Giữ lửa làng nghề
Từ những cây tre quen thuộc, qua bàn tay khéo léo của người thợ làng Bầu Lát (thôn Hà Tây 1, Điện Hòa, Điện Bàn) đã trở thành sản phẩm thủ công gia dụng được người tiêu dùng ưu chuộng.
Trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ ở làng nghề truyền thống đồ gia dụng bằng tre tại làng Bầu Lát vẫn giữ được lửa nghề.
Bà Lê Thị Nghê (65 tuổi) không thể nhớ chính xác nghề làm đồ gia dụng từ cây tre của làng Bầu Lát quê bà có từ bao giờ, chỉ biết cứ cha truyền con nối mà làng nghề lưu mãi.
Bà Nghê nhớ lại, khoảng những thập kỷ cuối thế kỷ trước, tiếng đục đẽo vang lên khắp làng mỗi ngày. Ngày đó làng chỉ chừng 50 hộ dân, hầu hết đều làm nghề đồ gia dụng từ cây tre. Những đứa trẻ đã quen với tiếng đục đẽo từ trong nôi, con trai chừng 10 tuổi, con gái thì 12 tuổi là bắt đầu được cha ông truyền nghề.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, người có hơn 50 năm làm đồ gia dụng từ tre tại làng Bàu Lát cho biết: “Các sản phẩm từ tre tại làng thịnh hành nhất là vào cuối những năm 80 đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước.
Thời đó, nhiều sản phẩm của làng có mặt tận ngoài Bắc, trong Nam, được khách hàng ưu chuộng vì bền, đẹp, tiện dụng. Mỗi ngày đều có xe tải và xe bò vào làng kéo các sản phẩm đi khắp nơi để bán. Đời sống của dân làng vì thế cũng vào loại “sung túc” hơn so với nhiều nơi khác tại Điện Bàn”.
Về sau, khi diện tích tre ở nông thôn giảm mạnh, giá tre cũng lên cao cùng với sự ra đời của các sản phẩm gia dụng được làm công nghiệp thì làng nghề bước vào giai đoạn khó khăn. Số gia đình bỏ nghề tăng lên và đến nay cả làng chỉ còn 7 hộ sản xuất.
Thật may, sau nhiều lần vận động, tổ chức truyền dạy, đã có nhiều thanh niên trong làng học nghề và đã có nhiều sáng tạo mới cho nghề truyền thống. Họ tham khảo thêm tài liệu và mẫu mã, đầu tư máy móc hiện đại để quá trình sản xuất được thuận lợi, chất lượng, phù hợp với sản xuất quy mô lớn. Khoảng 2018 đến nay, đã có một số cơ sở nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Hội An và Điện Bàn tìm đến làng để đặt mua những đồ tre phục vụ du lịch.
Anh Nguyễn Văn Kinh - người thợ trẻ của làng Bàu Lát cho biết: “Tôi và một số anh em trẻ tại làng nhận thấy được cái quý của nghề truyền thống của quê hương nên đã cố công học để lưu giữ.
Tuy thu nhập hiện giờ chỉ ở mức tương đối, nhưng cơ sở của tôi bắt đầu có một số khách hàng tìm đến với ý định đặt nhiều mặt hàng tre số lượng lớn để phục vụ du lịch. Điều này tạo động lực cho tôi cũng như nhiều anh em trẻ tại làng yên tâm đầu tư công sức để gắn bó với nghề…”.
Những người thợ nơi đây vẫn miệt mài với việc sáng tạo nhiều sản phẩm mới từ cây tre, họ đăng lên mạng để tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước đồng thời để giới thiệu, giao lưu học hỏi thêm nhiều sản phẩm từ mọi miền của Tổ quốc.
Từ một làng nghề có nguy cơ mai một, đến nay làng Bàu Lát đã bắt đầu có nhiều hơn những người thợ trẻ hiểu và yêu nghề làm đồ tre gia dụng truyền thống của cha ông.