Khi đàn chim trở về
Tôi bắt gặp đàn cò chao cánh, rồi kéo nhau đậu rợp những nhánh cây nơi Cồn Thị (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ). Doi đất giữa sông, chỉ cách vài trăm mét từ phía chợ Tam Kỳ, trở thành nơi neo trú cho lũ cò trong cuộc thiên di suốt nhiều tháng ròng.
Đó là quãng cuối năm 2017. Đàn cò trở lại vài lần sau đó và rồi người ta không còn thấy chúng bay rợp trời trên Cồn Thị nữa. Năm năm, Cồn Thị giờ hoang vắng đi nhiều, nghe nói người chủ cũ khu resort đã dời đi, đàn cò hình như biết đó cũng không còn là mảnh đất lành cho chúng để trở về nữa.
Thành phố chộn rộn hơn. Phía bên kia Cồn Thị, nơi từng là một cánh đồng, đã trở thành khu dân cư bề thế, tốc độ lấp đầy nhanh đến độ nhiều người xa quê chỉ đôi ba năm đã không còn kịp nhận ra cảnh cũ, người xưa trong ký ức.
Tính chuyện đường dài
Tốc độ đô thị hóa không chỉ xâm lấn nội bộ những vùng dự án. Mà phía ngoại vi, như Cồn Thị, rõ ràng những biến đổi có thể nhìn thấy được, ít nhất là từ chuyện đàn cò. Những khoảng xanh bị bao vây, những “mặt phủ không thấm nước”, là đường đô thị, là các công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật.
Người bản địa đã thôi bông đùa về một “thành phố trực thuộc nông thôn” là Tam Kỳ, khi cơn sốt bất động sản và hàng loạt dự án chỉnh trang đã định hình dáng vóc mới cho thành phố.
Nhưng việc thiếu thốn những khoảng xanh là điều có thể ngay lập tức nhìn thấy. Người ta chưa nhìn thấy được hình hài các khu công viên, cây xanh ở nhiều dự án nhà ở gần đây. Những “khoảnh xanh” thu hẹp dần. Thành phố quá nóng về mùa hè. Và mùa mưa thì thường xuyên ngập.
Giáo sư Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chia sẻ, mật độ dân số cao, các khu ở ngày càng mở rộng trong khi không hoàn toàn tuân thủ quy hoạch, thiếu cơ sở hạ tầng đô thị và việc thực thi không đầy đủ quy định phát triển đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều đô thị ở Việt Nam.
Những mối lo không còn là “niềm riêng” của bất cứ đô thị nào, nhưng đối với những đô thị còn non trẻ và tốc độ phát triển chưa thực sự “nóng” như Tam Kỳ, đây là điều cần phải cân nhắc ngay ở thời điểm hiện tại.
Seoul - thủ đô của Hàn Quốc được đưa ra như là một hình mẫu về cải tạo hạ tầng xanh, một gợi ý về giải pháp. Trong vòng 30 năm, Seoul liên tục thực hiện các dự án cải tạo cấu trúc đô thị, phát triển không gian công cộng và cung cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tăng cường cây xanh. Nhiều công viên lớn được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Hàn nhằm sửa chữa những sai lầm trong quy hoạch trước đó.
Tính đến nay, 40km dọc đôi bờ sông Hàn có 12 công viên lớn bao gồm hồ nước, đảo chim, rừng cây cổ thụ, sở thú... Tận dụng mọi không gian để trồng cây, chính quyền Seoul cũng đã biến cây cầu vượt cũ được xây dựng vào năm 1970 thành một công viên trên cao - công viên Seoullo 7017 với hơn 24 nghìn cây xanh.
Trong tương lai, khu vực này dự kiến sẽ được xây dựng thành một nơi ươm mầm xanh cho Seoul. Chính quyền và người dân thành phố này đã trồng được 15 triệu cây xanh, kể từ năm 2014 và khoảng 15 triệu cây xanh nữa sẽ được trồng cùng với việc mở thêm 2 khu rừng lớn ở phía Bắc và Nam thủ đô nhằm giảm khói bụi.
Giải pháp bền vững
Giáo sư Đỗ Hậu cho rằng, hệ thống hạ tầng xanh được xem là giải pháp gần như tối ưu cho những thành phố trẻ. Đó là mạng lưới quy hoạch kết nối của các không gian xanh đa chức năng, góp phần bảo vệ môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học, có khả năng đối phó với sự biến đổi của khí hậu và các sinh quyển khác, có khả năng tạo nên lối sống khỏe mạnh và bền vững.
Không chỉ tăng cường phúc lợi cho cuộc sống đô thị, cải thiện sự tiếp cận của nghỉ ngơi giải trí với tài sản xanh, hệ thống này còn hỗ trợ tốt hơn cho việc quy hoạch và quản lý dài hạn hệ thống không gian và hành lang xanh.
Kinh nghiệm này, nên được ứng dụng càng sớm càng tốt, để tạo ra một nền tảng thích ứng hữu hiệu với biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất trong khu vực đô thị.
Khó có thể đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng cho thành phố, khi công tác quy hoạch vẫn còn khá nhiều bất cập. Nhưng rõ ràng, việc nhìn thấy những nguy cơ, nhận diện tác động tiêu cực có thể xảy đến của quá trình phát triển đô thị và tìm kiếm giải pháp căn cơ là yếu tố sống còn để đáp ứng mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững.
Bảo tồn những “mảng xanh” hiện tại, tính toán khôi phục và mở rộng không gian xanh phục vụ cho cộng đồng, cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu rủi ro thiên tai tác động đến thành phố và cư dân trong phố.
Cồn Thị năm năm trước, khi ông chủ khu resort còn ở lại và tìm cách bảo vệ đàn cò, nơi đó đã trở thành mái nhà lớn của hàng nghìn cánh chim di trú mỗi mùa đông, dù nằm ngay sát ồn ã của thị thành. Vẫn còn cơ hội khi kịp thay đổi và tiếp nhận, điều chỉnh “ứng xử” với đô thị, tương tự như cách tạo ra những “mái nhà lớn”, cho đàn chim trở về…