Chủ động điều hành ngân sách

TRỊNH DŨNG 19/07/2022 06:29

Thu nội địa năm 2022 dự báo sẽ dễ dàng vượt con số 19.000 tỷ đồng theo kế hoạch. Nhưng để có được nguồn lực dồi dào, cân đối ngân sách cho năm 2022 là điều không dễ khi không thể định lường được diễn biến bất thường của dịch bệnh và thị trường. Những điều này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, khai mạc hôm nay 18.7.

Nguồn thu lớn của địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào Trường Hải, chưa tìm được nguồn bổ sung thay thế xứng tầm. Ảnh: T.D
Nguồn thu lớn của địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào Trường Hải, chưa tìm được nguồn bổ sung thay thế xứng tầm. Ảnh: T.D

Thu tăng, chi đủ!

Sở Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 (tính đến 20.6) đã đạt 78,8% dự toán (18.681 tỷ đồng), bao gồm: 13.600 tỷ đồng thu nội địa, 30 tỷ đồng thu đóng góp, viện trợ và 5.051 tỷ đồng thu từ xuất, nhập khẩu.

Theo các phân tích, đa số nguồn thu đều đạt, vượt tiến độ dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 62,4%, lệ phí trước bạ (55,9%), thuế thu nhập cá nhân (64,3%), thu phí và lệ phí (51,2%), thu ngân sách khác (80%), công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh (86,7%). Chỉ tính riêng thu từ ô tô đã đạt 98% kế hoạch (9.205/9.360 tỷ đồng), chiếm 87,7% số thực thu khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh.

Một thống kê khác, dự toán thu cân đối ngân sách địa phương năm 2022 được HĐND tỉnh giao 23.022 tỷ đồng thì 6 tháng qua đã thu 22.446 tỷ đồng. Thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng 11.691 tỷ đồng (đạt 71,8%) và 917 tỷ đồng từ ngân sách trung ương bổ sung (61,3%), cùng 9.808 tỷ đồng chuyển nguồn và 30 tỷ đồng thu từ viện trợ và đóng góp.

Không chỉ thu tăng, chi ngân sách cũng khả quan. Ước chi 6 tháng đầu năm 10.816 tỷ đồng, đạt 49% dự toán giao và tăng 27% so cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển đạt đến 83% dự toán và chi thường xuyên đạt 52% (tăng 25%).

Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay, thu ngân sách đạt, vượt tiến độ dự toán, bám sát dự toán và tiến độ chi trong việc chi ngân sách địa phương, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách an sinh xã hội, hậu quả thiên tai, dịch bệnh...

Bảo đảm kinh phí triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh, kịp thời xác định phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn thưởng vượt thu 2021 cho ngân sách.

Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát, thẩm tra của Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nói, vẫn còn đến 8/17 khoản thu nội địa chưa đạt. Số thu phụ thuộc quá lớn vào Trường Hải và thu chuyển nguồn năm trước sang quá lớn.

Một số địa phương có số thu đạt dưới 50% như Điện Bàn, Duy Xuyên. Chi ngân sách cơ bản bám sát dự toán giao, đáp ứng các khoản chi thường xuyên quan trọng, nhưng vẫn còn đến 5/13 khoản chi chưa đạt tiến độ.

Không loại trừ cả việc một số cơ quan, địa phương đề xuất ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí thiếu chính xác, dẫn đến chính sách ban hành thiếu thực tế, gây khó khăn cân đối ngân sách.

Linh hoạt điều hành, cân đối ngân sách

Theo các phân tích, Quảng Nam sẽ dễ dàng vượt qua con số thu nội địa 19.000 tỷ đồng. Nhưng ngân sách địa phương vẫn phải đứng trước sức ép cân đối. Thị trường bất ổn (giá nhiên liệu, một số mặt hàng thiết yếu tăng cao), chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước hết hiệu lực ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh... Những yếu tố này sẽ làm giảm thu, dự báo ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm sẽ gặp khó khăn.

Phía ngược lại, chi sẽ không thuyên giảm mà còn có thể gia tăng khi dịch bệnh, thiên tai rất khó dự lường. Trước những thách thức nêu trên, UBND tỉnh đặt ra yêu cầu, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện về thủ tục, đất đai, sớm đưa các dự án hoạt động, khuyến khích khởi nghiệp, thu hút đầu tư.

Phân tích đầy đủ, kịp thời tác động của bệnh dịch và chính sách gia hạn, thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí của Chính phủ đến sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Khai thác các nguồn thu, chống thất thu lĩnh vực đất đai, khai thác khoáng sản, kinh doanh bất động sản, xăng dầu, vận tải, quản lý tốt nguồn thu xây dựng cơ bản vãng lai...

Quản lý tốt các nguồn thu phát sinh, nợ đọng thuế, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng sắc thuế, khu vực, nhất là các doanh nghiệp có số thu lớn để đề ra các giải pháp cụ thể kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước.

Cục trưởng Cục Thuế - Nguyễn Văn Tiếp cho hay, cơ quan thuế cam kết thu đúng, đủ, kịp thời các nguồn thu phát sinh. Sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến, quản lý tốt các nguồn thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, sắc thuế, nhất là các doanh nghiệp có số thu lớn. Sẽ rà soát doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn (vốn đăng ký lớn, sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều lao đông, ...) nhưng có số thuế nộp ngân sách thấp, chưa tương xứng với quy mô hoạt động để thực hiện thanh tra, kiểm tra góp phần chống thất thu thuế...

Theo Giám đốc Sở Tài chính - Đặng Phong, chi ngân sách sẽ phải bám sát dự toán, tiến độ thu, định kỳ hàng quý đánh giá khả năng thu để chủ động điều hành chi ngân sách.

Nếu thu cân đối ngân sách dự kiến giảm do dự toán, các cấp cần chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giảm chi tương ứng (cắt giảm, giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp xem xét, quyết định để đảm bảo cân đối ngân sách.

“Quản lý chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả đúng định mức, chế độ quy định. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo chương trình, kế hoạch đã đề ra để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, hạn chế số dư dự toán bị hủy bỏ. Các địa phương, cơ quan không đề xuất ban hành các chính sách thiếu, không đúng, không sát với thực tế và thiếu nguồn lực thực hiện, gây khó cho cân đối ngân sách” - ông Phong nói.

TRỊNH DŨNG