Không để người có công ở nhà tạm

LÊ DIỄM 08/07/2022 12:59

Chăm lo cho đời sống người có công luôn được cả xã hội chung tay thực hiện. Trong đó, hỗ trợ cải thiện nhà ở “để không còn người có công nào ở trong nhà tạm bợ, mất an toàn” là mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Đắc (vợ liệt sĩ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) trong căn nhà mới sửa chữa. Ảnh: D.L
Bà Nguyễn Thị Đắc (vợ liệt sĩ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) trong căn nhà mới sửa chữa. Ảnh: D.L

Ấm lòng thân nhân liệt sĩ

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đến thăm nhà bà Trần Thị Luận (sinh năm 1932, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ). Trong căn nhà đang thờ cúng 2 liệt sĩ, 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng là chồng và ba mẹ chồng bà Luận. Gian thờ khang trang, khói hương ấm cúng làm ấm lòng người con dâu, người vợ liệt sĩ như bà Luận.

Bà Luận tâm sự: “Tôi ở một mình để thờ cúng chồng và ba mẹ chồng. Năm nay đã 90 tuổi nhưng tôi còn khỏe, còn trồng được mấy bụi chuối sau nhà, mấy dây trầu nữa. Con cái có gia đình riêng hết, để tụi nó đi làm ăn, lúc rảnh rỗi thì về thăm. Vui là mấy đứa cháu hay chạy về thăm bà.

Tôi mừng vì được thành phố quan tâm, vừa hỗ trợ làm lại ngôi nhà để thờ cúng liệt sĩ. Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng, con cháu gom góp thêm để làm cái nhà, sân, cổng ngõ hết 250 triệu đồng”.

Hoàn cảnh đơn thân, bà Nguyễn Thị Đắc (vợ liệt sĩ, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) từng được hỗ trợ kinh phí cải thiện nhà ở, nhưng nay nhà đã xuống cấp, thành phố khảo sát và quyết định tiếp tục hỗ trợ bà sửa chữa lại căn nhà.

Lần này nhà được làm lại phần mái, lót nền mới, sơn tường. Trong nhà bà Đắc đang thờ cúng 3 liệt sĩ, những tấm bằng Tổ quốc ghi công được trân trọng treo ở chỗ cao nhất.

Bà Đắc vui vẻ nói: “Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, thành phố cho thêm 5 triệu đồng, tôi thêm vào gần 20 triệu đồng để sửa nhà, có chỗ khang trang thờ cúng liệt sĩ. Hoàn cảnh đơn chiếc nên chính quyền địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, làm tôi thấy ấm lòng!”.

Bà Trần Thị Luận (bên phải) yên lòng sống trong căn nhà thờ cúng chồng là liệt sĩ, ba mẹ chồng là liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: D.L
Bà Trần Thị Luận (bên phải) yên lòng sống trong căn nhà thờ cúng chồng là liệt sĩ, ba mẹ chồng là liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: D.L

Không để người có công ở nhà tạm

Trong nhiều năm qua, bằng các chính sách của Trung ương, của tỉnh, phần lớn trường hợp người có công (NCC) trong tỉnh không có điều kiện làm nhà ở đã được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới. Năm 2013, khi có Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở, tỉnh đã ban hành các quyết định thực hiện chính sách này.

Theo Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2013 - 2019, thực hiện Quyết định số 22, toàn tỉnh đã hỗ trợ 27.353 hộ NCC sửa chữa và xây mới nhà ở, với tổng kinh phí thực hiện hơn 712 tỷ đồng, gồm cả ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ.

 Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sau khi Quyết định 22 hết hiệu lực thi hành, HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết số 11 ngày 3.10.2019 và Nghị quyết số 15 ngày 19.4.2021 tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC. Việc hỗ trợ được thực hiện trong 4 năm 2019 - 2022, với tổng số 15.416 nhà được hỗ trợ, tổng kinh phí thực hiện hơn 402 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh khoảng 346 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 56 tỷ đồng.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện nguồn ngân sách đều có sự hỗ trợ thêm để NCC có đủ điều kiện làm lại nhà ở. Như TP.Tam Kỳ, từ năm 2019 - 2022 đã hỗ trợ về nhà ở cho 678 hộ gia đình NCC với cách mạng, với tổng kinh phí 19,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 10,6 tỷ đồng, ngân sách thành phố hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ và địa phương đối ứng theo quy định, Tam Kỳ còn bố trí thêm kinh phí hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà xây mới và 5 triệu đồng/nhà sửa chữa từ nguồn ngân sách thành phố.

“Cùng với chính sách của tỉnh, mỗi địa phương tùy theo điều kiện đều có phần kinh phí hỗ trợ thêm cho NCC làm nhà được bền đẹp hơn, hoặc huy động các nguồn xã hội hóa, nguồn lực về nhân công, vật tư để hỗ trợ. Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC phải đảm bảo tiêu chí an toàn, bền chắc, bởi mỗi căn nhà được hỗ trợ không chỉ là nơi để ở an toàn, mà cũng là nơi thờ cúng liệt sĩ, NCC” - ông Chiến nói.

Theo Sở LĐ-TB&XH, ngoài số nhà cấp thiết cần hỗ trợ xây mới và sửa chữa, số nhà đã được hỗ trợ từ trước đó mà nay xuống cấp theo các địa phương khảo sát và báo cáo nhu cầu giai đoạn 2021 - 2025 là 8.717 nhà (xây mới 2.982 nhà, sửa chữa 5.735 nhà); trong đó đã bao gồm số lượng nhà năm 2022 chưa thực hiện theo Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh vì nhiều lý do khác nhau. Với số nhà còn lại này, nếu Trung ương ban hành chính sách mới thì sẽ áp dụng theo chính sách của Trung ương, không thì tỉnh sẽ tính toán nguồn lực để hỗ trợ NCC, với mục tiêu không còn NCC nào ở trong nhà tạm bợ, mất an toàn.

LÊ DIỄM