Còn sức còn cống hiến
Hôm nay 27.7, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức gặp mặt người có công tiêu biểu của tỉnh. Không chỉ có công với nước, nhiều cán bộ, đảng viên “đi ra” từ chiến tranh đã không quản ngại khó khăn, luôn dành hết tâm trí đóng góp xây dựng quê hương.
Uy tín, gương mẫu
Năm 2006, ông Mai Thanh Hinh (ở thôn An Long, xã Quế Phong, Quế Sơn) nghỉ hưu sau hơn 38 năm công tác. Là người “đi ra” từ chiến tranh và được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, ông Hinh luôn một lòng theo Đảng, vì nhân dân phục vụ. Sau giải phóng quê hương, ông tham gia công tác ở xã, trong đó có 4 nhiệm kỳ giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã rồi làm Bí thư Đảng ủy xã trước khi nghỉ hưu.
Lối sống giản dị, hòa đồng cùng tinh thần gương mẫu của người đảng viên, về với cuộc sống đời thường, ông Hinh tích cực tham gia sinh hoạt các phong trào ở địa phương. Năm 2010, ông được tín nhiệm cử làm Chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng ban vận động xây dựng lại nhà thờ tộc Mai, xây dựng quy ước và tổ chức phát động xây dựng tộc văn hóa. Từ năm 2013 đến nay, tộc Mai luôn đạt danh hiệu “Tộc họ văn hóa”, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tộc họ tiêu biểu” các cấp, riêng năm 2019 được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Năm 2015, ông Hinh được sự tín nhiệm của 9 chư tộc trong làng cử làm Trưởng ban vận động khôi phục đình làng An Long. Ông Hinh kể: “Đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Việc khôi phục, xây dựng một ngôi đình khang trang để không phụ lòng mong mỏi của bà con, khiến tôi suy nghĩ mãi”.
Dù khó khăn, nhờ sự tham gia đồng lòng của các thành viên trong ban vận động, trong đó nòng cốt là Chi hội Người cao tuổi và Cựu chiến binh, chỉ chưa đầy một năm đã vận động được 600 triệu đồng để xây dựng đình làng An Long khang trang.
Năm 2017, đình làng An Long được UBND tỉnh công nhận Di tích sử cấp tỉnh, là “sợi chỉ đỏ” góp phần vào việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng, lòng tự hào, tình yêu quê hương và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Ông Hinh cũng là thành viên Ban liên lạc người có công cách mạng của thôn An long. Qua đó giúp chính quyền nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh của người có công để làm tốt hơn công tác chính sách ở địa phương...
Ông Hinh chia sẻ: “Mình còn sức thì còn gắn bó với việc chung, lúc nào mệt mới nghỉ. Tôi luôn nghĩ phải góp sức mình làm được gì cho làng, cho xóm phát triển thì làm. Việc của địa phương có gì chưa thuận lòng dân thì tôi tìm hiểu góp ý chân tình trên tinh thần xây dựng để lãnh đạo địa phương hiểu, tiếp thu khắc phục...”.
Chi hội trưởng mẫu mực
Một phần cánh tay trái phải cưa bỏ do hậu quả của bom đạn trên chiến trường, ông Hệ Đức Lương (thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) vẫn là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, tận hiến vì cộng đồng và hội viên cựu chiến binh. Dường như thương tật và tuổi tác chưa làm cho ông “mỏi gối chùn chân” trong bất cứ việc gì.
Ông kể, năm 1976 nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nam, sau đó bị thương rồi được đưa về điều trị ở trại thương binh Hội An (nay là Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công).
Đến tháng 10.1982 ông về địa phương công tác tại Văn phòng Đảng ủy sau đó lần lượt giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Thường trực Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy xã Tam Anh Nam, rồi nghỉ hưu vào năm 2015.
Lúc đương chức cũng như khi về hưu, ông Lương luôn tâm huyết với các hoạt động, phong trào tại địa phương và vươn lên làm kinh tế.
“Gia đình tôi có 1ha đất màu nhưng trước đây chủ yếu trồng sắn, năng suất, thu nhập thấp... Khi về hưu, có thời gian rảnh nên tôi cải tạo đất, chuyển qua trồng cây ăn quả và trồng rau củ, trung bình mỗi năm thu về khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, với 7.000m2 đất rừng trồng keo, mỗi lứa gia đình tôi thu lãi tầm 100 triệu đồng” - ông Lương cho biết.
Không chỉ đi đầu trong lao động sản xuất, ông Lương còn vận động gia đình hiến 30m2 đất ở để mở rộng đường giao thông theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông cũng là Chi hội trưởng Cựu chiến binh mẫu mực, luôn hết mình vì đồng đội, vì hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Với vai trò, uy tín của mình, ông Lương thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, dư luận xã hội liên quan đến những vấn đề nóng như bồi thường giải tỏa để kịp thời phản ánh, kiến nghị lên lãnh đạo xã có hướng giải quyết.
“Những gì dân bức xúc, có chỗ này chỗ kia chưa thỏa đáng mà tôi biết được thì tranh thủ trong các cuộc họp, gặp mặt sẽ có ý kiến lên lãnh đạo địa phương. Đó cũng là cách mà một người đảng viên, cán bộ hưu trí như tôi nên làm để góp phần xây dựng địa phương ngày một phát triển” - ông Lương chia sẻ.
Với những thành tích và đóng góp cho quê hương, năm 2019 ông Lương được chọn đi dự Hội nghị biểu dương cựu chiến binh gương mẫu toàn quốc tại TP.Hồ Chí Minh; năm 2000 dự Hội nghị biểu dương người có công toàn quốc tại Hà Nội...