Ngày ấy bên sông Vĩnh Điện
Năm Mậu Tuất - 1898, nhà nghỉ mát Thanh lương tân của Tổng đốc Đào Tấn bên sông Vĩnh Điện được đổi tên thành Khán hoa đình để tổ chức bữa tiệc trọng thể chiêu đãi 5 vị đại khoa của Quảng Nam trong khoa thi được vinh danh là Ngũ phụng tề phi.
Từ Thanh lương tân đến Khán hoa đình
Phạm Ngô Minh và Trương Duy Hy trong tác phẩm Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (NXB Văn Nghệ, 2007) cho rằng vào năm Mậu Tuất 1898, sau sự kiện Ngũ phụng tề phi, “Tổng đốc và Đốc học Quảng Nam hồi đó là Đào Tấn và Trần Đình Phong đã mở tiệc tại Khán hoa đình cạnh dòng sông Vĩnh Điện để chiêu đãi” (trang 294).
Trong tác phẩm “Lô Giang tiểu sử” (dẫn lại Nguyễn Sinh Duy trong Quảng Nam và những vấn đề sử học, NXB VHTT, năm 2006), Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, người giữ chức Bố chánh Quảng Nam vào thời đó đã cho biết vài nét về lịch sử của Khán hoa đình: “Khi vào làm Tổng đốc Quảng Nam, Đào Tấn có làm một cái nhà hát bên sông Vĩnh Điện, thường đến đó uống rượu ngâm thơ, cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan” và cái nhà hát đó mang tên là Thanh lương tân - nghĩa là bến nước trong sáng mát mẻ.
Nói về nhà nghỉ mát này Tiểu Cao cho biết: “Những ngày nắng như hun đốt, những đêm gió mát trăng thanh, xõa tóc ra để hứng lấy gió nam, khép lòng lại để trông dòng nước chảy, xem chim trống mái vãng lai trước ngọn thủy triều lên xuống. Ngẫm nỗi giang hà ngày thấp kém, cảm thấy phong khí ngày một đổi thay. Có lúc lại mượn dòng nước trong, rót chén trà thơm để khuây khỏa tâm tình” (sđd, trang 141).
Năm 1898, khi nghe tin có 5 sĩ tử người Quảng cùng đỗ một khoa với 3 Tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang và Phạm Tuấn) và hai Phó bảng (Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến), thay vì tổ chức một buổi đón tiếp ở dinh Tổng đốc, Đào Tấn đã định tiếp đón và chiêu đãi các tân khoa tại Thanh lương tân và nơi đây đã trở thành Khán hoa đình: “Tháng 5 năm ấy (1898) nghe tin học trò Quảng Nam vào điện thí, đậu tiến sĩ ba người, phó bảng hai người, ông (Đào Tấn) nói với ta (Tiểu Cao): “Nhà hát chưa có tên, nay được tin mừng ngày tới các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà hát là Khán hoa đình...
Nhà hát ta có tên rồi đó. Hôm nay các vị tân khoa xem hoa ở Trường An, ngày mai vinh quy xem hoa ở cố hương, xong chúng ta cũng sẽ mời các vị ấy vào đây mở tiệc “khuê giang”, làm tiệc tẩy trần, nhân đó để xem cảnh hoa trong mộng” (sđd, trang 142).
Đào Tấn cũng nhờ Nguyễn Văn Mại viết một bài giới thiệu về nhà hát với tên “Bài ký Khán hoa đình”. Bài ký được viết trên vải lụa và trong buổi tiệc sau khi cho khởi nhạc, ca hát, đã được đọc lên và sau đó tặng cho Phạm Liệu, người đỗ đầu Đệ Tam giáp của khoa thi này.
Trong bữa tiệc Tổng đốc Đào Tấn cũng đã cao hứng “xuất khẩu” ba bài tứ tuyệt để tặng các vị tân khoa.
Bài thứ nhất tặng Phạm Liệu:
Bẻ quế cung trăng ấy mới tài
Nâng ly thử hỏi khách là ai
Xem hoa cưỡi ngựa qua cầu kép
Là cánh nam hoa đệ nhất mai.
Bài thứ hai tặng Phan Quang và Phạm Tuấn:
Cơ trời mấy chục năm qua
Cõi Nam liên tiếp sinh hoa ngạt ngào
Trúc tàn Hà nở thơm sao
Bảng đề Ất Giáp ai nào dám tranh.
Bài thứ ba tặng hai vị Phó bảng:
Non sông hun đúc lắm tài ba
Một loạt ba bông nở đậm đà
Cung Quảng ngoài hiên còn đợi khách
Trộm đem bút mực vẽ Hằng Nga.
(Trần Gia Thoại dịch).
Sau bữa tiệc đón tiếp đặc biệt này không lâu, Đào Tấn rời Quảng Nam về kinh nhận nhiệm vụ mới. Khán hoa đình cũng chìm vào quên lãng. Ngày nay ít người biết chuyện của hơn một trăm năm trước.
Dọc sông Vĩnh Điện ngày nay có rất nhiều bến sông nhưng không thấy “bến sông trong sáng mát mẻ” của ngày xưa. Gần đây chúng tôi có tìm hiểu và được biết ở bờ nam sông phía tây cầu cũ Vĩnh Điện độ 300 mét gần chùa Pháp Hoa “nghe” trước đây có nói đến di tích “nhà Trạng”, “nhà tân khoa”. Có thể đây là Khán hoa đình, nơi diễn ra sự kiện đặc biệt ngày ấy!
Ông quan… nghệ sĩ
Đào Tấn thuộc dòng dõi Đào Duy Từ, ông sinh ngày 27.2.1845 tại làng Vinh Thanh, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm Đinh Mão 1867, ông đỗ Cử nhân tại trường thi Bình Định. Tuy nhiên, dù văn tài lỗi lạc, ông không vượt được kỳ thi Hội sau đó.
Bốn năm sau (1871) ông được bổ chức Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, đến năm 1874, làm Tri phủ Quảng Trạch sau thăng Phủ doãn Thừa Thiên. Làm quan suốt 3 triều từ Tự Đức đến Thành Thái, ông từng kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc (An Tĩnh, Nam Ngãi). Thượng thư (Bộ Hình, Bộ Binh, Bộ Công), quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 vì chống đối Nguyễn Thân, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn và mất ở đây năm 1907.
Đào Tấn là vị quan thanh liêm, cương trực, hết lòng yêu nước. Khi làm Tổng đốc An Tĩnh ông đã che chở cho Phan Bội Châu, ngầm ủng hộ cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Khi Phan Đình Phùng mất ông đã có câu đối dài viếng và từng công khai ca ngợi Phan Đình Phùng là người “vì nước quên nhà, hành vi lẫm liệt, chí khí tinh trung”. Ông cũng từng ra lệnh chém đầu Bồi Ba, một tên tay sai khét tiếng của Pháp khi y ỷ thế hà hiếp dân lành, dù có sự “can thiệp” của Khâm sứ Trung Kỳ.
Đào Tấn còn là nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng. Ông đã để lại cho đời sau gần 1.000 bài thơ và 100 vở tuồng.
Tuy chỉ làm quan ở Quảng Nam trong thời gian khoảng 1 năm, từ 1898 - 1899 trên cương vị Tổng đốc nhưng Đào Tấn đã để lại những dấu ấn đẹp. Thời Đào Tấn làm Tổng đốc, khoa bảng của Quảng Nam được bội thu. Danh xưng Ngũ phụng tề phi được cho là do Đào Tấn tặng (chứ không phải do Thành Thái ban). Mấy bài thơ Đào Tấn viết tặng các vị trong Ngũ phụng tề phi được dân Quảng truyền tụng mãi.
Cuộc Nam du của “Bộ ba Duy tân Quảng Nam (Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) khi khuấy động trường thi Bình Định để cảnh tỉnh sĩ phu bằng bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh sơn lương ngọc” đã giả danh Đào Mộng Giác thuộc tộc Đào của Đào Tấn, đủ thấy sự “biệt nhãn” của ba danh sĩ Quảng Nam dành cho vị quan tài năng và yêu nước này.
Đào Tấn có mối giao tình với nhiều danh sĩ Quảng Nam, tiêu biểu là Hà Đình Nguyễn Thuật. Dân làng Hà Lam còn nhắc mãi bài thơ “Ký hoài Hà Đình” mà Đào Tấn viết tặng Nguyễn Thuật:
Tuế mộ hoài nhân ký viễn thư
Hà Đình phong cảnh cận hà như
Niên niên kỷ thủ nham đầu nguyệt
Thập nhị hồi viên đáo tác cư
Tống Vũ dịch:
Nhớ người năm hết trao thư
Nhà sen phong cảnh thế nào hả anh?
Mải nhìn bóng nguyệt đầu ghềnh
Tròn mười hai độ nơi mình sáng soi.
Có lẽ Đào Tấn là người được dân Quảng Nam yêu mến nhất trong số các vị tổng đốc đến công vụ tại đây.