Phú Ninh đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp
(QNO) – Nhận thấy phong trào khởi nghiệp – sáng tạo đang phát triển, hệ thống chính trị huyện Phú Ninh đang nỗ lực tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức được hiện thực các ý tưởng khởi nghiệp.
Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Năm 2017, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Đại Phát được thành lập với mục đích tạo nên những chuỗi liên kết sản xuất về nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Ninh. Nhận định lợi thế về thổ nhưỡng, kinh nghiệm chăn nuôi của nông dân địa phương, HTX quyết định chọn hướng đi là chăn nuôi gà, heo lấy thịt.
“Người dân địa phương nuôi gà vườn rất giỏi nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo các quy định về chăn nuôi, bị thương lái ép giá… nên tôi đưa ý tưởng về nuôi gà theo hướng quy mô và áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến hơn để đảm bảo môi trường, đảm bảo đầu ra ổn định, bao tiêu sản phẩm cho nông dân” – ông Nguyễn Xuân Tin, Giám đốc HTX Nông nghiệp – kinh doanh tổng hợp Đại Phát nói.
Từ ý tưởng này, ông Tin đã liên kết với nông dân ở Tam Lộc, Tam Thái… tạo nên chuỗi chăn nuôi gà và tiêu thụ gà thịt với quy mô 26 hộ tham gia, xuất bán 52 ngàn con mỗi lứa. Theo ông Tin, nếu không tính giai đoạn khó khăn do Covid-19, mỗi hộ hội viên của HTX nuôi 3 lứa gà/năm cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.
“Do giá bột chăn nuôi tăng, sức mua vẫn không tăng trong giai đoạn phục phục hồi sau dịch nên HTX kiểm soát lại chuỗi chăn nuôi gà khoảng 10 ngàn con mỗi lứa và tạo nên chuỗi sản xuất mới là nuôi bò 3B vỗ béo. Hiện chuỗi sản xuất này đang thu hút 18 hộ tham gia, có được lợi nhuận cao hơn cả nuôi gà” – ông Nguyễn Xuân Tin chia sẻ.
Đồng thời, HTX cũng đang đẩy mạnh vận động người dân ở các xã dọc theo tuyến kênh chính Phú Ninh có đất trồng lúa không hiệu quả để tạo chuỗi trồng sen nguyên liệu, phát triển sản xuất các sản phẩm từ cây sen như mức, trà…
“Hiện nay, phong trào và ý tưởng khởi nghiệp – sáng tạo rất nhiều nhưng vẫn chưa được tập họp nên Huyện ủy, UBND huyện Phú Ninh khi thống nhất cho thành lập Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện là tạo tiền đề cho những ý tưởng gặp gỡ, cùng chia sẻ và kết nối để các dự án khởi nghiệp của chúng tôi nhanh thành công hơn” – ông Tin chia sẻ.
[VIDEO] - Nhiều dự án khởi nghiệp ở Phú Ninh đang rất hiệu quả:
Đối với kỹ sư chăn nuôi Lê Ngọc Phước (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) làm việc tại một công ty chăn nuôi thức ăn gia súc được tiếp xúc nhiều mô hình khởi nghiệp hay, thành công nên chàng thanh niên này nung nấu ý tưởng khởi nghiệp chăn nuôi tại quê nhà.
Trong một chuyến đi miền Tây, thấy người dân nuôi gà ác rất là nhiều mà thấy ở quê mình chưa có ai làm thì Phước nghĩ ngay đến việc nuôi gà ác lấy trứng cung cấp cho thị trường Quảng Nam. Những năm đầu chập chững mở trang trại Phước gặp khó khăn vì chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm trứng nên anh hòa được vốn. Qua hai năm, mỗi ngày, trại gà sản xuất 1.400 trứng giúp Phước có thu nhập khoảng 700 ngàn đồng.
“Sau thời gian được chính quyền địa phương và một số công ty đối tác tạo điều kiện để cho cơ sở ngày càng phát triển như tham gia các hội chợ, các triển lãm để quảng bá trứng gà ác ra thị trường thì trang tại dần đi vào ổn định. Mong muốn của những người trẻ khởi nghiệp là được các cấp chính quyền quan tâm để ý tưởng làm chuỗi liên kết các hộ chăn nuôi ở khu vực mình tạo ra một sản phẩm có tính bền vững phát triển lâu dài hơn. Và thêm nữa là tạo nguồn vốn vay cho những dự án khởi nghiệp còn non trẻ để tạo điều kiện cho ý tưởng triển khai nhanh hơn” – Lê Ngọc Phước nói.
[VIDEO] - Mô hình nuôi gà ác lấy trứng của thanh niên Lê Ngọc Phước:
Theo UBND huyện Phú Ninh, từ năm 2017 - 2021, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế - hạ tầng phối hợp Huyện đoàn có kế hoạch tổ chức hoạt động khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp với các hoạt động cụ thể như: tọa đàm khởi sự doanh nghiệp, chuyến xe khởi nghiệp.
Thông qua các đợt sinh hoạt, các ngành của tỉnh, cơ quan chức năng của huyện đã giới thiệu, tư vấn, hướng dẫn gặp gỡ, kết nối hoạt động khởi nghiệp. Năm 2019, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn huyện, giai đoạn 2018 – 2025 và kế hoạch thực hiện phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện năm 2019; thành lập tổ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp của huyện...
Cùng với đó, Huyện đoàn đã thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên với 15 thành viên, Hội liên hiệp Phụ nữ cũng đã hỗ trợ cho một số hội viên phụ nữ khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh qua các năm, tham gia các đợt trưng bày sản phẩm nông nghiệp, OCOP, Techfest do UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Ngọc Vân thông tin: "Thông qua hoạt động khởi nghiệp đã vận động được các chủ thể sản xuất sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tham gia công nhận sản phẩm OCOP. Qua 4 năm thực hiện, đến nay đã công nhận 17 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, vận động một số HTX, hộ kinh doanh cá thể đứng ra làm chủ thể thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như chuỗi gà thịt, chuỗi heo thịt, chuỗi bưởi da xanh, chuỗi heo bản địa, chuỗi dúi giống và thương phẩm, chuỗi lúa giống".
Tiếp sức
Theo Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh Lê Văn Ninh, nhận thấy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phổ biến, tuyên truyền về kiến thức khởi nghiệp. Điều chỉnh sát thực tế việc triển khai các đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Gần đây nhất, việc thống nhất thành lập Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện Phú Ninh vào tháng 8.2022 là minh chứng cho sự tích cực của hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ lan tỏa khởi nghiệp.
“Chúng tôi cũng yêu cầu chính quyền cần xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, kinh phí hoạt động hằng năm để phát triển mạnh Hội khởi nghiệp sáng tạo huyện. Đồng thời, sẽ nghiên cứu các chính sách để vận dụng linh hoạt hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp. Lồng ghép với các chương trình khác như OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu để xây dựng các sản phẩm giá trị của địa phương, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp...” – ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh.
Chính quyền đã nhanh chóng vào cuộc sau chỉ đạo của Huyện ủy, hình thành Tổ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp của huyện, kêu gọi xã hội hóa để hình thành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của huyện. Đồng thời, đang xây dựng kế hoạch hình thành không gian sinh hoạt khởi nghiệp Phú Ninh, chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, tổ chức cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đổi mới...
Phú Ninh cũng sẽ phối hợp với Ban điều hành Khởi nghiệp tỉnh trong xây dựng, đào tạo, hình thành đội ngũ chuyên gia, giảng viên nguồn khởi nghiệp; phát triển khởi nghiệp từ kết quả dự án nghiên cứu ứng dụng khoa học trong sản xuất. Tổ chức và tham gia các sự kiện về khởi nghiệp sáng tạo hằng năm.
"Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp và phát triển các sản phẩm khởi nghiệp... Với mục tiêu sẽ tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn huyện trong tương lai gần" - bà Nguyễn Thị Ngọc Vân nói.