang gia tăng. Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, số nhập viện do cúm tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố, trong đó 97,6% là nhiễm cúm A theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Sáu tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 141.179 trường hợp mắc cúm, không có trường hợp tử vong. Không ghi nhận trường hợp mắc các chủng cúm gia cầm chủng độc lực cao như cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)...
Số mắc cao nhất trong tháng 3.2022 (37.442 trường hợp mắc), tháng 2.2022 (28.199 trường hợp mắc), tháng 4.2022 (21.992 trường hợp mắc).
Số mắc cúm ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số mắc cao: Thanh Hóa (36.759 trường hợp mắc), Thái Bình (13.876), Hưng Yên (13.392), Nghệ An (8.792), Hà Tĩnh (8.028), Đồng Tháp (6.033), Sơn La (4.572), Khánh Hòa (3.655), Lai Châu (3.378), Long An (3.329)...
“Hiện có tình trạng người dân tự tìm mua thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir để điều trị cúm. Đây là loại thuốc được chỉ định trong trường hợp người bệnh nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ, không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ do làm tăng nguy cơ đề kháng thuốc dẫn đến những tác dụng không mong muốn và tổn thất về kinh tế”- Thứ trưởng lưu ý.
Để tăng cường công tác điều trị, kê đơn và truyền thông đến cơ sở KCB, người dân, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh cúm để người dân hiểu và không tự ý mua thuốc kháng vi rút để điều trị cúm; tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc đối với các thuốc chỉ được bán khi có đơn thuốc; chỉ đạo cơ sở KCB điều trị cúm theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm của Bộ trưởng Bộ Y tế, chú trọng công tác kê đơn an toàn, hợp lý và hiệu quả.