Ly hôn ở miền núi: Phụ nữ thiệt thòi
Trước đây ở vùng núi, nơi bà con người Cơ Tu sinh sống, tình trạng ly hôn ít xảy ra do sự nghiêm khắc của luật tục, đi lại và giao lưu với nơi khác hạn chế, bản thân phụ nữ mang nặng tâm lý sợ hãi, cam chịu, rồi sự thay đổi thái độ sống theo chiều tiêu cực của cả hai phía còn ít… Tuy nhiên nhiều năm tại đây, xu hướng ly hôn đã rộ lên, kéo theo nhiều hệ lụy.
Thống kê chưa đầy đủ, từ 2019 đến 6 tháng đầu năm 2022 tại Tây Giang đã có 24 vụ ly hôn, nguyên nhân là ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, đánh đập. Đó là chưa kể nhiều vụ mâu thuẫn chính quyền đã hòa giải thành công.
Bà Briu Thị Nem - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Tây Giang cho biết, tình trạng ly hôn những năm qua, phần nhiều xuất phát từ quen qua mạng, đi lao động ở đồng bằng, đẻ con xong rồi đi làm xa gặp người khác, hoặc bị dụ dỗ, hoặc có cảm tình với nhau...
Bà Nem kể, vừa rồi ở xã A Xan có cặp vợ chồng đi đám cưới, cô vợ nói em về trước để lấy hàng ship và biến mất. Ai ngờ cô quen qua mạng và hẹn với anh nào đó quê Nghệ An, rời đám cưới là đi luôn theo chàng.
Nhiều trường hợp yêu nhau lúc đang học THPT, cưới, đi lao động dưới đồng bằng, quen người khác, rồi tan vỡ. Có trường hợp đi lao động nước ngoài, ưng người khác, mất liên lạc luôn.
Có một vấn đề nhức nhối lâu nay, đó là hôn nhân không đăng ký, rồi luật tục, nếu vợ bỏ chồng sẽ bị đòi của, cho nên khi ly hôn, phụ nữ trắng tay, hay nói như người Cơ Tu là như cái gùi úp ngược - đi rẫy về không có chi thì đeo ngược cái gùi.
Bà Nem nói, trước đây phần lớn đám cưới không đăng ký, nhưng từ khi Luật Hôn nhân gia đình ra đời, thì phải đăng ký, tuy nhiên xử lý sau ly hôn về tài sản, không phải dễ.
Nhiều người phụ nữ bỏ chồng, sau khi quay về, gia đình chồng còn thương, rồi chính quyền vào cuộc tuyên truyền, họ được gia đình chồng chấp nhận tha thứ, nhưng nhiều cặp thì tan vỡ. Lúc đó, giải quyết tài sản sau ly hôn rất khó khăn.
Đành rằng có kết hôn, nhưng tài sản có bao nhiêu đâu, xét về pháp lý, phụ nữ có quyền trong chia tài sản khi họ thành vợ chồng mà có, nhưng luật tục bắt họ trả nợ; có những trường hợp gia đình nhà chồng bắt nhà vợ đền hàng trăm triệu đồng.
Bà Nem kết luận: “Luật tục âm thầm đòi của, ép phụ nữ sau ly hôn còn đó, chính quyền rất khó can thiệp, bởi tâm lý bà con còn nặng yếu tố dư luận, cộng đồng. Nếu hôn nhân không có kết hôn, họ sẽ mất hết”.
Một cán bộ trong ngành địa chính nói rằng, khi về địa phương làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thường tuyên truyền cho họ phải đăng ký kết hôn thì quyền lợi tài sản về đất, trên đất, mới có, còn không là trắng tay.
Luật pháp hay luật tục ở vùng cao, thực tế khi hôn nhân tan vỡ, phụ nữ vẫn bị thiệt thòi phần hơn. Đấu tranh đòi quyền lợi, chính quyền vào cuộc, bản thân họ mạnh mẽ, hiểu biết, thì sẽ bớt được nhiều thiệt thòi.
Nhưng bóng ma đòi của, ép buộc họ, còn đó, như lời một sĩ quan biên phòng, rằng đôi khi gia đình chồng không đòi, nhưng hàng xóm, láng giềng, kẻ xấu bụng châm chích, là sinh chuyện ngay. Giữ được gia đình bình yên vẫn là trên hết.