Mầm xanh phía chân đồi...

ALĂNG NGƯỚC 16/07/2022 08:56

Gần 4 giờ chiều. Cơn mưa dông vừa ngớt, sương núi giăng ra từ ngọn núi phía Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang) làm không khí trở nên dịu mát. Từ dưới bếp, Hiên Chưu vội vàng trở ra, trải chiếu mời khách. Câu chuyện giữa chúng tôi không gì khác, ngoài làng và… mấy thứ vụn vặt “đời tư” của những người trẻ với vùng đất dưới chân đồi Thạnh Mỹ.

Hiên Chưu bên những cây mít được trồng trong vườn nhà. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hiên Chưu bên những cây mít được trồng trong vườn nhà. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hiên Chưu năm nay đã 37 tuổi, người dân tộc Ve ở xã biên giới Đắc Pre. Nhiều năm trước, sau thời gian quen biết, Chưu kết duyên với chị Hôih Thị Aví (38 tuổi, người Cơ Tu) ở Đông Giang. Lấy nhau, đúng thời điểm làng thanh niên lập nghiệp đang tuyển người về ở, nên vợ chồng Chưu đăng ký.

Người thân trợ giúp, cộng thêm vốn liếng dành dụm, hai vợ chồng trẻ cất nên ngôi nhà trên lô đất được phân chia. Đó là năm 2018. Hiên Chưu nói, thời điểm đó, ở làng chưa có gì ngoài cây cỏ và… đất đồi hoang hóa. Đèn dầu, thứ duy nhất có thể chiếu sáng nơi những người trẻ ngày đêm dấn thân và nuôi hy vọng về tương lai.

“Nhưng bây giờ, mọi thứ đã khác rồi. Người mới chuyển về ngày càng đông, cuộc sống trở nên nhộn nhịp hơn nên không còn lo nữa” - Hiên Chưu cười hiền, với tay rót ly nước mời khách.

1. Hiên Chưu vừa dứt lời, tiếng kêu eng éc phát ra từ phía sau nhà. Thì ra, vợ anh đang cho đàn heo ăn bữa chiều. “Nuôi heo nhiều không?”.

“Chỉ hơn chục con. Tháng trước vợ chồng mình vừa bán xong mấy con, dành tiền để chuẩn bị cho việc tái đàn. Ở đây, không nuôi heo, nuôi gà thì biết làm gì cho ra kinh tế. Vài hộ có đất thì trồng thêm keo. Ngó rứa cũng đỡ lắm. Hơn hồi trước nhiều”.

Hiên Chưu dẫn chúng tôi xuống chuồng heo, như minh chứng cho lời nói của mình. Đúng lúc, vợ anh lùa đàn heo ra khỏi chuồng.

Cách Hôih Thị Aví cho đàn heo ăn, kỹ năng rất khác với những lần tận thấy người Cơ Tu ở vùng khác làm công việc tương tự. Khác ngay ở chuồng trại. Ở vùng tái định cư, phía sau là đồi núi, chuồng heo được làm khép kín nhằm tránh gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Gần đó là bể nước và nhà vệ sinh. Phía chuồng heo, vợ chồng Aví trổ một lỗ thông với bên ngoài, tất cả nằm trong phần đất đã được rào kín.

“Mình chủ yếu nuôi heo đen. Mà nuôi loài heo này thì không thể nhốt chuồng như dòng heo khác. Phải có lỗ thông với bên ngoài để heo chạy ra, chạy vô cho thịt săn chắc, giúp giá bán của heo được cao hơn” - Aví giải thích.

Hồi mới về làng, vợ chồng Hiên Chưu có trong tay vỏn vẹn 1 cặp heo nái đang chửa. Sau vài tháng chăm sóc, heo mẹ đẻ hơn chục heo con, thành đàn như bây giờ. Kể từ khi mang heo về nuôi, đây đã là lứa thứ 3 được duy trì chăm sóc.

Có thời điểm, vợ chồng Chưu còn nuôi thêm gà, vịt và trồng cây ăn quả, cây keo trên cánh rẫy. Ngay tại mảnh vườn xung quanh nhà, lúc nào cũng có vạt rau ăn qua ngày, đỡ mất tiền ra chợ. “Keo được trồng ít thôi, khoảng hơn 8 nghìn cây. Ở làng, cũng nhiều hộ khác trồng keo như mình” - Chưu chia sẻ.

2. Người ta ví, chủ trương đưa những người trẻ đến lập nghiệp tại làng thanh niên như hành trình gieo mầm trên đá. Mà thật, khi nhìn lại những ngày đầu đầy gian khổ, ở làng thanh niên này, chỉ một màu hoang vắng núi đồi. Nhưng, bằng chính sức trẻ và tinh thần của người trẻ, mọi thứ đang dần đổi khác.

Chị Hôih Thị Aví - vợ Hiên Chưu đang cho đàn heo đen ăn.
Chị Hôih Thị Aví - vợ Hiên Chưu đang cho đàn heo đen ăn.

Người bạn đi với tôi cũng phải thốt lên: “Quả nhiên, đất không phụ lòng người”, khi lần thứ 2 anh đặt chân đến nơi này. Bạn tôi nói, lần đầu tiên đến đây, là thời điểm làng thanh niên lập nghiệp này chỉ vừa có vài hộ đến ở. “Lúc đó, mọi thứ chẳng có gì” - bạn tôi kể, rồi anh bất ngờ găp lại những người bạn, hàn huyên trong câu chuyện mới - cũ.

Khác, là điều dễ thấy. Ngay sát nhà của Hiên Chưu, là sân bóng đá mini được xây dựng cách đây ít năm, tạo không gian vui chơi, sinh hoạt cho cộng đồng. Chưu nói, thanh niên ở đây tu chí làm ăn nên cuộc sống cũng dần chuyển biến rõ nét.

Như Hồ Xuân Bình, nguyên là chiến sĩ của Đoàn kinh tế - quốc phòng 207, quê ở Đại Lộc. Vài năm trước, Bình xuất ngũ, đăng ký lập nghiệp tại làng. Áp dụng kiến thức và kỹ năng làm kinh tế ở quân ngũ, Bình chăm chỉ làm ăn theo mô hình mới. Bắt đầu là trồng cây ăn quả.

Sau vài năm, xung quanh nhà Bình toàn vườn cây phát triển tốt. Trong khi chờ thu hoạch, Bình xoay hướng chăn nuôi gà. Vừa nuôi lấy thịt, vừa úm con, chẳng bao lâu, mô hình trồng trọt - chăn nuôi của Bình trở thành nguồn cung ứng chủ yếu cho người dân trong vùng.

Chăm chỉ làm ăn, nhiều thanh niên lập nghiệp trở thành đội viên Tổng đội Thanh niên xung phong trực thuộc Tỉnh Đoàn, được phân công nhiệm vụ tham gia chăn nuôi cho làng. Như Hiên Chưu và nhiều người khác nữa, mỗi tháng được trợ cấp khoảng 3,5 triệu đồng, góp thêm vào cuộc sống mới ở ngôi làng.

3. Tôi từng nhiều lần đặt chân đến Làng thanh niên lập nghiệp Asờ (xã Mà Cooih, Đông Giang) và chứng kiến ở đó những câu chuyện buồn về một làng thanh niên “đầu voi đuôi chuột”.

Ở Asờ, người ở lại cũng chỉ còn dăm ba hộ. Họ chuyển đi hết vì không đủ sức để bám trụ. Nhưng, ở Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ lại khác. Sau mỗi lần tôi ghé thăm đều thấy nhà cửa dựng lên thêm.

Arất Bước - “chủ nhân” của vùng đất trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Arất Bước - “chủ nhân” của vùng đất trở thành tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại làng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bùi Thế Anh nói, số hộ đăng ký về làng đã chốt ở con số 60. Nghĩa là đủ theo kế hoạch, nên rất mừng. Về làng, mỗi hộ thanh niên được cấp 600m2 đất (trong đó, 300m2 đất ở, còn lại đất vườn) và khoảng 3.000m2 đất rẫy.

Khi mọi thứ đang dần được đầu tư và hoàn thiện, người ta có quyền nghĩ đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài điện lưới quốc gia, nơi này được đầu tư cả về thiết chế văn hóa, công trình nước sinh hoạt, đường bê tông… góp thêm vào diện mạo mới, của làng.

“Điều đáng mừng, là thanh niên trong làng không chỉ cần cù, siêng năng làm ăn phát triển kinh tế, mà còn hết sức giúp đỡ, hỗ trợ và học tập lẫn nhau trong cuộc sống. Bởi hầu hết hộ thanh niên đều trẻ, mới tách gia đình ra ở riêng nên ý thức trong vấn đề lập thân, lập nghiệp rất cao” - anh Bùi Thế Anh nói.

Anh Bùi Thành Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh nói với tôi, chứng kiến câu chuyện của làng, anh tin với sức trẻ và tinh thần chịu khó, các hộ thanh niên sẽ tạo sự đột phá mới đưa Làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ trở thành khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở khu vực miền núi.

Với vai trò của mình, Tổng đội thanh niên xung phong cũng đang tính đến chuyện mở rộng thử nghiệm trồng các loại dược liệu dưới tán rừng, từ sâm ba kích, đảng sâm cho đến đinh lăng, sa nhân tím… và thậm chí là hướng đến việc trồng rừng gỗ lớn, xem đó như “của để dành”, giúp các hộ thanh niên ở làng tích lũy được giá trị kinh tế ngay chính trên quê hương miền núi. “Với tinh thần của người trẻ, hy vọng mầm xanh sẽ nở hoa trên ngôi làng thanh niên đáng sống” - anh Vinh nói.

*
*            *

Trên đường trở ra, chúng tôi tình cờ gặp Arất Bước, chàng trai Cơ Tu 35 tuổi, nhưng khá rành mạch trong câu chuyện kể về làng. Arất Bước quê ở thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ), chỉ cách làng chưa đầy 2 cây số.

Bước kể, năm 2018, lúc tách hộ làm ăn riêng, anh vận động gia đình hiến hơn 1ha đất để góp phần xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, rồi đăng ký về ở. Những “chủ nhân” vùng đất như Arất Bước, ở làng cũng có vài người. Tất cả, đều có chung điểm tựa, trở thành tấm gương tiêu biểu với nhiều hiến góp trong câu chuyện định cư bền vững và phát triển kinh tế mới, ở làng.

ALĂNG NGƯỚC