Tam Kỳ "nóng" về chậm khởi công dự án mới

X.PHÚ 27/07/2022 11:17

(QNO) - Sáng nay 27.7, kỳ họp thứ năm HĐND TP.Tam Kỳ khóa XII tiếp tục diễn ra với phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn.

Ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố trả lời chất vấn về các dự án đầu tư khởi công mới chậm. Ảnh: X.P
Ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố trả lời chất vấn về các dự án đầu tư khởi công mới chậm. Ảnh: X.P

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn UBND thành phố và các phòng ban chức năng đó là việc chậm khởi công các dự án đầu tư mới và tiến độ giải ngân đạt thấp.

Đến nay, nhiều dự án theo kế hoạch khởi công mới năm 2022 vẫn chưa được khởi công, trong đó 7 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư, 28 dự án mới chưa được tổ chức đấu thầu thi công. Riêng dự án khớp nối hạ tầng đô thị do xã, phường làm chủ đầu tư, đến nay mới chỉ có 37/66 dự án được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và 23 dự án được khởi công xây dựng.

Đại biểu HĐND Tam Kỳ chất vấn các phòng ban chuyên môn. Ảnh: X.P
Đại biểu HĐND Tam Kỳ chất vấn các phòng ban chuyên môn. Ảnh: X.P

Ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố thừa nhận các dự án đầu tư khởi công mới rất chậm so với năm ngoái; trong số 28 dự án mới năm 2022, đang thi công 6 dự án, đang tổ chức đấu thầu 4 dự án, đã xong thủ tục 16 dự án, tập trung nhiều dự án hạ tầng.

Lý giải nguyên nhân chậm, theo ông Dương là vì càng ngày thủ tục càng chặt chẽ dẫn đến kéo dài, một dự án ít nhất hơn 7 tháng. Công việc dồn về Phòng Quản lý đô thị rất lớn nên không thể xử lý hết nên phải chọn dự án dễ làm trước. Một số dự án phải điều chỉnh quy mô, kỹ thuật.

Đại biểu chất vấn về các dự án chậm khởi công. Ảnh: X.P
Đại biểu chất vấn về các dự án chậm khởi công. Ảnh: X.P

Đại biểu Nguyễn Duy Ân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ cho rằng nguyên nhân chậm do khâu thẩm định dự án trả lại nhiều lần. “Điều này là vì tư vấn kém, chất lượng đề xuất của UBND thành phố thấp, một số dự án phải đề xuất thay đổi quy mô đầu tư” - ông Ân nói.

Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất giải thích thêm, Quyết định 42 của UBND tỉnh ra đời có nhiều bất cập khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc và giải ngân chậm. “Đơn giá bồi thường đất vườn thấp so với trước đây, có trường hợp từ 16 tỷ đồng đền bù theo phương án trước đó giảm xuống còn 1,3 tỷ đồng theo phương án mới. Vì vậy, hiện nay trình lại 12 phương án đền bù của 11 dự án để sớm triển khai thực hiện", ông Trai dẫn chứng.

X.PHÚ