Tinh hoa làng nghề và thành phố sáng tạo

QUỐC TUẤN 19/07/2022 06:25

Bên cạnh những giá trị nổi bật toàn cầu, Hội An còn sở hữu mạng lưới di sản vật thể, phi vật thể phong phú đa dạng. Và đô thị di sản cần thêm những chất xúc tác để phát huy, lồng ghép các giá trị này trên đường hướng đến thành phố sáng tạo toàn cầu.

Trẻ em trải nghiệm làm gốm tại chương trình “Nét hoa nghề Hội An”. Ảnh: Q.T
Trẻ em trải nghiệm làm gốm tại chương trình “Nét hoa nghề Hội An”. Ảnh: Q.T

Trong lịch sử hình thành và phát triển Hội An thì các nghề, làng nghề thủ công luôn giữ vai trò quan trọng. Sự có mặt đa dạng của các nghề, làng nghề truyền thống ở Hội An trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề thủ công, buôn bán dịch vụ… trong nhiều thế kỷ trước đây góp phần tạo nên sự phát triển phồn thịnh cho đô thị Hội An. Quá trình đó cũng là biểu hiện sinh động cho quá trình đô thị hóa, hình thành các đô thị theo kiểu phương Đông.

Từ ngày 15 - 17.7, UBND TP.Hội An tổ chức chương trình “Nét hoa nghề Hội An” nhằm tôn vinh các nghệ nhân và làng nghề, nghề truyền thống. Đây là sự kiện nằm trong chương trình Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Trong khuôn khổ chương trình diễn ra nhiều hoạt động như: Đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề trồng rau Trà Quế, chợ phiên làng nghề, biểu diễn nghệ thuật bài chòi, ngày hội “thiếu nhi với nghề gốm truyền thống”, trưng bày sản phẩm từ vải vụn và củi lũ, đạp xe “vì di sản văn hóa Hội An”…

Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, thành phố đã cân nhắc rất nhiều trong quá trình lựa chọn lĩnh vực tiếp cận để hướng đến gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO và cuối cùng đã chọn mảng nghề truyền thống và văn nghệ dân gian bởi suy cho cùng đây vẫn là lợi thế cốt lõi của Hội An.

Các làng nghề, nghề truyền thống ở Hội An là những thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của các vùng đất và cộng đồng dân cư, với không gian văn hóa, cảnh quan địa lý - sinh thái của từng làng xã, địa phương cụ thể.

Ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho rằng: “Thực chất trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, Hội An đã vận dụng sáng tạo rất nhiều để có sự phát triển như hôm nay. Sự sáng tạo đó nằm trong từng con người Hội An qua các thời kỳ”.

Với những giá trị riêng biệt, không bất ngờ khi Hội An nằm trong số ít các thành phố của nước ta được trao cơ hội để tiếp cận mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Hiện nay đã có 246 thành phố tham gia mạng lưới này và cùng hướng đến một mục tiêu chung: đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Nghề trồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) vừa đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Q.T
Nghề trồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) vừa đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Q.T

Tại Việt Nam, mới chỉ có Hà Nội tham gia vào mạng lưới này từ năm 2019. PGS-TS. Đỗ Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay, gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ mở ra cho Hội An những cơ hội hợp tác và chia sẻ các phương pháp, cách tiếp cận, mô hình thực hành thành công đang được các thành phố thực hiện với tư cách thành viên của mạng lưới.

Về mặt thương hiệu, việc trở thành thành phố sáng tạo trong mạng lưới có thể thu hút thêm đầu tư, giao dịch với các thành phố. Nhãn hiệu này cũng có thể đóng góp thêm cho sự phồn vinh của đô thị di sản.

Chặng đường để Hội An có thể gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu còn rất dài. Nhưng trước hết, việc nhận diện các giá trị của di sản nghề, làng nghề truyền thống Hội An, từ đó đánh giá đúng thực trạng, đề ra các giải pháp căn cơ nhằm bảo tồn được các giá trị tinh hoa của nghề truyền thống, vừa bổ sung những yếu tố mới để các giá trị nghề, làng nghề ở đô thị di sản tiếp tục được giữ gìn, phát triển là điều rất đáng mừng.

QUỐC TUẤN