Rô bốt thám hiểm đại dương
(QNO) - Có thể lặn sâu dưới nước khoảng 1km, rô bốt OceanOneK hình người của phòng thí nghiệm người máy Stanford (Stanford Robotics) thuộc Đại học Standford (Mỹ) có thể khám phá xác tàu đắm, thu hồi cổ vật và sửa chữa công trình dưới biển.
Rô bốt OceanOneK trông giống như một thợ lặn thực thụ, cao khoảng 1,5m và là công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo. Cánh tay, bàn tay và đôi mắt có tầm nhìn 3D có thể thu lại thế giới dưới nước với đầy đủ màu sắc.
Mặt sau của rô bốt được trang bị máy tính và cơ 8 động lực giúp nó di chuyển cẩn thận các vị trí của những con tàu dễ vỡ.
Các nhà nghiên cứu của Stanford Robotics cho biết, OceanOneK có thể lặn đến xác tàu và máy bay bị đắm theo cách mà con người không thể.
Rô bốt cũng cho phép người điều khiển nó cảm thấy như họ cũng là những người thám hiểm đáy đại dương thực sự.
Khả năng nhìn và cảm ứng thực tế của OceanOneK đủ để người điều khiển cảm thấy như đang lặn xuống vực sâu mà không bị ướt, không gặp nguy hiểm hoặc áp lực lớn dưới nước mà một thợ lặn trải qua.
Cho đến nay, OceanOneK khám phá một máy bay Beechcraft Baron F-GDPV bị chìm, tàu hơi nước Le Francesco Crispi của Italia (sâu khoảng 500m), một con tàu La Mã thế kỷ thứ 2 ngoài khơi Corsica, một máy bay P-38 Lightning thời thế chiến 2 và một tàu ngầm mang tên Le Protée.
Theo các nhà nghiên cứu, OceanOneK có thể chỉ là sự khởi đầu của một tương lai nơi các rô bốt tham gia thám hiểm đáy đại dương vốn quá nguy hiểm đối với con người và giúp chúng ta nhìn các đại dương theo một cách hoàn toàn mới.
Sứ mệnh của OceanOneK đến độ sâu đáy biển có 2 mục đích: khám phá những nơi chưa từng có ai đi qua và để chứng minh rằng khả năng tiếp xúc, tầm nhìn và tương tác của con người có thể được đưa đến những địa điểm này khác xa nơi con người có thể hoạt động.
Một chuyến du lịch Địa Trung Hải bắt đầu vào năm 2021 chứng kiến OceanOneK lặn xuống những độ sâu liên tiếp cho đến gần 1km để tiếp cận với một con tàu có từ thời La Mã cổ đại.
Giáo sư Oussama Khatib gọi trải nghiệm này là một cuộc hành trình đáng kinh ngạc. Ông nói: “Đây là lần đầu tiên một rô bốt có khả năng đi đến độ sâu như vậy, tương tác với môi trường và cho phép người vận hành cảm nhận được môi trường đó".
Vào tháng 7 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã thăm lại con tàu La Mã và tàu Crispi. Giáo sư Oussama Khatib cho biết, trong khi chiếc tàu trước đây đã biến mất, hàng hóa của nó vẫn nằm rải rác dưới đáy biển.
Tại địa điểm của con tàu La Mã, OceanOneK thu thập thành công những chiếc bình cổ và đèn dầu vẫn mang tên nhà sản xuất của chúng.
Cạnh đó, rô bốt cẩn thận đặt một camera bên trong thân tàu bị nứt vỡ của Crispi để quay video về san hô và quá trình hình thành rỉ sét của con tàu.
[VIDEO] - Rô bốt OceanOneK khám phá đại dương (Nguồn: Stanford Robotics)