Động lực phát triển kinh tế biển
Cuối tuần qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ.
Các đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết Nghị quyết 39 và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì hội nghị.
Cùng với các mặt, lĩnh vực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhìn lại việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế biển trong thời gian qua và hướng đi trong thời gian đến là một trong những nội dung trọng tâm được hội nghị quan tâm bàn thảo.
Thành quả lớn
Sở hữu chiều dài bờ biển 125km, Quảng Nam có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển. Thực hiện Nghị quyết số 39, để khơi thông lợi thế, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh tế biển. Hạ tầng với các công trình giao thông ven biển được đầu tư lớn như đường Võ Chí Công nối TP.Hội An với TP.Đà Nẵng và sân bay Chu Lai (Núi Thành), các tuyến đường cao tốc, quốc lộ 1 kết nối với tuyến đường ven biển.
Luồng vào cảng Kỳ Hà được khơi thông đón tàu 2 vạn tấn. Hạ tầng nghề cá được đầu tư lớn với cảng cá Tam Quang (Núi Thành), khu neo đậu tàu cá kết hợp cảng cá Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên). Chuỗi đô thị ven biển đã hình thành gồm đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành.
Quảng Nam tập trung nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang, đầu tư các tuyến đường, cầu vượt sông. Đặc biệt, phát triển hệ thống cảng biển, sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp với các nhóm dự án về dịch vụ vận tải biển, hậu cần cảng biển, logistics nhằm tiếp tục thu hút các dự án lớn, trọng điểm đầu tư tạo cú hích phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhiều hạ tầng chiến lược như sân bay Chu Lai, cảng biển Chu Lai đã kết nối Quảng Nam với các tỉnh, thành phố trong cả nước và trở thành đầu mối, “trạm trung chuyển quốc tế” đi các nước trên thế giới.
Quy mô và cơ cấu kinh tế biển Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và ngân sách trung ương. Hình thành, phát huy tốt tiềm lực công nghiệp ven biển với định hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quảng Nam tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư như Thaco, VinGroup, Hyundai, Mazda...
Ông Võ Như Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, dấu ấn phát triển kinh tế biển của Quảng Nam trong 20 năm qua là rất đậm nét. Tận dụng vùng đặc quyền kinh tế rộng 40.000km2 với nhiều ngư trường, phong phú nguồn lợi, nghề khai thác hải sản đã đóng góp mỗi năm không dưới 90.000 tấn hải sản. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt hơn 28.000 tấn.
Quảng Nam đã tận dụng các bãi biển đẹp để phát triển mạnh du lịch, dịch vụ biển ở An Bàng, Cửa Đại (Hội An), Hà My (Điện Bàn), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến (Núi Thành). Biển, hải đảo và các vùng ven bờ đã giúp Quảng Nam phát triển mạnh về du lịch sinh thái, nhất là ở khu vực Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An).
Quảng Nam cũng đã bảo tồn biển, kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường biển gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện nay, diện tích bảo tồn biển trên địa bàn là hơn 550km2.
Cú hích mới
Đưa kinh tế biển và vùng ven biển, đảo trở thành kinh tế mũi nhọn, phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí chủ lực trong phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh là hướng đi của tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch tỉnh nhằm thống nhất quy hoạch các địa phương ven biển, quy hoạch ngành, khu kinh tế, dịch vụ ven biển.
Tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng đông theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Các khu du lịch tập trung ven biển được đầu tư lớn hơn để hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái.
Thực hiện Nghị quyết 39, tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt hơn 10%/năm, trên mức tăng trưởng GDP bình quân cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh ngày càng mở rộng, GRDP (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với năm 2004. So với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ về quy mô GRDP cho cả 2 giai đoạn 2004 - 2019 và 2004 - 2020, Quảng Nam đều đứng vị thứ 5/14 tỉnh thành...
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, những thành tựu Quảng Nam đạt được cho thấy Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống. Sau gần 20 năm thực hiện, diện mạo của Quảng Nam thay đổi rõ nét; điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, nhất là việc xác định đúng và tập trung vào các tiềm năng, lợi thế của địa phương trong bối cảnh xuất phát điểm thấp và nhiều khó khăn, thách thức.
Quảng Nam lựa chọn nhà đầu tư chiến lược triển khai nâng cấp cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế và trung chuyển hàng hóa quốc tế gắn với hoạt động các khu phi thuế quan và logistics, phát triển trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, đào tạo phi công...
Về cảng biển, tỉnh đang xúc tiến mở tuyến luồng mới Cửa Lở (Núi Thành) đảm bảo cho tàu 5 vạn tấn ra vào cập cảng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu vực ven biển phía nam được tỉnh chú trọng, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, xuất khẩu.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Quảng Nam cần phát huy hơn nữa tiềm năng để phát triển mạnh về kinh tế biển. Theo đó, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành để kinh tế biển là trụ đỡ.
Ông Trần Tuấn Anh đồng tình với các đề xuất của tỉnh, yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để các tỉnh, thành triển khai các chương trình, kế hoạch phù hợp.
Bộ Giao thông vận tải cần sớm hoàn thiện quy hoạch vùng đất, vùng nước các cảng biển giúp Quảng Nam quy hoạch, đầu tư mở mới tuyến luồng Cửa Lở và xây dựng các khu bến cảng biển.