Có địa phương không xác định được số lượng hộ đã thoát nghèo bền vững
(QNO) - Bà Trần Thị Bích Thu – Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho biết như vậy khi báo cáo giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021.
Được biết, tổng kinh phí do ngân sách tỉnh cấp cho các địa phương trong giai đoạn 2018 - 2021 theo Nghị quyết 13 là hơn 463 tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả các chế độ, chính sách theo đúng quy định và kịp thời.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, qua khảo sát, giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế.
Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu cho rằng, chất lượng hộ gia đình được công nhận thoát nghèo nhiều địa phương chưa đảm bảo tính bền vững. Qua khảo sát tại các địa phương, tỷ lệ này rất thấp, có địa phương không xác định được số lượng hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.
Bên cạnh việc quy định tiêu chí thu nhập hộ nghèo đa chiều theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP cao hơn gấp hai lần so với giai đoạn 2016 - 2021, cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khi rà soát, điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, số hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo theo Nghị quyết 13 rơi lại vào hộ nghèo.
Theo Sở LĐ-TB&XH, đã có 4.489 hộ/13.085 hộ thoát nghèo và 932 hộ/13.925 hộ thoát cận nghèo bền vững rơi lại vào hộ nghèo. Nhiều địa phương, tỷ lệ rơi lại hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao như Đông Giang chiếm 51,96%; Bắc Trà My chiếm 51,24%; Phước Sơn chiếm 48,54%...
Qua khảo sát thực tế ở các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo hiện nay tăng cao ở các huyện miền núi, là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn. Có hộ do thiên tai, dịch bệnh kéo dài, tai nạn rủi ro; thiếu điều kiện tổ chức sản xuất, thiếu cơ hội việc làm tại chỗ, giảm sâu về thu nhập. Vẫn còn tình trạng trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước trong một bộ phận hộ nghèo, ý thức trách nhiệm vượt khó vươn lên thoát nghèo chưa cao, sản xuất còn nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tại vùng đồng bằng phần lớn hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội, hết tuổi lao động, ốm đau thường xuyên, gia đình thiếu lao động, không đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động.
Theo bà Trần Thị Bích Thu – Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh, việc quy định đầu năm đăng ký, cuối năm thoát nghèo là chưa phù hợp trong thực tiễn, dẫn đến việc rà soát, đánh giá đúng hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững chưa đảm bảo, do vậy đã làm giảm hiệu quả và mục tiêu bền vững của chính sách.
“Việc giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm theo nghị quyết và chỉ tiêu giảm nghèo chung từ tỉnh đến thôn một số nơi chưa phù hợp đã tạo áp lực không nhỏ trong việc đăng ký, tổ chức thực hiện, bình xét hộ nghèo, thoát nghèo tại các địa phương.
Dẫn đến có trường hợp bắt buộc phải ra khỏi danh sách hộ nghèo cho dù không đủ điều kiện để thoát nghèo, không đăng ký thoát nghèo, không hưởng chính sách của nghị quyết, để đạt chỉ tiêu giao theo năm kế hoạch, năm tiếp theo và nhất là khi Trung ương quy định tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới, những hộ này lại tái nghèo và tiếp tục hưởng chính sách hộ nghèo” – bà Thu cho biết.
Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức đánh giá, tổng kết tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 13 trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, nghiên cứu lồng ghép các chương trình, chính sách của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo hướng tích hợp, lựa chọn phương thức tiếp cận, nội dung chính sách, đối tượng thụ hưởng phù hợp với thực tiễn để chính sách khi ban hành thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và bền vững.