Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng: "Địa chỉ đỏ" giáo dục lòng yêu nước

VINH ANH 21/07/2022 05:33

Được hoàn thành, đưa vào đón khách từ năm 2015, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành “địa chỉ đỏ” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, tưởng nhớ công hy sinh của các Mẹ Việt Nam anh hùng cho độc lập, tự do.

Người dân đến tham quan Tượng đài Mẹ VNAH. Ảnh: V.A
Người dân đến tham quan Tượng đài Mẹ VNAH. Ảnh: V.A

Cảm xúc về “mẹ”

Sau gần 7 năm đưa vào đón khách, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tọa lạc tại Núi Cấm (TP.Tam Kỳ) đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn.

Theo thống kê, tổng lượt khách đến tham quan Tượng đài Mẹ VNAH từ tháng 8.2015 đến nay là gần 860 nghìn lượt khách; tính riêng đầu năm 2022 đến nay có gần 30 nghìn lượt.

“Chúng con thành kính dâng hương, dâng hoa thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh, cống hiến to lớn khó có gì có thể so sánh được của các Mẹ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh cũng như trong hòa bình. Chúng con xin nguyện sống, chiến đấu, học tập và làm theo gương sáng của các Mẹ bằng hành động cụ thể, góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng...”. 

(Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi sổ lưu niệm khi đến dâng hương, dâng hoa Tượng đài Mẹ VNAH vào ngày 27.3.2022)

Nhiều du khách, sau khi được đặt chân đến Tượng đài Mẹ VNAH đã có những cảm nhận, cảm xúc đặc biệt trước sự hy sinh cao cả, vĩ đại của các Mẹ VNAH…

Năm 2016, bà Đặng Thị Nâu, thành viên đoàn chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Hải Phòng và Thanh Hóa, khi về viếng thăm Tượng đài Mẹ VNAH, đã xúc động viết: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã xây dựng công trình vĩ đại này để tôn vinh các Bà Mẹ VNAH đã hiến dâng những đứa con dũng cảm cho đất nước trong cuộc chiến giành độc lập của dân tộc… Công lao đó thuộc về các Bà Mẹ VNAH, đời đời con cháu ghi ơn Bà Mẹ VNAH. Đất nước Việt Nam trường tồn và vững mạnh”.

Hay như cảm xúc của một người con quê hương Quảng Nam - ông Ngô Bá Lý, một cựu chiến binh đến từ xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên.

“Con cúi đầu ghi nhận công ơn của các Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình, đã sinh ra những người con ưu tú của quê hương, không tiếc máu xương để dành độc lập cho dân tộc, sự hạnh phúc cho nhân dân… Là một cựu chiến binh, con nguyện sẽ sống xứng đáng với sự hy sinh của cha ông, anh chị, và đặc biệt là sự hy sinh to lớn của các Mẹ” - ông Lý viết trong sổ lưu niệm.

Tình cảm thiêng liêng dành cho Mẹ VNAH không chỉ là cảm xúc của những du khách khi lần đầu tiên đặt chân đến công trình này. Với những cán bộ, nhân viên phục vụ khách tham quan tượng đài cũng có những tình cảm riêng.

Chị Nguyễn Thị Trúc, 32 tuổi, là hướng dẫn viên khu Tượng đài Mẹ VNAH từ ngày đầu đón khách đến nay. Chị Trúc cho biết, là dân “tay ngang” trong nghề hướng dẫn viên, do đó quá trình công tác đã phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi.

“Thật sự ban đầu rất khó khăn vì tôi phải tập làm quen và học hỏi nhiều về kỹ năng hướng dẫn viên. Ngoài những thông tin, kiến thức về công trình, về những hình ảnh, tư liệu, hiện vật… phải nắm bắt, thì khó nhất là làm sao để chuyển tải những câu chuyện, tư liệu ấy đến với du khách một cách chân thực, xúc động và thu hút nhất” - chị Trúc chia sẻ.

Qua thời gian, chị Trúc cho biết những va vấp, “khô cứng” trong thuyết minh dần được khắc phục. Điều đó không chỉ đến từ cố gắng của bản thân mà chính công việc và những câu chuyện xúc động về Mẹ VNAH đã tiếp cho chị sự mạnh dạn, tự tin cùng cách kể chuyện có hồn hơn.

Chị Trúc tâm sự: “Sự hy sinh của các Mẹ quá vĩ đại, không gì có thể so sánh và tôi càng “thấm” hơn những điều đó sau khi lập gia đình và sinh con. Đó là lý do tôi luôn xúc động mỗi khi kể chuyện về Mẹ VNAH.

Có những lần, xen giữa câu chuyện của tôi đang kể, nhìn thấy ai đó khóc thì tôi cũng rưng rưng theo dù đã cố gắng kìm nén. Tình cảm ấy là nguồn động lực và chất xúc tác để tôi gắn bó và yêu nghề hơn”.

Phát huy giá trị

Là địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến, Quảng Nam có số lượng đối tượng chính sách nhiều nhất nước với hơn 65.000 liệt sĩ, 15.000 Mẹ VNAH, hàng chục nghìn thương bệnh binh.

Tham quan hình ảnh, hiện vật về Mẹ VNAH. Ảnh: V.A
Tham quan hình ảnh, hiện vật về Mẹ VNAH. Ảnh: V.A

Đánh giá về công trình Tượng đài Mẹ VNAH, ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho rằng đó là sự vinh dự và tự hào đối với Quảng Nam.

“Trên cả nước có nhiều bà Mẹ VNAH rất vĩ đại với sự hy sinh thầm lặng, cao cả. Quảng Nam được Chính phủ phê duyệt chọn hình tượng Mẹ Thứ là nguyên mẫu để xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH, đó là vinh dự tự hào lớn của quân và dân Quảng Nam” - ông Cẩm nói.

Trong Khu Tượng đài Mẹ VNAH đã hình thành Không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về Mẹ VNAH. Đây được xem là một bảo tàng về Mẹ VNAH, là nơi trưng bày gần 300 hiện vật trong số gần 1.000 hiện vật đã được sưu tầm từ các Mẹ VNAH tiêu biểu đại diện cho hơn 127.000 Bà mẹ VNAH trên cả nước. Việc tiếp nhận hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Mẹ VNAH đã và đang tiếp tục được triển khai nhằm làm đa dạng, phong phú, sinh động hơn cho không gian trưng bày, phục vụ du khách.

Theo ông Cẩm, từ khi khánh thành đến nay, Tượng đài Mẹ VNAH đã phát huy vai trò, giá trị của một công trình mang ý nghĩa văn hóa lịch sử, tâm linh.

Được nhân dân, các tầng lớp xã hội trên mọi miền Tổ quốc biết đến. Sức lan tỏa mạnh và tiếng vang của công trình rộng rãi. Đây là điểm nhấn vùng Nam Quảng Nam trong thu hút du lịch.

Ông Cẩm kể, một lần đưa đoàn chuyên gia Ấn Độ tham gia trùng tu Mỹ Sơn đến thăm Tượng đài Mẹ VNAH, nhiều người rất ấn tượng bởi đất nước họ không có hình tượng người mẹ vĩ đại như vậy. Họ nói rằng, mình cần gìn giữ điều thiêng liêng này.

Với tầm giá trị cao cả của công trình, suốt gần 7 năm qua, bên cạnh công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ, cán bộ, viên chức, người lao động tại khu Tượng đài Mẹ VNAH luôn nỗ lực để phát huy giá trị của công trình.

Một cán bộ ở đây chia sẻ, qua công trình, hình ảnh về Mẹ VNAH sẽ trường tồn mãi với thời gian. Chính vì vậy việc phát huy giá trị của công trình “địa chỉ đỏ” Tượng đài Mẹ VNAH nhằm giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, là hết sức ý nghĩa và cần thiết.

Thời gian qua đã có nhiều cách làm đa dạng để giới thiệu, quảng bá công trình Tượng đài Mẹ VNAH đến bạn bè, du khách như lập Fanpage “Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH”; xây dựng tập gấp du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh; tổ chức cuộc thi kể chuyện về Mẹ VNAH; phát động hiến tặng hiện vật, hình ảnh về Mẹ VNAH; phối hợp tổ chức triển lãm về Mẹ VNAH…

Cán bộ, viên chức, người lao động tại khu Tượng đài Mẹ VNAH luôn xác định thái độ khi đón tiếp khách tham quan ở vai trò phục vụ chứ không phải quản lý. Tất cả du khách đều được phục vụ chu đáo như nhau.

Điều đáng quý là thời gian qua nhiều cơ quan, đoàn thể đã chọn không gian Tượng đài Mẹ VNAH để thực hiện các hoạt động về nguồn, tổ chức sinh hoạt truyền thống, kết nạp Đội, Đoàn và cả kết nạp đảng viên mới.

Ông Phan Văn Cẩm cho biết: “Công trình Tượng đài Mẹ VNAH là nơi vừa chính trị, vừa văn hóa vừa tâm linh. Với kết quả đã đạt được, thời gian đến, bên cạnh việc phục vụ du lịch, cần thường xuyên phối hợp tổ chức đoàn thể để sinh hoạt truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc”.

VINH ANH