Chờ đợi nét mới trong ảnh nghệ thuật
Khai thác và thể hiện có chiều sâu về một chủ đề nào đó thông qua những bộ ảnh là một hoạt động nghệ thuật đã và đang được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam khuyến khích.
Cuộc chơi không đơn giản
Tại một cuộc tọa đàm chuyên môn trong khuôn khổ liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên cách đây ít lâu, NSNA Vũ Quốc Khánh - lúc đó là Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, nêu ra một gợi ý: Thay vì chỉ chụp ảnh đơn, các NSNA nên thử sức mình bằng việc sáng tác bộ ảnh nghệ thuật.
Ông ví von, rằng nếu xem ảnh đơn là những ý tưởng, những tứ thơ rời thì bộ ảnh chính là những bài thơ dài, những câu chuyện hoàn chỉnh. Tất nhiên, bộ ảnh nghệ thuật không có nghĩa là sự cộng dồn, nối ghép cơ học các tác phẩm ảnh đơn có cùng chủ đề lại với nhau.
Để có được tác phẩm bộ ảnh nghệ thuật đúng nghĩa, người cầm máy đòi hỏi phải có khả năng thấu cảm, biết xây dựng ý tưởng, ý đồ sáng tạo dưới dạng những câu chuyện có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, có chủ đề liền mạch, logic,...
Còn theo NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, ngoài những yêu cầu nói trên, quá trình sáng tác bộ ảnh nghệ thuật còn đặt ra một số yêu cầu rất cao khác, không phải người cầm máy nào cũng có thể đáp ứng được, đó là sự đầu tư lớn về thời gian và công sức.
Có những bộ ảnh người chụp phải lên ý tưởng và tự mình tổ chức sáng tác trong nhiều năm liền, có ngọn ngành trước sau thì bộ ảnh mới... ra chuyện được. Lại có những bộ ảnh mà mỗi tác phẩm lẻ trong đó được chụp ở những thời điểm, những địa điểm khác nhau và nhiều khi, tấm này chụp cách tấm kia vài tháng, vài năm, ở những nơi cách nhau cả trăm, thậm chí cả ngàn cây số.
Ngoài ra, trong quá trình sáng tạo bộ ảnh nghệ thuật, nếu để yêu cầu về chủ đề lấn át yêu cầu nghệ thuật, không khai thác được những góc nhìn độc đáo mang tính sáng tạo, thiên về “tả” hơn “gợi”... thì tác phẩm rất có thể sẽ trở thành bộ ảnh kiểu phóng sự ảnh báo chí.
Chẳng hạn, để chụp một bộ ảnh nghệ thuật về quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương nào đó, người cầm máy phải chọn lọc và chụp từ khi chương trình vừa bắt đầu cho đến khi nông thôn mới đã có thành quả nhất định, tức là cần thời gian dài. Đã vậy, nếu không khéo trong sáng tác và trong kết nối những tấm ảnh đơn ấy thành bộ ảnh thì rất dễ trở thành một bộ ảnh báo chí chứ không phải ảnh nghệ thuật.
Những tín hiệu tích cực
Tại Quảng Nam, tuy xuất hiện chưa nhiều nhưng ảnh bộ nghệ thuật cũng đã tạo được dấu ấn nhất định. Tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “Đồng hành với di sản Quảng Nam” năm 2017, lần đầu tiên có 6 bộ ảnh nghệ thuật xuất hiện và có 3 bộ trong số này được trao giải.
Trong đó, có hai tác giả Quảng Nam được xướng tên, gồm Lê Trọng Khang với bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” đoạt giải nhì và và bộ ảnh “Chợ tết Đoan Ngọ” của Đặng Kế Cường đoạt giải khuyến khích.
Cũng ngay trong năm 2017, bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu” của Lê Trọng Khang còn giành được cúp VAPA - giải thưởng thường niên danh giá nhất của Hội NSNA Việt Nam...
Sau lần ”thử sức” rất thành công này, các NSNA Lê Trọng Khang, Đặng Kế Cường đã tiếp tục đầu tư sáng tác ảnh bộ. Ngoài ra, cuộc chơi này còn có sự góp mặt của một số NSNA khác, như Trần Tấn Vịnh, Đặng Kế Đông, Lê Vấn, Nguyễn Điện Ngọc, Mai Thành Chương, Huỳnh Hà, Phan Vũ Trọng...
NSNA Lê Trọng Khang chia sẻ: “Dù đã có thành công nhất định với ảnh bộ, nhưng với tôi, sáng tác ảnh bộ nghệ thuật vẫn là một việc khó, rất khó, cần phải học và tìm hiểu thêm nhiều.
Ngoài việc phải đầu tư lớn cả về thời gian, tiền bạc, tìm kiếm, lựa chọn bối cảnh, không gian cho câu chuyện mình muốn thể hiện, một thách thức rất lớn nữa là phải xác định được ý đồ nghệ thuật, kết cấu nội dung và kết cấu của bộ ảnh ngay từ đầu.
Với bộ ảnh “Nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Cơ Tu”, trước khi chụp tôi phải đến tận nơi tìm hiểu, nghe tư vấn từ các chuyên gia, hỏi chuyện các già làng, những người am hiểu văn hóa Cơ Tu về quy trình dựng nêu, về các sinh hoạt văn hóa truyền thống Cơ Tu và nhiều vấn đề liên quan khác.
Khi chụp xong bộ ảnh này, tôi rất hài lòng và rất vui khi được trao cúp VAPA. Tuy nhiên, bây giờ ngẫm lại, tôi vẫn thấy tiếc, bởi nếu lúc ấy chịu khó suy nghĩ thêm, đầu tư nhiều hơn, thì có thể mình sẽ có một bộ ảnh tốt hơn thế”.
Cùng với sự nhập cuộc của Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam, cách đây hơn một năm, Chi hội NSNA Việt Nam tại Quảng Nam đã đưa ra ý tưởng về việc tập trung sáng tác ảnh bộ, để khi có được một lượng ảnh kha khá sẽ tổ chức riêng một cuộc trưng bày ảnh bộ. Đến nay, việc sáng tác theo hướng này vẫn đang được các NSNA thực hiện...
Theo NSNA Đặng Kế Đông, Hội NSNA Việt Nam cũng đã chính thức kêu gọi hội viên của mình sáng tác ảnh bộ nghệ thuật; ngoài ra, Hội cũng quan tâm nhiều hơn đến việc xét giải đối với ảnh bộ tại các cuộc thi, liên hoan ảnh. Đây chính là động lực để anh chị em NSNA khai thác và đầu tư nhiều hơn cho việc sáng tác ảnh bộ trong thời gian đến...