Chiến công thuộc về nhân dân!
Trên địa bàn Hiệp Đức, cùng với phong trào đấu tranh chính trị và binh vận, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phong trào đón thương bệnh binh về nuôi dưỡng tại các gia đình được phát triển mạnh mẽ.
Nhiều câu chuyện cảm động của những người mẹ, người chị, rộng hơn nữa là tấm lòng của nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà đối với cán bộ chiến sĩ, thương binh, giúp họ lành những vết thương, vượt qua gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
1. Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sinh, ở thôn Bình Kiều, xã Hiệp Hòa, kể lại, năm 1966 chị khoảng 14 tuổi, đã chứng kiến phong trào nuôi thương binh được phát động và nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, nhưng không phải gia đình nào cũng được nuôi thương binh, mà có sự lựa chọn rất kỹ càng.
Lúc đó, thương binh đang điều trị ở Bệnh xá 138 được đưa về nhà của các mẹ, các chị để chăm sóc, nuôi dưỡng, kết hợp điều trị vết thương. Với phương châm phải bảo tồn lực lượng, dù có chết cũng không được để địch bắt thương binh, nên qua nhiều lần địch càn, các mẹ, các chị tuy chân yếu, tay mềm, nhưng đã kiên trì tìm mọi cách để che giấu, bảo vệ; thương binh nhẹ thì cõng, dìu chạy trốn vào núi; thương binh nặng thì tìm cách khiêng, cáng đi tránh trú, thoát khỏi sự truy lùng của địch.
Có thời điểm, địch càn quét dữ dội, nhiều cơ sở cách mạng bị lộ, nhưng không thể làm nhụt ý chí cách mạng, nhân dân càng xây dựng hậu phương vững chắc, mỗi nhà dân trở thành giường bệnh, cả xã là bệnh viện để chăm sóc thương binh...
Thời đó, rất cơ cực, nhưng sức người lại như vô hạn. Hạt lúa mọc lên giữa làn đạn, nhưng tất thảy bà con đều dành cho bộ đội, cho du kích, cho thương binh, còn mình ăn khoai. Phần lớn thương binh là người miền Bắc, vừa thiếu thốn tình cảm, vừa đau đớn về thể xác nên được các mẹ, các chị chăm sóc tận tình, xem như người thân trong gia đình…
Trong hồi ký của Trung tướng Nguyễn Huy Chương ở trận đánh Núi Ngang có đoạn: “Nhân dân tận tình giúp đỡ bộ đội, đóng góp lương thực, dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, chuẩn bị khiêng thương binh”.
Còn Thượng tướng Nguyễn Chơn có nhắc: “Đầu năm 1965, trên cương vị cán bộ tác chiến Trung đoàn 1, tôi được giao nhiệm vụ cùng một số cán bộ đi chuẩn bị cho Tiểu đoàn 40 đánh cử điểm Việt An - một cứ điểm án ngữ khu vực ngã ba đường 105 và đường 16, cách quận lỵ Quế Sơn về phía nam, trận đó đã tổ chức tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Việt An.
Những ngọn đèn báo hiệu, những hình ảnh người mẹ, người chị thức trắng thâu đêm, canh gác… xóa từng dấu vết, chăm lo từng bữa ăn, canh phòng từng giấc ngủ. Nếu không có nhân dân thì không có những chiến công”.
2. Bà Trần Thị Thanh Hải - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức nhớ mãi câu chuyện đầy ân tình về Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phán ở thôn Hóa Trung, xã Quế Thọ. Đó là vào cuối năm Mậu Thân 1968, mùa đông nên những căn hầm trú ẩn đều ngập nước.
Lúc đó, mẹ bà Hải sinh người con gái út còn đỏ hỏn, mẹ Phán đã nhường hầm nổi khô ráo và chăm sóc, nuôi dưỡng cho mẹ con sản phụ là vợ con của cộng sản “cộm cán” Trần Ngự - Phó Trưởng ban Tuyên huấn Huyện ủy Quế Sơn lúc bấy giờ.
Tấm lòng luôn hướng về cách mạng, dù muôn vàn khó khăn, bom rơi, đạn lạc nhưng mẹ Phán vẫn tự nguyện nuôi dưỡng bộ đội đau ốm, thương binh. Mẹ có một con trai là Huỳnh Cu, tham gia du kích xã Quế Thọ, con dâu là Nguyễn Thị Cúc làm Hội Phó phụ nữ xã Sơn An (nay là Quế Thọ), lần lượt hy sinh vào các năm 1968 và 1969. Cũng trong năm 1969, địch bắt mẹ đưa vào khu dồn dân Hiệp Đức, sau đó qua đời...
Năm nay dù đã hơn 90 tuổi, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Lập (ở xã Bình Lâm) vẫn còn nhớ những ngày tháng cuối năm 1973. Lúc bấy giờ đơn vị C1 - D7 - E31 - F2 được giao nhiệm vụ phải giữ vững điểm cao 378 (nay thuộc thôn An Phố, xã Bình Lâm).
Đây là chốt điểm quan trọng nên đã diễn ra cuộc giao tranh giữa bộ đội ta với với quân địch vô cùng ác liệt. Có đợt trời mưa suốt, lạnh và đói nhưng bộ đội ta phải bám chặt mục tiêu.
Gia đình của mẹ Lập lúc đó vô cùng khó khăn, sống trong sự kìm kẹp của địch vì có người thân hy sinh cho cách mạng, song hằng ngày có gì ngon mẹ cũng để dành cho bộ đội. Đêm đến, bộ đội thay nhau rời chốt, xuống nhà mẹ Lập kiếm cái lót dạ...
Trong một dịp trở về thăm chiến trường xưa Hiệp Đức, các cựu chiến binh tâm sự: “Trong cuộc chiến, lằn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, chúng tôi mới thật thấm thía tấm lòng của nhân dân. Chúng tôi coi Hiệp Đức là quê hương thứ hai của mình.
Nhờ nhân dân chăm sóc, nuôi dưỡng, che chở, chúng tôi mới có cơ hội được sống, được cống hiến. Chính lòng dân là thế trận vững chắc nhất để cho chúng tôi hoạt động, chính nhân dân là những người xứng đáng được tôn vinh trong chiến công chung của đất nước”.