Nhiều nước kêu gọi tiêm phòng Covid-19 mũi tăng cường

NAM VIỆT 05/07/2022 16:23

(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo số ca mắc mới Covid-19 đang tăng trở lại toàn cầu, chủ yếu do biến thể Omicron. Nhiều quốc gia đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia hiện bắt buộc những người tham dự các sự kiện từ hơn 1.000 người trở lên, kể cả trong nhà hay ngoài trời đều phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng mũi thứ 3 vắc xin Covid-19.

Cũng theo quy định, trẻ em từ 6 đến 17 tuổi được phép tham gia các sự kiện đông người như trên nếu đã tiêm mũi thứ 2 vắc xin Covid-19. Người từ 18 tuổi trở lên sẽ được phép vào cửa nếu đã tiêm liều thứ 3 hoặc liều nhắc lại.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia - ông Airlangga Hartarto cho biết: "Hiện tại, 80% các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Indonesia là do các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron".

Với tổng dân số khoảng 273,5 triệu người, đến nay Indonesia tiêm ngừa vắc xin Covid-19 mũi thứ nhất cho gần 201,6 triệu người, mũi thứ 2 cho gần 169,2 triệu người và mũi thứ 3 cho gần 61 triệu người.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi công chúng thận trọng sau khi nước này ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 sau 52 ngày.

"Tôi kêu gọi mọi người hãy thận trọng bằng cách thực hành các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm Covid-19, đồng thời hãy tiêm phòng các mũi vắc xin tăng cường" - Thủ tướng Hun Sen nói.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi người dân tiêm mũi vắc xin tăng cường phòng Covid-19. Ảnh: Phnompenhpost
Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi người dân tiêm mũi vắc xin tăng cường phòng Covid-19. Ảnh: Phnompenhpost

Bộ Y tế Campuchia thông báo, đến nay 14,88 triệu người dân, tương đương 93% tổng dân số 16 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19, 14,14 triệu người (88% dân số) đã được tiêm 2 mũi cơ bản, khoảng 8,22 triệu người (51%) đã được tiêm mũi 3 và 1,36 triệu người (8,5%) được tiêm mũi 4.

Thủ tướng Campuchia nói rằng lo lắng của ông là nhiều người không nhận được liều thứ 3 có thể làm suy yếu liên kết trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Theo người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine, việc tiêm vắc xin mũi thứ 3, thứ 4 và thứ 5 là để tiếp tục duy trì khả năng miễn dịch của các cá nhân và cộng đồng, cũng như đảm bảo tính bền vững của hoạt động kinh tế và xã hội trong cuộc sống bình thường.

Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ Australia quyết định chi 11 triệu AUD cho chiến dịch quảng cáo kéo dài 6 tuần để kêu gọi người đi tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường và vắc xin ngừa bệnh cúm mùa.

Ông Mark Butler - Bộ trưởng Y tế Australia cho biết, dù Covid-19 cho đến nay chỉ gây các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc trung bình đối với người đã tiêm chủng, dịch bệnh vẫn là gánh nặng đối với ngành y tế Australia khi hàng chục người vẫn tử vong mỗi ngày liên quan đến Covid-19.

Bộ trưởng Butler cũng bày tỏ lo ngại về khả năng số ca mắc mới có thể tăng cao trở lại khi các biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang chiếm ưu thế. Như vào hôm qua 4.7, Australia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 lên tới gần 30.000 ca, trong đó có 3.511 ca phải nhập viện.

Do đó, Australia đang xem xét mở rộng đối tượng được tiêm mũi vắc xin thứ 4 ngừa Covid-19.

WHO cho biết, tiêm phòng tiếp tục là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch Covid-19 một cách bền vững. Theo đó, WHO khuyến nghị:

- Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ chậm liều tiêm cơ bản nên ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho nhóm nguy cơ cao, trước khi tập trung nguồn lực bao phủ sang nhóm nguy cơ thấp.

- Các quốc gia có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng từ trung bình tới cao nên ưu tiên tiêm liều bổ sung cho nhóm nguy cơ cao trước khi chuyển sang bao phủ cho nhóm nguy cơ thấp hơn.

NAM VIỆT