Thắp những ngọn đèn
An ủi những tâm hồn, lắng nghe bằng trái tim và lặng lẽ tìm cách sẻ chia, kết nối, biết bao hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ đã miệt mài thắp lên từng ngọn đèn của hy vọng, thắp sáng một “Chữ thập đỏ” của lòng thiện nguyện suốt hành trình dài...
Chuyện từ quán cà phê
Hơn mười năm làm công tác hội, ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh không thể nhớ hết những chuyến đi, nhớ hết từng gương mặt người mà mình đã gặp, đã kết nối và giúp đỡ.
Ông Ry bảo, như duyên lành, những người làm công tác chữ thập đỏ cứ rứa mà đi, một cách làm tròn bổn phận của mình, không chỉ với công việc, mà còn với tâm niệm chính mình. “Tôi có đọc được rằng, nếu ta thắp một ngọn đèn cho người nào đó, nó cũng sẽ soi sáng con đường của ta. Niềm tin đó đã đưa tôi và cộng sự đến với rất nhiều người chưa may mắn” - ông Ry nói.
Như câu chuyện cô sinh viên nghèo quê ở Tam Anh Bắc (Núi Thành), ba và anh mất, em cùng mẹ và chị gái sống cuộc đời cơ cực, ngoài giờ học phải làm thêm ở một quán cà phê.
Có giấy thông báo trúng tuyển Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, nhưng cô bé phải gác lại giấc mơ vì nghèo khó. Không nỡ để ước mơ giảng đường của cô học trò nhỏ vụt tắt, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tìm cách liên hệ với đồng hương Quảng Nam trong Hội doanh nhân Quế Sơn - Nông Sơn - Hiệp Đức tại TP.Hồ Chí Minh.
Một phần học bổng được trao ngay, đồng thời mỗi năm, cô tân sinh viên được hỗ trợ 15 triệu đồng để trang trải việc học tập. Câu chuyện tình cờ với cô bé làm thêm ở quán cà phê nhờ đó mà có một cái kết tốt hơn, trong sự sẻ chia của những người đồng hương nơi đất khách.
Ước mơ của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhiều khi giản đơn đến mức… khó tin. Một chiếc xe đạp để có thể đi nhặt ve chai mỗi ngày, một con bò hỗ trợ nữ sinh lớp 8 mồ côi mẹ, hay từng bữa ăn đến với anh bộ đội phục viên không may bị teo cột sống liệt nửa người…
Bằng những tấm lòng thảo thơm, bằng sự tận tụy của cán bộ Hội Chữ thập đỏ các cấp, rất nhiều hoàn cảnh được kết nối với nhà hảo tâm, được giúp đỡ kịp thời. Nhiều gia đình quá khổ, hội viên Hội Chữ thập đỏ phải lui tới thường xuyên, giúp đỡ muôn vàn việc có tên và không tên, chỉ với tâm niệm “không để ai bị bỏ lại, vì nghèo khó hay bệnh tật”…
Những người kết nối
Đặc thù của Hội Chữ thập đỏ và người làm công tác hội là luôn tăng cường tương tác với cơ sở, với từng hoàn cảnh cần giúp đỡ lẫn các nhà hảo tâm, những ngân hàng “máu nóng” để nhờ trợ giúp. Hàng trăm đơn vị máu được tiếp nhận mỗi đợt phát động hiến máu tình nguyện, chưa kể những đơn vị “máu nóng”, mà sự quý giá tính bằng mạng sống của bao bệnh nhân trong lúc cần kíp.
Thiên tai, bão lũ, những hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ luôn hiện diện trong tuyến đầu cứu trợ, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, mất mát, kịp thời ổn định cuộc sống. Lá cờ Chữ thập đỏ, vì thế chẳng còn xa lạ dù ở bất cứ đâu, bất cứ miền nào, dù trong dông bão hay giữa những yên ấm đời thường. Lá cờ của sự sẻ chia, của niềm hy vọng.
Những chuyến đi đồng hành luôn tiếp nối. Vừa xong “Tết nhân ái” cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hội viên Hội Chữ thập đỏ các cấp lại xoay sang hoạt động phong trào “Hiến máu tình nguyện”.
Gần đây nhất, hai chương trình mới do Trung ương Hội Chữ thập đỏ phát động bao gồm “Đồng hành với ngư dân nghèo, khó khăn”, “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo khuyết tật” nhanh chóng tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa. Từ cơ sở, nhiều tấm gương tập thể hội, hội viên xung kích, năng nổ trong phong trào, viết lên những câu chuyện đẹp giữa đời thường.
Không chỉ là kênh kết nối hữu hiệu với các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong nước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và cơ sở cũng đã triển khai các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ như: Oxfam, Tầm nhìn thế giới, UNDP, Habitat, Trả lại tuổi thơ, CHIA, Đông Tây Hội ngộ, Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Đức, Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Quỹ hàn gắn vết thương chiến tranh Mỹ…
Để những tấm lòng sẻ chia đến đúng hoàn cảnh, người làm công tác chữ thập đỏ nhiều chuyến phải rong ruổi cả ngày trời để xác minh, lên phương án hỗ trợ. May mắn, những hội viên ở cơ sở luôn nhiệt tâm, đầy năng lực và trách nhiệm, tiếp cận nhanh, có thông tin chính xác về từng hoàn cảnh, từng câu chuyện. Từ đó, việc kết nối thuận lợi và hiệu quả hơn, duy trì tính nhân đạo, tình cảm sẻ chia theo tinh thần hoạt động.
“Chúng tôi luôn động viên nhau, tìm cách tiếp lửa, duy trì nhiệt huyết cho anh em, bởi làm công tác thiện nguyện là nhận lãnh nhiều trách nhiệm, trong khi chế độ phụ cấp còn khiêm tốn. Cái được lớn nhất, là niềm vui, là nụ cười của những người tưởng khó có thể cười giữa cuộc đời này. Cứ cho đi, để đổi lấy những nụ cười quý giá đó” - ông Phan Công Ry chia sẻ.