Lễ hội du lịch từ tài nguyên bản địa
Việc thiết lập được chuỗi lễ hội từ tài nguyên bản địa sẽ giúp đa dạng hóa các sự kiện phục vụ du khách cũng như tăng cường tương tác của du khách với tài nguyên văn hóa - tự nhiên địa phương.
Những nét mới
Những năm gần đây, du lịch Quảng Nam dần xuất hiện các sự kiện lễ hội để bắt nhịp xu hướng chuộng khám phá, trải nghiệm giá trị gắn với tài nguyên bản địa. Bắt đầu bằng lễ hội làng gốm Thanh Hà, lễ hội làng mộc Kim Bồng, lễ hội Cầu Bông Trà Quế; rồi ngày hội quật cảnh Cẩm Hà (Hội An) đến lễ hội mùa hoa sưa Tam Kỳ và mới nhất là lễ hội mùa hoa ngô đồng Cù Lao Chàm vừa diễn ra ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An).
Trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam, dự kiến trong tháng 9 tới đây tại huyện Tiên Phước sẽ diễn ra lễ hội trái măng cụt với nhiều hoạt động đặc sắc liên quan đến loài trái cây “nữ hoàng” này.
Việc định hình lễ hội du lịch gắn với một tài nguyên nổi trội cụ thể tổ chức tại khu vực có khả năng thu hút khách du lịch có thể đem lại lợi ích. Nó vừa giúp tăng sức hút cho điểm đến vừa tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương, đồng thời mở lối để quảng bá nhiều sản phẩm độc đáo được hình thành từ tài nguyên bản địa.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, các lễ hội hoa ngô đồng hay ngày hội quật cảnh đã kể nhiều câu chuyện ý nghĩa đến du khách. Đơn cử, du khách nhận biết được việc thay đổi phương thức sản xuất hoặc lối sống bền vững của cư dân bản địa bằng việc cây ngô đồng có thể làm được võng, túi xách, mỹ phẩm hay quật có thể làm dược liệu, nước ép… Điều này rất hữu ích, nhất là với các phân khúc du khách thiên về giáo dục, bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh Quảng Nam đang thúc đẩy sự phát triển của du lịch xanh, những sự kiện này sẽ càng tạo thêm nét đặc trưng cho thương hiệu du lịch địa phương. Dư địa để mở rộng dạng lễ hội kiểu này vẫn rộng mở với các tài nguyên bản địa đặc sắc như hò bả trạo; đặc sản lòn bon, dâu đất (Tiên Phước), sâm Ngọc Linh (Nam Trà My)…
Những lễ hội dù ở quy mô nhỏ hay lớn được duy trì, tổ chức thường niên vừa tăng thêm tần suất sự kiện du lịch và cũng sẽ góp phần vun đắp, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan đặc sắc xứ Quảng.
Chỉn chu và khai mở các lễ hội
Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng, miền biển Quảng Nam có di sản văn hóa vô cùng phong phú, đồ sộ đang lưu tồn dưới lòng đất, lòng biển và cả ký ức cộng đồng, tri thức bản địa của cư dân, trong đó có loại hình bả trạo. Nhiều di sản văn hóa miền biển đang bị mai một, phân tán.
Việc thực hành di sản không được thường xuyên. Ít trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ sau nên rất cần những không gian lễ hội để góp phần bảo tồn và kích thích du lịch phát triển. Trên thực tế, đã có một vài đơn vị du lịch tại Hội An khai thác riêng lẻ loại hình hò bả trạo để đưa vào tour phục vụ du khách và được du khách đánh giá cao.
Ở khu vực miền núi, lễ hội sâm Ngọc Linh với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” diễn ra vào đầu tháng 8 hằng năm ở huyện Nam Trà My mở thêm một lối để đánh thức tiềm năng của kho báu nơi đại ngàn.
Bình quân mỗi mùa lễ hội thu được khoảng 10 tỷ đồng. Xoay quanh chủ đề sâm, một khi nâng tầm được lễ hội, miền đất hứa Nam Trà My còn sở hữu rất nhiều sản phẩm, giá trị riêng biệt đủ sức hấp dẫn du khách như: chinh phục đỉnh Ngọc Linh, khám phá công viên dây leo cổ đại, thăm làng tỷ phú vùng sâm, trải nghiệm bảo tàng sâm…
Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, trong mục tiêu phát triển bền vững du lịch Quảng Nam, rất cần những sản phẩm du lịch nương tựa vào tự nhiên và văn hóa để làm chất liệu.
Việc ứng xử với giá trị bản địa từ góc nhìn của sự sáng tạo, góp phần tìm kiếm, nâng cấp sản phẩm, lễ hội du lịch đặc trưng, từ đó xác lập nền tảng tăng trưởng xanh cho du lịch Quảng Nam.