Cá tính từ ven đô

LÊ QUÂN 31/07/2022 12:29

Nỗ lực tạo “bản sắc” cho đô thị Quảng Nam đang từng ngày được nhận diện rõ ràng. Nhưng một thành phố tạo nên sức hút, là điều không phải chuyện ngày một ngày hai... Nó là bản tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó, nội lực của vùng ngoại thành là điều không thể phủ nhận.

Tam Thăng với Bãi Sậy Sông Đầm là lá phổi xanh của TP.Tam Kỳ.
Tam Thăng với Bãi Sậy Sông Đầm là lá phổi xanh của TP.Tam Kỳ.

Sức hút riêng

Tôi có một người bạn từ phương Nam, mùa hè năm nào chị cũng phải ở lại Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) ít nhất một tuần. Chị nói thú vị lắm, như thể mình đang sống chậm, sống lặng ở quãng thời gian lưu trú tại đây, sống hạnh phúc cho hơn 300 ngày cày sấp mặt ở Sài Gòn.

Một căn nhà nhỏ giá vừa phải, với phía trước mặt là dòng sông còn sau lưng là bãi biển. Thuê một chiếc xe máy, tầm vài mươi phút thì có mặt ở trung tâm thành phố để sắm sửa mấy vật dụng. Còn lại, ở Tam Thanh có mọi thứ cho một cuộc sống theo đúng nhu cầu của chị. Bạn tôi không phải là thiểu số trong rất đông du khách đang tìm về Quảng Nam mỗi ngày.

Hiện Quảng Nam có 15 đô thị (1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V) và 3 khu trung tâm huyện chưa được công nhận thị trấn là Trung Phước (Nông Sơn), Tắc Pỏ (Nam Trà My) và Tơ Viêng (Tây Giang), có một đô thị chuyên ngành là Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang. Các đô thị phát triển chủ yếu theo dạng ”tuyến - điểm” tập trung tại các trục giao thông chính như quốc lộ (QL) 1, QL 14B, QL 14E, QL 14D, đường Nam Quảng Nam, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường tỉnh. Các đô thị phát triển hàng đầu của tỉnh là các đô thị ven biển (Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành).

Chủ homestay Ngọc Lan tại làng bích họa Tam Thanh nói, ngay khi du lịch mở cửa trở lại, hầu như cơ sở của anh lúc nào cũng đầy khách. Trong đó, có cả những vị khách nước ngoài đang định cư tại Sài Gòn, Hà Nội và chọn ở lại Tam Thanh để trải nghiệm. Vậy Tam Thanh có gì để trở thành một vùng đất có sức hút?

Một làng biển vùng ven Tam Kỳ, một vùng đất không resort. Một đường bờ biển vẫn còn quá nguyên sơ và thoáng rộng. Cảnh quan dọc đường ven biển không phải được kiến tạo bằng bê tông cốt thép mà từ chính sự sống của những cư dân vùng biển.

Bạn tôi nhấn mạnh, đó là hơi thở của bản địa. Nó thuần khiết trong cách ứng xử của người dân. Nó là văn hóa của người làng biển miền Trung, chân chất, không dáng vẻ màu mè nhưng vẫn rất văn minh. Một không gian sống đặc trưng của làng biển, nhưng rất lạ lùng, nó cũng đồng thời là vùng ven đô thị. 

Ngoại thành có lẽ mang sức hút nội tại nhiều hơn. Câu chuyện của cộng đồng dân cư, sự quần tụ của những tộc họ, dấu ấn của thiên nhiên...; đó chính là điều gắn kết để văn hóa ở vùng ven đô luôn có sức đề kháng mạnh mẽ trước các tác động của nhiều trào lưu. Đây cũng là yếu tố góp phần gìn giữ bản sắc ở các vùng đất ngoại thành để tạo ra sức hút với những cư dân nơi khác. 

Chính sách cho ngoại thành

PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận xét rằng, so với vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, Quảng Nam có tỷ lệ đô thị hóa còn khiêm tốn, đạt 26,3%, chỉ đứng trên Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất. Theo ông, ở khu vực miền Trung, có thể coi Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa ở mức thấp.

Quảng Nam là tỉnh ven biển, tuy nhiên phần nhiều diện tích phía Tây lại có địa hình tương đồng với các tỉnh Tây Nguyên, các đô thị đều phát triển khó khăn, khả năng kết nối yếu do địa hình chia cắt và quỹ đất thuận lợi cho xây dựng đô thị ít.

Tam Thanh - vùng ven đô có sức thu hút mạnh mẽ của đô thị Tam Kỳ. Ảnh: X.H
Tam Thanh - vùng ven đô có sức thu hút mạnh mẽ của đô thị Tam Kỳ. Ảnh: X.H

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia viện này chỉ ra rằng, Quảng Nam đang có chuỗi đô thị ven biển với những hình thái phát triển riêng. Đô thị Hội An phát triển từ thương cảng cổ, hạ lưu sông Thu Bồn.

Hình thái đô thị gắn với sông nước, các tuyến phố tự nhiên nhưng có thiên hướng dạng ô cờ, có nhiều tuyến hướng ra sông. Hạt nhân đô thị là phố cổ Hội An từ đó lan tỏa ra một số cồn và đảo xung quanh tạo ra đô thị đặc trưng gắn với nước.

Đô thị Tam Kỳ là đô thị phát triển sau so với Hội An, là đô thị trung tâm hành chính của tỉnh nên có cơ hội quy hoạch đồng bộ hơn: quảng trường hành chính đặc trưng đối xứng, tập trung các công trình hành chính quan trọng của tỉnh, hệ thống giao thông ô cờ vuông vắn.

Đô thị chủ yếu tập trung phát triển ở phía tây nam sông Tam Kỳ, còn nhiều dư địa cho sự phát triển ở phía đông bắc sông Tam Kỳ. Đô thị Núi Thành phát triển dạng dải theo quốc lộ 1, khu vực Đông bắc là vùng mặt ngập nước của hạ lưu sông Trường Giang tạo hệ thống đầm, nhiều tiềm năng cho phát triển đô thị Núi Thành tại khu vực này; sân bay Chu Lai và hệ thống cảng mang đến những tiềm năng phát triển mô hình đô thị sân bay hoặc đô thị logistics.

Trong vài năm trở lại đây, người ta bắt đầu để tâm đến câu chuyện các vùng đệm đô thị - những không gian sẽ bổ trợ phát triển vùng lõi đô thị. Ở Quảng Nam, những vùng ven đô thị đã và đang trở mình ngoạn mục…

Với Hội An, vùng ven được chọn để giữ, không phải chỉ cho câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng, mà vì một chiến lược phát triển đô thị bền vững. Nó là lá phổi xanh cho vùng lõi di sản, là nơi giảm tải sức ép vì lượng dân cư đang tăng cho đô thị. Với TP.Tam Kỳ, vùng ven thành phố này mang ý niệm rộng mở, tạo dư địa để các chiến lược đầu tư, thu hút doanh nghiệp rộng đường lựa chọn...

Có lẽ đã đến lúc cần những chính sách quản lý, phát triển rạch ròi đối với khu vực ven đô. Nhiều năm nay, sự phân bổ nguồn lực đầu tư cho các làng xã vùng ven không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị. Một bộ khung đô thị đã hoàn chỉnh, thì cần thiết phải có quy hoạch chi tiết cho vùng đệm ven đô - những vành đai cải thiện chất lượng sống cho đô thị.

LÊ QUÂN