Vang vọng "Khúc tráng ca hòa bình"
(QNO) - Lúc 20h tối nay 27.7, chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình" do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại 6 điểm cầu gồm TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định và An Giang, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022).
Tham dự tại điểm cầu Quảng Nam - Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (TP.Tam Kỳ) có các đồng chí: Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có các đồng chí: Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở ngành, địa phương.
Đặc biệt, điểm cầu Quảng Nam đón tiếp sự có mặt của 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 90 người có công tiêu biểu của tỉnh.
Hành trình đi tới khát vọng hòa bình
Chương trình "Khúc tráng ca hòa bình" gồm 3 chương: "Những dấu chân hòa bình", "Bài ca không quên", "Khát vọng hòa bình".
Chương 1 "Những dấu chân hòa bình" đã lần lượt đi từ mảnh đất Hà Giang đến An Giang của Tổ quốc. Dân tộc ta, từ bao đời nay cứ khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời đã sống và hy sinh vì hòa bình.
Chương 2 "Bài ca không quên" đã lắng nghe những câu chuyện, sự cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao - đi qua những mất mát của chiến tranh - đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác: có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những người mải miết đi tìm đồng đội cũ... Tất cả để tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống luôn mang trong mình những "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình.
Chương 3 với tên gọi "Khát vọng hòa bình" đã tôn vinh giá trị của hòa bình. Người Việt Nam hiểu hơn hết về cái giá của hòa bình sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh. Các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến, hy sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn.
Trên dải đất hình chữ S này, những cánh chim hòa bình đang sải cánh tung bay trên mảnh đất hòa bình - nơi không còn nước mắt rơi chia lìa để người người sống trong yêu thương - là khát vọng chung không chỉ của Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Những thế hệ sau mãi mãi không quên sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì hòa bình trên khắp Việt Nam.
Những chiến dịch mà chỉ cần nhắc tên đã thấy nhói lòng, bởi bao máu xương đã đổ, lắng đọng lại thành tên người - tên đất. Đất nước đã đi qua bom đạn bởi người người lớp lớp anh hùng, che chở cho những thế hệ mai sau. Dù các anh, các chú đang nằm lại ở đâu, nơi quê nhà, đất mẹ, nơi biên cương, rừng sâu, linh hồn các liệt sĩ đã hóa thành những thành trì vững chãi, thành lá chắn bất tử để bảo vệ nền hòa bình cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Mỗi thế hệ người Việt lớn lên trong hòa bình từ những chắt chiu, hy sinh của cha anh trong chiến tranh, mang theo những hạt mầm về đoàn kết, gắn bó và sẻ chia, để cùng hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất nước do nhân dân và của nhân dân muôn đời sau.
Quảng Nam "đất thép thành đồng"
Hòa trong không khí hào hùng của cả nước, Quảng Nam - vùng đất địa linh nhân kiệt - đất khoa bảng - quê hương của nhiều trí thức lớn, chí sĩ yêu nước, lãnh tụ cách mạng đã làm rạng danh quê hương, đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân Quảng Nam đã bền gan sát cánh cùng cách mạng, xứng với danh hiệu được nhận "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".
Biết bao thế hệ người đất Quảng đã ngã xuống để bảo vệ hòa bình cho mảnh đất quê hương trong các chiến thắng Núi Thành, Thượng Đức. Câu nói "Dốc Quảng Nam, gan Cộng sản" đã phần nào khắc họa lên sự kiên cường của đất và người nơi đây trước những ác liệt của mưa bom, bão đạn trên mảnh đất này.
Hơn 65 nghìn liệt sĩ, hơn 30 nghìn thương binh là những con số khi nói về mảnh đất lửa Quảng Nam anh hùng - nơi lập nên nhiều chiến công hiển hách như Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ năm 1965. Những người con xứ Quảng luôn mang trong mình một tâm niệm, khát vọng không còn đạn bom trên quê hương, để đất và người Quảng Nam được sống dưới nắng hòa bình.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau âm ỉ vẫn còn mãi - như bài ca không quên của những thế hệ đã sống và đi qua những ngày tháng mịt mù bom đạn. Cả dải đất miền Trung này - vùng đất của khói lửa khốc liệt, ôm trong mình bao nỗi đau của những người mẹ tiễn con đi mà chẳng có ngày đón về. Mẹ Thứ hay hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng khác trên suốt chiều dài mảnh đất hình chữ S đã kết thành huyền thoại bất tử mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Câu chuyện về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lang (100 tuổi, ở Cẩm Phô, TP.Hội An) đã khiến những người con kiên trung của quê hương trong chiến tranh bom đạn phải ngấn lệ. Mẹ Lang có chồng và con là liệt sĩ. Người con của mẹ, sống dâng mình cho Tổ quốc, hy sinh đã không để lại cho mẹ bất cứ kỷ vật, di ảnh nào, đến cả ngôi mộ của con mẹ hiện nằm ở Núi Thành nhưng cũng chưa biết đang ở nơi nào, chưa thể về bên mẹ.
Hay ký ức về một thời hoa lửa của bà Trần Thị Dự (SN 1948, quê Tam Hiệp, Núi Thành) đã ghi dấu ấn của người con gái xứ Quảng. Mười bảy tuổi, chứng kiến quê hương bị địch tàn phá, người thân, bà con bị giày xéo, tra tấn dã man, bà đã xung phong vào đội du kích địa phương. Với bà Dự, cầm súng đánh giặc, đi theo cách mạng là con đường duy nhất. Bà nói, khi đó bà có cả tuổi trẻ, nếu không đánh giặc thì rất uổng phí thanh xuân, nên đi theo cách mạng là lẽ tất nhiên.
Mười tám tuổi, bà Dự tham gia nhập ngũ. Hai mươi ba tuổi đã trở thành Huyện đội phó bảo vệ Núi Thành quê hương. Đàn ông làm gì bà làm được cái đó. Cũng quần cộc, áo may ô, ăn cơm chiến hào, bám địch cả 4 tháng trời. Nhưng nhắc đến đồng đội, bà rưng rưng. Bà kể về chị Phương, chị Liên - những đồng đội hy sinh khi mới 19, 20 tuổi còn chưa kịp có người yêu.
Cô Liên thân thiết với bà Dự nhất, có 4 năm 2 chị em chiến đấu bên nhau. Cô Liên hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ đi diệt ác ôn (chỉ điểm). Khi cải trang theo tên Việt gian đến địa điểm ăn trưa của hắn, cô Liên tung lựu đạn. Nhưng lựu đạn không nổ, cô bị phát hiện.
Một mình cô chống lại cả đại đội địch, chúng đuổi và vây cô đến giữa cánh đồng thì cô bị bắt. Giặc bắn cô nát hết người, cô chết rồi chúng vẫn còn bắn. Khi đó, bà Dự đang chiến đấu ở xã khác. Nghe tin cô Liên hy sinh, đưa được xác về mà bà không tài nào về gặp mặt cô Liên lần cuối vì lúc đó các cô đều ở trong lòng địch, địch lùng sục bắt bớ không thể ra khỏi hầm.
"Qua Trao thì đến Bến Giằng/ Phải chăng đất Quảng anh hùng là đây". Mỗi người con xứ Quảng đều không ngại hy sinh vì nền hòa bình Tổ quốc - mỗi tấc đất xứ này thấm bao máu xương của những người con trai, con gái. Những người may mắn trở về được từ cuộc chiến, vẫn phát huy tinh thần người con miền Trung - hát lên những giai điệu thiết tha yêu Tổ quốc.
Cùng với ca sĩ Quang Hào, những cựu chiến binh xứ Quảng đã cùng ca vang bài hát "Vết chân tròn", tin vào tương lai, tin vào nền hòa bình đã được đổi lấy bằng máu xương và tình yêu Tổ quốc.
[Video] - Chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình":