Hành trình trả lại tên cho anh

HÀ AN 14/07/2022 06:14

“Nếu tính bước chân thì chúng tôi đã đi hết nửa vòng trái đất, chỉ mong sao có nhiều sức khỏe để đồng hành với thân nhân liệt sĩ, càng ngày có nhiều liệt sĩ được trả lại đúng tên và về với quê hương”. Đó là lời tâm huyết của các cựu chiến binh trong hành trình đi tìm đồng đội, trả lại tên cho các liệt sĩ.

Đưa liệt sĩ trở về quê hương. Ảnh: QUẾ HÀ
Đưa liệt sĩ trở về quê hương. Ảnh: QUẾ HÀ

Mệnh lệnh trái tim

“Đồng đội của chúng mình còn nằm lại ở đâu? Khi chưa tìm thấy và kết nối được với thân nhân liệt sĩ thì chúng tôi chưa được phép nghỉ ngơi!”.

Những trao đổi, lời tâm sự với nhau của các cựu chiến binh (CCB) như một mệnh lệnh - mệnh lệnh của trái tim người lính. Bởi theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước có khoảng 1.146.250 liệt sĩ chưa xác định rõ họ tên. Tại Quảng Nam, trong số 65.000 liệt sĩ cũng phần nhiều chưa rõ danh tính.

CCB Nguyễn Tiến Đãi - thành viên Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 31 (Sư đoàn 2, Quân khu 5; từng đóng chân trên địa bàn Quảng Nam) chia sẻ, hơn 10 năm gắn bó với công việc, tiếp xúc với rất nhiều hồ sơ, thực hiện hàng trăm đợt tìm kiếm cùng thân nhân liệt sĩ nên rất thấu hiểu hoàn cảnh của cũng như nỗi khát khao của những giấc mơ đoàn tụ và sự hy sinh cao cả của họ.

Ông đã nhiều lần cùng đồng đội lặn lội đến từng địa phương, cơ quan, đơn vị các cấp… để xin được tiếp cận từng hồ sơ liệt sĩ. Do thời gian cũng như điều kiện lưu trữ trong chiến tranh còn sơ sài, nên còn chút manh mối để tìm kiếm đều vô cùng quý giá và hy vọng.

CCB Nguyễn Tiến Đãi thông tin, “Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - liệt sĩ 27.7, Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 31 tổ chức ngày “Hương hoa đồng đội” ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Như tại Nhà bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 31 tại Hốc Thượng (thôn Trung Nam, xã Quế Trung, Nông Sơn); Tượng đài chiến thắng Mộc Bài (xã Quế Phú, Quế Sơn); Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn...

Có nhiều liệt sĩ hồ sơ có đầy đủ thông tin quê quán, ngày sinh, cả nơi hy sinh… nhưng không tìm thấy phần mộ trong nghĩa trang liệt sĩ, thế nên ở đâu đó mộ phần liệt sĩ lại thành trường hợp không xác định được danh tính. Và có những trường hợp tìm ra phần mộ nhưng lại không khớp hoặc không có hồ sơ.

Có những phần mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính nhưng còn nằm ở ngoài rừng hoặc trong vườn nhà dân… chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ, nên phải cần đến sự chung tay góp sức của rất nhiều lực lượng kết hợp với thân nhân liệt sĩ cùng xác minh để tránh nhầm lẫn, sai sót.

Để trả lại đúng danh tính cho các liệt sĩ là quá trình gian nan, bởi có các yếu tố thường gặp như lỗi kỹ thuật cập nhật, phát âm vùng miền dẫn đến sai họ và tên, sai chữ đồng dạng, địa danh nơi hy sinh giữa cũ và mới…

Lần tìm trong hy vọng

Hơn 10 năm tham gia đi tìm mộ liệt sĩ, CCB Đặng Ngọc Nga ở thị trấn Tân An (Hiệp Đức) đã gặp phải rất nhiều “kiểu” khó khăn, như hồ sơ viết tay hoặc đánh máy chữ, hay bia mộ lúc trước đục tôn, nên mất nét, mất dấu dẫn đến nhầm lẫn.

Như trường hợp liệt sĩ Lê Văn Tá hy sinh năm 1978 ở chiến trường Campuchia, đến khi quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Đak Đoa (Gia Lai) trên phần bia mộ lại khắc tên Lê Văn Tà.

May mắn, trong một lần CCB Đặng Ngọc Nga đến thắp hương phát hiện chính là “người quen” - người đồng đội - đồng hương của mình, là người con của quê hương Hiệp Thuận.

Các cựu chiến binh thăm viếng đồng đội. Ảnh: QUẾ HÀ
Các cựu chiến binh thăm viếng đồng đội. Ảnh: QUẾ HÀ

Còn trường hợp liệt sĩ Phan Tự Sểnh ở Võng La, Đông Anh (Hà Nội) nhập ngũ tháng 2.1968, hy sinh ngày 28.8.1972 ở Sơn Lộc (Quế Sơn), được an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Minh, nhưng trên bia mộ chỉ ghi “liệt sĩ Sảnh”.

Hơn 50 năm gia đình tìm kiếm trong vô vọng, may mắn thay, các CCB đã đối chiếu, rà soát đơn vị, ngày tháng hy sinh, cùng với các đơn vị chức năng đã trả đúng tên và hài cốt liệt sĩ Phan Tự Sểnh được đưa về quê hương.

Mới đây nhất là trường hợp liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cừ, quê Thạch Thất (Hà Nội), mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Đức Phong, Mộ Đức (Quảng Ngãi). Do trong quá trình quy tập không có sơ đồ mộ chí dẫn đến không xác định được danh tính liệt sĩ.

Sau hơn 5 tháng gửi mẫu sinh phẩm, trong số 19 phần mộ chưa xác định được tên, chỉ có 1 kết quả giám định ADN đúng huyết thống, trả lại danh tính cho liệt sĩ Nguyễn Văn Cừ, và ngay trong tháng 7 này hài cốt liệt sĩ đã được trở về với quê hương sau 52 năm xa cách.

Do đặc điểm địa hình của các tỉnh ở Quân khu 5 khá rộng, các xã vùng miền núi đi lại còn khó khăn, các CBB phải dành nhiều thời gian rong ruổi khắp các chiến trường xưa với mục đích đạt được hiệu quả công việc nhanh và tốt nhất, giảm thời gian và chi phí thấp nhất cho thân nhân liệt sĩ...

Xem trong nhật ký đi tìm đồng đội của các anh mới thấy rằng, dấu chân các anh có mặt trên mọi miền đất nước. Khi nào xác định được thông tin về liệt sĩ, các anh lại tức tốc lên đường, dù trời nắng cháy, hay mưa gió, tận vùng núi cao hay biên giới…

Chi phí cho các chuyến đi của các anh được trích từ lương hưu và có cả phần hỗ trợ của vợ con, mà không nhận bất cứ sự cảm ơn nào bằng tài chính của thân nhân các liệt sĩ.

Và, khi nào còn đồng đội chưa tìm thấy mộ phần, chưa xác định đúng danh tính, các anh còn lên đường...

HÀ AN