Hành trình tri ân...
Là địa phương thuộc tốp tỉnh, thành có nhiều người có công trong cả nước, nên công tác đền ơn đáp nghĩa tại Quảng Nam được thực hiện xuyên suốt. Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sĩ, chia sẻ với Báo Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói:
Chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, lại thường xuyên bị thiệt hại bởi thiên tai nên đời sống của nhân dân nói chung, người có công (NCC) nói riêng ở Quảng Nam giai đoạn trước đây gặp nhiều khó khăn.
Do đó, công tác thực hiện chính sách ưu đãi, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống NCC trên địa bàn tỉnh luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Nhờ đó, đến nay đời sống NCC trên địa bàn tỉnh được đảm bảo ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi sinh sống.
- Chính sách xã hội hóa luôn được coi trọng, nhằm vận động nguồn lực toàn xã hội chăm lo NCC. Việc này tỉnh đã thực hiện đạt kết quả như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Quảng Nam có 65 nghìn liệt sĩ, hơn 45 nghìn NCC giúp đỡ cách mạng, 34 nghìn người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, hơn 6 nghìn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; gần 12 nghìn người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.... Cả tỉnh có 15.332 bà mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, hiện còn sống 430 mẹ. Toàn tỉnh hiện có gần 47.800 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.
- Ông Trần Anh Tuấn: Các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, NCC trên địa bàn tỉnh đã từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc.
Đến nay, có 99,28% hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện. Trong 25 năm, kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), toàn tỉnh đã vận động đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa hơn 111 tỷ đồng; vận động được 16.767 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 33 tỷ đồng tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
NCC được tổ chức thăm quan, điều dưỡng thường xuyên. Từ năm 1997 đến nay nhiều chương trình như xóa nhà ở tạm, Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công, nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa... đã vận động hỗ trợ 42.734 nhà cho NCC, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh với tổng nguồn kinh phí hơn 2.427 tỷ đồng.
Trong công tác thương binh liệt sĩ, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt. Ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương gần 237 tỷ đồng, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã huy động hơn 142,5 tỷ đồng để nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ và nhiều công trình ghi công liệt sĩ khác; sửa chữa, tôn tạo trên 79 nghìn lượt mộ liệt sĩ.
Tất cả Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng, mức bình quân 800 nghìn đồng/tháng, các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc cho các mẹ...
- Thưa ông, ở một tỉnh trọng điểm có nhiều NCC như Quảng Nam, công tác chăm lo, đền ơn đáp nghĩa chắc hẳn còn nhiều khó khăn?
- Ông Trần Anh Tuấn: Cái khó khiến nhiều người lưu tâm, có thể nói là ray rứt nhất, chính là công tác liên quan đến mộ, hài cốt liệt sĩ. Không chỉ khó khăn trong công tác tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính, mà ngay cả việc quy tập mộ liệt sĩ cũng còn nhiều khó khăn do vướng các quy định.
Như việc di chuyển hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang gia tộc vào nghĩa trang liệt sĩ, theo quy định phải có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ của cơ quan có thẩm quyền. Nhưng hầu hết mộ liệt sĩ thuộc diện này là những trường hợp sau khi hy sinh gia đình an táng cùng với khu mộ gia tộc, sau giải phóng mới xác lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, do đó không có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ.
Việc nuôi dưỡng tập trung tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC quy định thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên nếu sống cô đơn thì được Nhà nước nuôi dưỡng tập trung.
Trong khi hiện nay nhiều thương bệnh binh dưới 81%, NCC với cách mạng… cô đơn không nơi nương tựa, rất cần được chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng không thể đưa vào trung tâm. Dẫn đến nghịch lý các trung tâm được trang bị cơ sở vật chất rất đầy đủ nhưng không có NCC để chăm sóc nuôi dưỡng, gây lãng phí cơ sở vật chất.
- Ông có thể chia sẻ những định hướng của tỉnh trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc NCC?
- Ông Trần Anh Tuấn: Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân để huy động nguồn lực, sức mạnh thực hiện chính sách NCC, hỗ trợ chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của NCC…
Tập trung rà soát xác lập hồ sơ đề nghị xác nhận NCC còn tồn sót, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC, nhất là các chế độ chính sách mới được ban hành. Tỉnh tiếp tục thực hiện có kết quả Đề án hỗ trợ cải thiện nhà ở NCC và Đề án cải tạo, nâng cấp NTLS và các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026. Các mô hình làm tốt công tác NCC sẽ được biểu dương, nhân rộng.