Làm mặt trận đâu chỉ có nói

MỘC MIÊN 26/07/2022 06:26

Tôi hỏi ông C’lâu Hạnh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang: “Đặc thù của công tác mặt trận vùng cao là chi?”. Ông không trả lời thẳng, mà vạch cho tôi mấy cái đầu dòng. 

Mới đây thôi, dịch Covid-19 bùng phát ở Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, huyện phát động kêu gọi bà con góp rau củ gửi tặng. MTTQ huyện rồi MTTQ xã, thôn đi vận động bà con, nhưng có một địa chỉ họ không thể bỏ qua, là các già làng.

Chính già làng mới là người có tiếng nói quyết định để bà con gật đầu, rằng ngày xưa khó khăn, rồi chiến tranh, vì yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, ta mới được như bây giờ.

Dịch đang làm chết, đói, khổ cho bà con mình ở xa, thì mình hãy góp ngọn rau, trái bí giúp họ qua lúc khó khăn, đó là yêu thương, là tình nghĩa đồng bào hoạn nạn có nhau. Bà con gật liền. “Không có vai trò già làng, việc khó thành lắm. Mình nói họ không nghe, nhưng già làng thì được hết”.

“Có già làng nào… khó chịu không?”. “Có chứ, lâu rồi có ông đó ở Tr’Hy không chịu di dời cùng bà con để quy hoạch lại chỗ ở, già làng mà vậy nói chi người khác. Ổng nói: Tôi từ nhỏ tới chừ tự làm tự ăn tự nuôi tự sống, mắc mớ chi nghe lời mấy ông là dời nhà dồn chỗ ở lại.

Mình phải xuống ba lần, tỉ tê với ông, là già rồi, về ở với bà con cho vui, lúc đau ốm có con cháu, ở một mình không khéo kẻ xấu phá hoại, tấn công, mình nói ý này ra bởi lúc đó tình hình biên giới phức tạp. Nghe đến đó ổng mới chịu. Mấy ông trẻ cũng không dễ.

Có ông ở A Nông không chịu vào khu quy hoạch tái định cư, cả làng vào hết, mình ông kiên quyết không. Đâu có cưỡng chế họ được, vì đất của họ, vận động họ vào chứ không ép, mà ông này lại là người thân của một cán bộ huyện đã về hưu. Xã bó tay. Mình xuống ba lần, uống rượu, nói tình nói lý, tỉ tê miết rồi ổng cũng nghe theo”.

“Không xuống, không ngồi với họ, thì không được việc đâu” - ông Hạnh nói. “Bà con có lý của họ chứ?”. “Có, họ cứng lý lắm chứ không phải chơi. Họ nói tôi không chịu là không chịu. Lý do không chịu? Không biết, không chịu là không chịu. Họ không nói được lý do, là do họ chưa thông, chưa hiểu.

Nhưng cấp huyện làm sao dài tay và không nên thò xuống tận xã, nhưng một thời gian dài MTTQ xã yếu lắm. Văn bản không biết soạn, họp không biết ghi chép, phản biện , giám sát cũng không, chỉ biết mỗi việc mình.

Mình truyền đạt chủ trương xuống, giỏi lắm xã tiếp thu được 50%, từ xã xuống thôn may ra được 20%, còn cán bộ mặt trận thôn thì nói bà con không hiểu. Vùng cao làm mặt trận khó lắm, chưa nói là như Tây Giang, kêu gọi xã hội hóa khi vận động làm chi đó, càng gian nan”.

Người vùng cao yếu tố cộng đồng rất mạnh. Đường lối chủ trương xuống tới họ mà chỉ chăm chăm đọc văn bản, thì khác chi gió qua nhà trống. Cái lý với họ cũng chính là cái tình, nói cho họ thông, làm cho họ thấy hiệu quả, thì họ đồng tình, chứ hô khẩu hiệu là bỏ.

Chính Bí thư Huyện đoàn Tây Giang - C’Lâu Hoài cũng nói rằng, là kêu gọi họp hành thì khó có thanh niên tham gia, nhưng phát động làm thiện nguyện thì họ hưởng ứng liền, bất luận thời gian, thời tiết, rất hào hứng, vui vẻ.

Có lẽ câu nói dân gian “nói phải củ cải cũng nghe”, áp dụng ở miền núi, là cái tình, là làm gương. Họ tuy hiểu biết không nhiều, nhưng điều hay lẽ phải, họ khác chi người vùng xuôi. Cán bộ phụ trách lĩnh vực này, đúng là… khan cổ.

Hình như thế nên phải thừa nhận một điều như ông C’Lâu Hạnh nói, là bố trí làm cán bộ mặt trận, vốn đi liên tục, nói không ngừng, chỉ có văn bản và vận… não để truyên truyền, nên lắm người lắc đầu.

MỘC MIÊN