Làng Ái Nghĩa qua các tư liệu xưa
Làng/xã Ái Nghĩa hình thành khá sớm ở bắc Quảng Nam. Sách “Ô Châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An (năm 1555) cho hay, Ái Đái (Ái Nghĩa) là một trong 66 xã (làng) thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Theo “Đồng Khánh dư địa chí” (phần tỉnh Quảng Nam) của Quốc sử quán triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19, xã Ái Nghĩa thuộc tổng Đức Hòa Thượng, huyện Hòa Vang. Nơi đây từng 2 lần được chọn làm lỵ sở của huyện này vào các năm: 1802 - 1824, 1848 - 1899.
Ngôi làng cổ
Tư liệu “Quảng Nam xã chí”, điều tra năm 1944 của Viện Viễn Đông bác cổ (bản gốc lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết: Ái Nghĩa lúc bấy giờ thuộc tổng Đức Hạ, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Làng này phía đông giáp Hòa Duân, Phú Quý, Phú Lộc, Ái Đông, Ái Tây, Hoán Mỹ; phía tây giáp Phiếm Ái, Mỹ Phiếm, Hòa Duân, Đức Hòa; phía nam giáp Phú Lộc, Phiếm Ái; phía bắc giáp Hòa Duân, Phiếm Ái, Đại Lợi. Ái Nghĩa có 1.037 mẫu đất, 3.711 nhân khẩu. Ngày nay, đất đai làng Ái Nghĩa xưa thuộc về thị trấn Ái Nghĩa và một phần các xã Đại Nghĩa, Đại An.
Cũng theo tư liệu trên, đình làng Ái Nghĩa tọa lạc trên gò cao, có thượng tích khắc: Thành Thái mười bảy (1905), tháng 3, ngày 15 bổn xã kiến tạo. Đình xoay mặt về hướng tây, 5 gian rộng rãi, có hậu tẩm là chỗ thờ thần và trước có bàn thờ vọng các vị tiền hiền.
Trong đình có 1 bản và 6 câu liễn sơn son thiếp vàng. Mỗi năm tại đình Ái Nghĩa tế 7 kỳ, trong đó có kỵ Tiền hiền ngày 13 tháng Giêng, kỵ Hậu tiền ngày 13 tháng 8, lễ Kỳ yên ngày 13 tháng 3 âm lịch.
Theo truyền khẩu, đình làng Ái Nghĩa ban đầu tại xứ Bàu Mặn, thuộc Ấp Nhứt, gần chùa Phổ Khánh, sau dời ra Nghĩa Bắc, rồi tiếp tục dời về Gò Dinh trên đất Ấp Nhì. Đến năm 1969, đình làng lại dời về vị trí gần bến xe Ái Nghĩa hiện nay, thuộc khu Nghĩa Đông, thị trấn Ái Nghĩa.
Theo cố Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá, đình làng Ái Nghĩa thờ phụng nhiều vị thần, chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những đối tượng tín ngưỡng chính thống: Thành Hoàng, Thần Nông, Thần Đất, Tiền hiền, Hậu hiền. Nhóm thứ hai là những thần linh có nguồn gốc bản thổ và ngoại lai: Thiên Y A Na, Quán Thánh Đế quân, Cao Các Quảng độ, Bạch Mã tôn thần, Tam vị thủy tướng, Chúa nữ...
Việc thờ một hệ thống thần như trên ở đình làng Ái Nghĩa thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hóa tâm linh độc đáo giữa lưu dân Việt với cư dân bản địa, được hình thành trên hành trình mở cõi của dân tộc Việt.
Sự kiện kháng thuế cự sưu năm Mậu Thân (1908), đình làng Ái Nghĩa là nơi cụ Hứa Tạo, Lý trưởng làng Ái Nghĩa chọn làm nơi hội họp, vận động nhân dân trong làng sốt sắng tham gia biểu tình chống sưu cao, thuế nặng. Phong trào khởi phát từ huyện Đại Lộc, sau đó lan ra khắp Quảng Nam và 10 tỉnh Trung Kỳ, làm rúng động bộ máy thực dân, phong kiến đương thời. Đình làng Ái Nghĩa đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2006.
Tư liệu Hán Nôm
Làng Ái Nghĩa xưa có nhiều tư liệu Hán Nôm có giá trị quan trọng phục vụ nghiên cứu về văn hóa và lịch sử đất Quảng. Theo tài liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên (do Viện Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương thực hiện vào đầu thế kỷ 20), xã Ái Nghĩa có 22 sắc phong của các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định (22 sắc phong này hiện được Hội đồng chư tộc phái làng Ái Nghĩa bảo quản cẩn thận); 1 chiếu gia ân yến thưởng; 1 bản sự tích về Tam vị thủy tướng được thờ ở miếu linh trong vùng; 1 tờ khai thế thứ của họ Trương do tộc trưởng Trương Hàn chép; 4 tờ thân kê khai về ruộng đất trong xã năm Thái Đức 8 (1785); 1 bản ghi chép về việc thành lập đền thờ; Gia phả dòng họ Nguyễn do Nguyễn Thành Công chép; kê khai thế thứ họ hàng, thủy tổ là Hoàng Văn Lư.
Một di sản Hán Nôm quý khác đến nay vẫn còn được lưu giữ, đó là văn bia chùa Phổ Khánh, tức chùa làng Ái Nghĩa xưa, tọa lạc tại Ấp Nhứt, làng Ái Nghĩa, nay thuộc thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Văn bia này (bằng chữ Hán, có vài chữ Nôm) khắc trên một tấm bia đá cổ đặt trong chùa, nội dung được cố Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá phiên âm và dịch nghĩa như sau:
“Chùa Phổ Khánh.
Chùa Phổ Khánh xã Ái Nghĩa, huyện An Nông, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt. Kính tỏ lòng tôn sùng Phật:
Hội chủ Lê Cao Trí, pháp danh Chơn (Chân) Thuyên; (và) Nguyễn Thị Diệp, hiệu Diệu Huệ, có ruộng tư mua được tại hai xứ Sa Khố và Suối Giữa, thuộc xã La Đái gồm 5 mẫu 4 sào 8 thước đem cúng làm ruộng Tam bảo.
Quan viên và toàn dân xã Ái Nghĩa có 3 mẫu ruộng công tại xứ Thi Lân cùng với đất thổ cư ở bên trong khuôn viên vườn chùa là 3 sào dâng làm của Tam bảo để tiện việc cúng dường tôn sùng Phật pháp.
Ngày lành của tháng cuối hạ, năm Mậu Ngọ (1678) niên hiệu Vĩnh Trị (Lê Hy Tông) thứ 3 lập bia.
Bia
Người viết chữ: Lê Phúc Thông
Lã Hữu Thái
Thợ khắc: Xã Quán Khái”
Đọc văn bia cổ chùa Phổ Khánh, các nhà nghiên cứu đã “giải mã” được nhiều thông tin quý và lý thú. Chẳng hạn, với chi tiết văn bia được khắc vào năm Mậu Ngọ (1678) niên hiệu Vĩnh Trị thứ 3, cho phép khẳng định: Chùa Phổ Khánh ra đời khá sớm so với những chùa được ghi chép trong “Đại Nam Nhất thống chí” và có thể bổ sung chùa này vào danh mục các chùa cổ trên đất Quảng Nam mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã bỏ sót.
Nội dung bài văn bia chùa Phổ Khánh còn cung cấp thông tin giúp các thế hệ sau tra cứu về một số địa danh ở đất Quảng xưa; về việc tiến cúng ruộng đất cho nhà chùa cũng như về vai trò to lớn của Phật giáo trong đời sống xã hội ở thế kỷ 17, khi mà các vị chúa Nguyễn thực hiện chính sách hòa hiếu, thân thiện và hướng Phật ở Đàng Trong...