Vắc xin cho bệnh đậu mùa khỉ

QUỐC HƯNG 24/07/2022 15:07

(QNO) - Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 23.7.2022, vấn đề vắc xin phòng bệnh càng được quan tâm. 

Vắc xin phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Ảnh:
Vắc xin phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ. Ảnh: NDTV

Một số vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ

Hiện thế giới có một số loại vắc xin phòng bệnh đậu mùa cũng mang lại khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. 

Jynneos là vắc xin được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê duyệt vào năm 2019 để phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ ở người từ 18 tuổi trở lên. 

Vắc xin do công ty công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch bào chế.

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và WHO, dữ liệu cho thấy vắc xin Jynneos đạt hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa bệnh.

Ngoài Jynneos, Mỹ còn phê duyệt ACAM2000 - thế hệ vắc xin trước Jynneos với các tác dụng phụ rõ ràng hơn nên không được khuyến cáo sử dụng cho tất cả mọi người bao gồm người đang mang thai, suy giảm miễn dịch, các bệnh về da như viêm da dị ứng/chàm.

Jynneos là một loại vắc xin bao gồm 2 liều tiêm dưới da với mỗi liều cách nhau 4 tuần, tương tự vắc xin ACAM2000.

Vắc xin Jynneos (ở châu Âu gọi là Imvanex) được chấp thuận tại Liên mình châu Âu (EU) từ năm 2013 để phòng bệnh đậu mùa. Vắc xin này vừa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt phòng cho cả bệnh đậu mùa khỉ. 

Tháng trước, EU ký một thỏa thuận với công ty Bavarian Nordic để mua khoảng 110.000 liều vắc xin này. 

Nhóm người được ưu tiên tiêm phòng vắc xin

Theo WHO, hiện chưa cần tiêm đại trà vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Vắc xin bệnh đậu mùa khỉ còn hạn chế, WHO đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận.

Tuy nhiên, WHO cho biết, các biện pháp phòng ngừa khác, như giữ vệ sinh chung đúng cách vẫn có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh. 

[VIDEO] - Người dân Mỹ xếp hàng tiêm phòng vắc xin bệnh đậu mùa khỉ. Nguồn: AFP


Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, vì nguồn cung có hạn nên vắc xin nên tiêm trước khi phơi nhiễm cho nhóm người dễ bị lây nhiễm như nhân viên phòng xét nghiệm, nhân viên y tế…

Một số chuyên gia cho rằng, việc tiêm phòng sau khi tiếp xúc với bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh hoặc làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn, ít nhất trong vòng 2 tuần hoặc tiêm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả bằng tiêm trước khi phơi nhiễm. 

Ngoài ra, người tiêm phòng bệnh đậu mùa trước đây sẽ có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. 

Tuy nhiên, người đã chủng ngừa nên tiếp tục thực hiện các bước để bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm bằng cách tránh tiếp xúc gần, da kề da, kể cả tiếp xúc thân mật với người bị bệnh đậu mùa khỉ.

QUỐC HƯNG