Tranh chấp đường lâm sinh ở Bình Lâm (Hiệp Đức): Cần thượng tôn pháp luật
Vụ tranh chấp đường lâm sinh ở thôn An Phố (xã Bình Lâm, huyện Đức) kéo dài nhiều năm, các hộ dân đã đưa nhau ra tòa nhằm phân rõ trắng đen. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng được tuyên, vụ việc vẫn chưa đến hồi kết, người dân tiếp tục kêu cứu đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh...
Cuối tuần qua, tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức buổi tiếp công dân định kỳ, do ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì.
Các công dân tại thôn An Phố (xã Bình Lâm) kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét, theo dõi, giám sát việc thực thi Bản án số 146/2021 ngày 10.6.2021 của Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại Đà Nẵng.
Bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm
Vụ việc tranh chấp đường lâm sinh giữa các hộ dân ở xã Bình Lâm kéo dài từ năm 2019 đến nay. Theo nội dung vụ án, nhóm hộ dân - các nguyên đơn (Nguyễn Văn Đàn, Lê Thị Thủy, Nguyễn Văn Hoàng, Võ Thị Kim Huệ, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Tam) sử dụng lối đi lên núi Gai thuộc thôn An Phố để khai thác lâm sản, sử dụng đất rừng trên núi Gai.
Đoàn ĐBQH sẽ theo dõi, giám sát vụ việc
Phát biểu tại buổi tiếp công dân, đại diện TAND và Viện KSND tỉnh đều khẳng định nguyên tắc, bản án có hiệu lực thì các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.
Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ với những khó khăn mà nhóm hộ dân ở thôn An Phố đã gánh chịu suốt thời gian qua, đồng thời khẳng định những kiến nghị của nhóm hộ dân hoàn toàn chính đáng và có cơ sở pháp luật.
Bản án đã tuyên thì nguyên tắc phải thực thi. Kiến nghị của huyện Hiệp Đức tạm dừng thi hành án là hoàn toàn không phù hợp. Việc thi hành án phải thực hiện nghiêm để thể hiện sự nghiêm minh và thượng tôn pháp luật.
Ông Phước cũng đề nghị nhóm hộ dân tại thôn An Phố hết sức bình tĩnh, không gây mất trật tự, chờ kết quả giải quyết thi hành án. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ đưa vụ việc vào theo dõi, giám sát nhằm đánh giá trách nhiệm các bên trong giải quyết vụ việc để đảm bảo quyền lợi người dân.
Năm 2007, do nhu cầu mở rộng đường để vận chuyển lâm sản từ núi Gai xuống, các hộ dân góp tiền, thuê xe mở rộng đường lên núi Gai. Con đường này đi qua đất một số hộ dân, trong đó có 48m2 đất của gia đình bị đơn (ông Nguyễn Có) được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Năm 2014, ông Nguyễn Có không đồng ý cho tiếp tục sử dụng đường đi qua diện tích đất của gia đình nên các hộ dân mở con đường đi khác và trả lại 48m2 đất đã đổi năm 2007 cho ông Có.
Như vậy con đường lên núi Gai không còn liên quan đến đất của gia đình ông Có. Nhưng năm 2019, khi các hộ dân thuê xe mở đường lên để vận chuyển lâm sản thì ông Nguyễn Có cản trở, không cho xe đi qua đoạn đường thuộc con đường giao thông cũ, diện tích đất tranh chấp thuộc phạm vi ông Có cản trở là 31,4m2 .
Do địa bàn rừng núi phức tạp nên sau khi ông Có rào đường lại thì các hộ dân có đất ở trên núi không vận chuyển được mía và keo sau khi thu hoạch, dẫn đến gây thiệt hại cho các hộ dân.
Các hộ dân (nguyên đơn) yêu cầu ông Có chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất tranh chấp thuộc đường giao thông mà nhân dân sử dụng đi lên núi Gai và yêu cầu công nhận quyền sử dụng của các nguyên đơn đối với diện tích đất tranh chấp.
Phạm vi quyền sử dụng đất mà các nguyên đơn yêu cầu bị đơn chấm dứt hành vi cản trở là 31,4m2 nằm trong diện tích 10.411m2 đất mà cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Văn Mùa năm 2009, thuộc khoảnh IV, tiểu khu 505, tại thôn An Phố, xã Bình Lâm.
Ngoài ra, các nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do có hành vi ngăn cản các nguyên đơn vận chuyển lâm sản từ núi Gai xuống đường bê tông, gây thiệt hại về lâm sản cho các nguyên đơn…
Ngày 19.11.2020, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Nam đã có Bản án 24/2020/DS-ST về vụ việc. Theo đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc buộc ông Nguyễn Có chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất làm lối đi, đối với diện tích đất tranh chấp 31,4m2 .
Bên cạnh yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, Bản án số 24 không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Có về hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL881469 ngày 9.11.2009 mà UBND huyện Hiệp Đức đã cấp cho hộ ông Lê Văn Mùa đối với phần diện tích đất tranh chấp 31,4m2 thuộc một phần thửa số 228.
TAND tỉnh kiến nghị UBND huyện Hiệp Đức điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông Lê Văn Mùa đối với diện tích đất đang tranh chấp, đồng thời kiểm tra thực tế, lập kế hoạch sử dụng đất dành cho đường giao thông công cộng hợp lý tại khu vực có đất tranh chấp đi lên núi Gai để người dân địa phương sử dụng ổn định, lâu dài.
Tuy nhiên, sau đó ông Có có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh và yêu cầu Tòa án cấp cao phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Lê Văn Mùa.
Sau khi thụ lý, giải quyết, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có Bản án phúc thẩm số 146/202/DS-PT ngày 10.6.2021, không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn; đồng ý giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 24/2020/DS-ST ngày 19.11.2020 của TAND tỉnh Quảng Nam.
Mòn mỏi chờ thi hành án
Bản án số 146 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có hiệu lực thi hành từ ngày tuyên án (10.6.2021). Tuy nhiên đến nay công tác thi hành án vẫn chưa được thực thi gây bức xúc cho các hộ dân (nguyên đơn).
Nhóm hộ dân tiếp tục có đơn gửi Đoàn ĐBQH tỉnh xem xét Bản án 146. Đại diện nhóm hộ dân phát biểu tại buổi tiếp công dân cho biết họ đã chờ đợi quá lâu để cơ quan chức năng phân rõ trắng đen. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, bản án của TAND Cấp cao chưa được thực thi khiến quyền lợi của người dân chưa được bảo vệ.
Được biết, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 2.11.2021, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam đã quyết định thi hành án đối với ông Nguyễn Có. Các khoản thi hành án gồm: Buộc ông Nguyễn Có chấm dứt hành vi cản trở quyền sử dụng đất làm lối đi, đối với diện tích đất tranh chấp 31,4m2 thuộc một phần thửa đất số 228, tờ bản đồ số 1, tại thôn An Phố, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức.
Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo. Tuy nhiên, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam cho biết đến nay ông Nguyễn Có vẫn kiên quyết chống đối và không phối hợp thi hành án.
Trả lời tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 7 của Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, khi làm việc với huyện Hiệp Đức và xã Bình Lâm để lấy ý kiến trước khi thi hành án đại diện UBND huyện Hiệp Đức lại cho rằng, Bản án phúc thẩm số 146 ngày 10.6.2021 không đúng quy định pháp luật.
Sau đó, UBND huyện Hiệp Đức có văn bản đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh tạm dừng thi hành án. UBND huyện cũng đề xuất sẽ thỏa thuận mở đường lâm sinh khác cho các hộ dân nhằm tránh mất an ninh trật tự.
Theo đại diện Cục Thi hành án dân sự, văn bản của UBND huyện Hiệp Đức không có cơ sở để tạm dừng thi hành án đối với bản án của tòa. Quan điểm là bản án đã tuyên thì phải thực thi. Trường hợp UBND huyện Hiệp Đức thỏa thuận được với các hộ dân về mở đường lâm sinh riêng, chấp dứt tranh chấp thì là hướng tốt.
Tuy nhiên, nếu các hộ dân không đồng ý mở đường riêng thì Cục sẽ thực hiện theo Điều 119 Luật Thi hành án dân sự. Tức là ra quyết định buộc người thi hành án chấp dứt hành vi chống đôi, lập biên bản vi phạm hành chính và nếu tiếp tục sẽ chuyển hồ sơ cơ quan điều tra xử lý trách nhiệm hình sự.