Trọn nghĩa, vẹn tình

DIỄM LỆ 15/07/2022 10:02

Quảng Nam hiện có gần 47,8 nghìn người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những nỗ lực lớn lao của các cấp, các ngành, địa phương trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công cách mạng trong nhiều năm qua là minh chứng sinh động cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Nhiều địa phương đã long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho thân nhân của mẹ trong thời quan qua. Ảnh: D.L
Nhiều địa phương đã long trọng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho thân nhân của mẹ trong thời quan qua. Ảnh: D.L

Vinh danh mẹ Việt Nam anh hùng

Năm 2013, khi Pháp lệnh Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng có hiệu lực thi hành, từ tỉnh đến huyện, xã đã tích cực vào cuộc xác nhận, lập hồ sơ, đề nghị công nhận các chế độ đối với NCC.

Trong đó, việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (VNAH) được xem là nhiệm vụ cấp bách, bởi lúc đó những người đủ điều kiện phong tặng danh hiệu này tuổi đều đã cao.

Công việc cấp bách, những người có trách nhiệm làm việc bất kể ngày đêm, hàng nghìn hồ sơ được đưa về một lúc để xem xét. Sự nỗ lực đã đem lại những kết quả làm ấm lòng NCC và thân nhân.

Từ năm 2013 - 2021, toàn tỉnh đã xác nhận mới hơn 20.600 trường hợp có công cách mạng, trong đó có 63 liệt sĩ, 210 thương binh, 1.697 bệnh binh, 1.839 NCC giúp đỡ cách mạng; 1.496 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 7.107 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Cùng với công tác xác nhận, việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với NCC và thân nhân được thực hiện kịp thời, nhất là các chính sách mới được ban hành. Toàn tỉnh đã thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên và một lần cho hơn 324.700 người.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 47.800 người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hàng chục nghìn người hưởng trợ cấp một lần. Kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi NCC khoảng 1.300 tỷ đồng/năm.

Từ năm 2013 - 2021, toàn tỉnh đã xét hồ sơ, đề nghị và đã có 7.838 Bà mẹ VNAH được phong tặng và truy tặng; nâng tổng số mẹ được phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH” là 15.332 mẹ (trong đó có 2.581 mẹ được phong tặng, hiện còn sống 454 mẹ).

Ông Cao Xuân Trinh (thôn Địch An, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) có một con trai hy sinh ở chiến trường Tây Nam. Khi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng có hiệu lực, vợ ông là bà Đặng Thị Tư dù đã không còn, nhưng được xem xét truy tặng danh hiệu “Bà mẹ VNAH”. Hồ sơ được thực hiện nhanh gọn, và ngày 31.12.2014, bà Đặng Thị Tư được truy tặng Danh hiệu “Bà mẹ VNAH”.

Ông Trinh nói: “Nhận tin người vợ đã mất được truy tặng mẹ VNAH mà tôi ứa nước mắt. Đó là vinh dự cho người đã khuất, cũng là niềm tự hào của người còn sống”.

Trọn nghĩa với người có công

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói, công tác xác nhận NCC theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm ghi nhận công lao, sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ NCC trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, là cơ sở để thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với NCC.

Đặc biệt, việc chăm sóc NCC từng bước được xã hội hóa với nhiều phong trào sâu rộng, có ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, NCC với cách mạng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần NCC.

Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi chu đáo của Đảng và Nhà nước, sự tri ân của toàn xã hội. Ảnh: D.L
Những Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi chu đáo của Đảng và Nhà nước, sự tri ân của toàn xã hội. Ảnh: D.L

“Đến nay, hơn 99% số hộ chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân ở nơi cư trú, đời sống vật chất và tinh thần của NCC ngày càng được cải thiện.

Toàn tỉnh đã vận động thu Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 59,2 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách; hỗ trợ thân nhân chủ yếu của liệt sĩ đi thăm viếng mộ liệt sĩ; thăm hỏi khi ốm đau, hỗ trợ khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, đã vận động 4.679 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá hơn 4,7 tỷ đồng tặng gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn” - bà Lộc cho hay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lộc nhìn nhận, công tác thương binh liệt sĩ, NCC vẫn còn những hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chưa rộng khắp, việc xác lập thủ tục xác nhận NCC ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình, có trường hợp thực hiện chế độ chưa kịp thời, còn để xảy ra trùng hưởng, hưởng chế độ không đúng quy định dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu nại, vướng mắc.

Việc xác lập hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ theo Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, hồ sơ Bà mẹ VNAH còn chậm, nhiều trường hợp thật sự tham gia kháng chiến nhưng không có giấy tờ gốc nên không đủ điều kiện xác lập hồ sơ xác nhận các chế độ. Những khó khăn này, Sở LĐ-TB&XH đã nhìn nhận và sẽ thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

DIỄM LỆ