Người còn lại của làng gốm cổ

TRẦN ĐĂNG 30/07/2022 07:36

Ông tên là Đặng Văn Trịnh, 60 tuổi, ở làng gốm Mỹ Thiện, ngôi làng nép mình bên dòng sông Trà Bồng - con sông từng róc rách chảy trong thơ Tế Hanh suốt 65 năm qua. Sẽ không có gì để nói về người đàn ông này nếu như ông không trở thành người giữ ngọn lửa cho làng gốm từng nổi tiếng khắp miền Trung từ hơn 200 năm trước.

Ông Trịnh và sản phảm từ lò gốm của mình. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Ông Trịnh và sản phảm từ lò gốm của mình. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Ông Trịnh giới thiệu với khách về lịch sử ngôi làng của mình bằng việc đưa khách… chui hẳn vào lò gốm: “Anh quan sát trên vòm của lò đi!”. Theo cánh tay ông Trịnh, trong ánh sáng lờ mờ hiện lên một lớp đất đen xù xì, như thể ai đã quét dầu rái lên vậy.

Ông Đặng Văn Trịnh từng mang sản phẩm “gốm Châu Ổ” ra tham dự Festival Huế 2017 và được ban tổ chức chọn là 1 trong 10 nghệ nhân tiêu biểu trong cả nước. Dù lò đỏ lửa quanh năm nhưng vợ chồng ông Trịnh chỉ đủ sống chứ không thể giàu lên từ nghề này được. Lý do là đầu ra thiếu ổn định và đây cũng chưa phải là địa chỉ du lịch để khách đến tham quan và mua sản phẩm thường xuyên.

“Với sức nóng cả ngàn độ, lớp đất đắp lò đã biến màu như vậy đó. Còn các loại sản phẩm cũng đổi màu sau khi được nung trong nhiệt độ ấy.

Nhưng gốm Mỹ Thiện không mang màu đỏ như anh thường thấy ở các làng gốm miền Trung mà nó có màu xanh sẫm. Tôi vẫn giữ ngọn lửa từng làm nên sự khác biệt này ngót 200 năm qua” - ông Trịnh nói.

Theo ông Trịnh, làng gốm bắt đầu từ một người đàn ông quê tận Thanh Hóa, theo dòng sông Trà Bồng trôi dạt về đây từ những năm cuối cùng thế kỷ 18.

Ghè Châu Ổ

Thuở nhỏ, tôi thường nghe các cụ trong làng gọi những chiếc vò sành đựng nước giếng là “ghè Châu Ổ”. Chiếc ghè này cũng là dụng cụ để đựng các loại giống nông sản. Tùy theo loại giống mà chiếc ghè sẽ có kích cỡ khác nhau. Các loại giống được đựng trong ghè sành sẽ không bị hư hỏng do nhiệt độ bên trong luôn ổn định.

Giữa trưa hè nóng bức mà nghe tiếng rao “… ai … ghè… hông”, như thể người ấy đang gánh một gánh nước kĩu kịt, có cảm giác bao oi nồng chợt dịu hẳn đi.

Tiếng rao ấy đã từng ám ảnh suốt tuổi thơ tôi, nhất là khi nghe người bán ghè năn nỉ mẹ tôi: “Chị ơi, chị mua luôn chiếc còn lại ấy giúp em chứ giờ mà gánh một chiếc này đến chiều thì… quẹo lưng mất”. Nghe đến là thương. Những lúc như thế, mẹ tôi tặc lưỡi: “Thôi, cô để tôi mua luôn!”.

Bà Phạm Thị Cúc (vợ ông Trịnh) với các sản phẩm gốm của vợ chồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bà Phạm Thị Cúc (vợ ông Trịnh) với các sản phẩm gốm của vợ chồng. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Người bán ghè gánh một đôi đi bán dạo khắp các làng quê. Nhưng nếu chỉ bán một chiếc, đầu chiếc gióng bên kia buộc phải bỏ viên đá hay vật gì đấy mà trọng lượng cũng bằng chiếc ghè còn lại để gánh đi cho cân bằng.

Gánh thêm một hòn đá như thế cho đến khi bán nốt chiếc ghè kia thì mới thoát cảnh “bên ghè bên đá”. Ám ảnh tuổi thơ tôi không chỉ là tiếng rao bán ghè mà còn có cảnh “ghè một bên và đá một bên” này nữa.

Nhưng làng gốm này đâu chỉ bán ghè chứa nước và đựng các loại giống. Cả khu vực Trung Bộ biết “ghè Châu Ổ” còn bao gồm cả những ché đựng rượu cần của đồng bào thiểu số dọc dãy Trường Sơn nữa.

Có những chiếc ché cổ của người Hrê trị giá bằng một con trâu, được làm tại làng gốm Châu Ổ này. Khi các nghệ nhân của làng nâng cấp từ gốm sang đồ sứ thì “ghè Châu Ổ” đã có mặt ở hầu khắp đình chùa, miếu mạo; hiện diện ngay trong những ngôi nhà của các phú ông. Người làng gốm chế tác các sản phẩm bằng một loại men độc đáo suýt nữa thì bị thất truyền, nếu như ông Trịnh không giữ vai trò truyền nhân.

Người cuối cùng của làng gốm

Lấy một sản phẩm cụ thể là “ghè” để định danh cho một làng nghề, từng tồn tại hơn 200 năm, nhưng “ghè Châu Ổ” đột ngột biến mất, nhường tên cho “gốm Mỹ Thiện”.

Mỹ Thiện là một thôn thuộc thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Như bao nghề truyền thống khác, sau năm 1975, tất cả các làng nghề đều phải vào hợp tác xã. Tên Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện bắt đầu từ đó, “khai tử” luôn tên “ghè Châu Ổ”, dù sản phẩm của làng nghề thì vẫn thế.

Hơn 400 xã viên tiếp tục nghề của ông bà dù không giàu có nhưng không đến nỗi quá vất vả như làm ruộng. Nhưng rồi ngọn gió đổi mới đã thổi qua làng, làm bay luôn hàng trăm xã viên, họ trôi dạt khắp nơi tìm sinh kế khác.

Trước cơn lốc ấy, Đặng Văn Trịnh - tấm thẻ nhân sinh cuối cùng của làng nghề, chợt bừng thức. Ông cố vẫy vùng níu giữ chút ký ức của làng nghề bằng việc… đắp riêng cái lò gốm ngay trong khu vườn mình.

Bà Phạm Thị Cúc - cô bạn gái cùng Hợp tác xã Mỹ Thiện, người được ông Trịnh ví von “cô gái có bàn tay vàng” không những chấp nhận về ở chung nhà mà còn cùng chồng quyết tâm giữ cho bằng được ngọn lửa của làng gốm đã từng thức ngủ với người Châu Ổ suốt mấy trăm năm qua.

Bên trong lò gốm ông Trịnh. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Bên trong lò gốm ông Trịnh. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

“Câu chuyện về gốm Châu Ổ không chỉ là giữ lại một nghề truyền thống của làng mà làm cách nào để có thể nuôi được mình bằng chính cái nghề ấy đây” - ông Trịnh nhớ lại giai đoạn khó khăn sau khi hợp tác xã giải thể từ hơn 20 năm trước. Thế rồi nghề chẳng phụ người, người thợ ấy đã mở tất cả các “kênh” để có thể “bắt sóng” tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hay tin “ghè Châu Ổ” vẫn còn một người theo đuổi với nghề, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa tìm về để “xem cho biết” rồi chính họ kiến nghị với các cấp tạo điều kiện tốt nhất cho ông Trịnh gắn bó với nghề.

Chẳng hạn việc ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi sau khi đi xem lò gốm này, nghe ông Trịnh kể là mỗi khi lấy đất làm nguyên liệu phải lén lút như kẻ trộm, đã kiến nghị với huyện Bình Sơn cho ông Trịnh “quyền” lấy đất chỗ nào mà ông muốn. Người nọ rỉ tai người kia về cái lò gốm độc đáo này, để bây giờ, sản phẩm của ông Trịnh có mặt tận bên Lào!

Nghề và nghiệp

Ông Trịnh kể, ông nội ông sinh hai người con trai nhưng chẳng ai theo nghề của bố. “Ai cũng bảo ham chi ba cái nghề vọc đất này mà theo? Nói vậy thôi chứ phải thật sự đam mê và có năng khiếu mới làm nghề này được.

Thấy tôi là đứa trẻ tò mò, hay để ý các chi tiết trên gốm, ông tôi bắt đầu truyền nghề dần dần cho đứa cháu nội. Lấy đất ở đâu, lấy lá cây gì, ở rừng nào, vỏ sò vỏ hến chọn lựa ra sao để đồ gốm sứ của làng này mang lại sự khác biệt, ông tôi cũng chỉ cho mỗi tôi biết bí mật ấy.

Rồi việc đắp lò, dọn lò nếu không theo một quy trình nghiêm ngặt trước khi nhóm lửa thì sản phẩm ấy cứ đỏ quạch từ đầu đến cuối chứ chúng không xanh như chúng ta thấy - điều làm nên sự khác biệt của “ghè Châu Ổ” với các nơi” - vừa thuyết minh với khách về vai trò của một truyền nhân, ông Trịnh cầm lên từng sản phẩm rồi nói chắc nịch: “Không một làng gốm nào mà sản phẩm lại xanh thẫm như thế này đâu”.

Bà Phạm Thị Cúc - vợ ông Trịnh đưa đất vô bàn xoay. Mô tơ điện hoạt động, trục bàn xoay quay tròn. Bà Cúc đưa “bàn tay vàng” của mình vào tảng đất sét đã đặt lên mâm. Khách chưa kịp định thần thì một bình gốm đã nên hình nên dạng rồi. “35.000 đồng/chiếc, dĩ nhiên là sau khi đã nung” - bà khoe với khách.

Tôi trêu bà: “Chị kiếm tiền còn nhanh hơn các trạm BOT trên quốc lộ 1 nữa đấy”. Bà cười: “Nếu thế thì tui thành đại gia rồi. Nay có khách đặt hàng, mình làm theo đơn của khách chứ không sản xuất đại trà như các nơi”.

Ông Trịnh vác những chiếc lu, chiếc bình xếp chúng vào lò. Vừa làm, ông vừa hài hước: “Chỉ cái lò này mới cho ra sản phẩm độc đáo, còn “lò” như báo chí nói ấy, hễ ai vô đó thì coi như… tan thành đất. Không chết già trong “lò” thì cũng thân bại danh liệt”.

Tôi hỏi ông đã tìm ra truyền nhân chưa chứ sao thấy có mỗi hai vợ chồng? Ông lắc đầu: “Tìm mãi mà chưa ra anh ơi! Nó là cái “nghiệp”, mà đã là “nghiệp” thì cần đến duyên số nữa”.

Hơn tuần nữa, những chiếc bình, chiếc lu xinh xắn đang cho vào lò này lại lên xe tải để đến miền quê nào đó đang cần chúng. Ngọn lửa của làng nghề sẽ tiếp tục cháy cùng nỗi đam mê của đôi vợ chồng Trịnh - Cúc.

TRẦN ĐĂNG