Liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thiếu hành lang pháp lý và cơ chế hiệu quả
Cuối tuần qua, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức cuộc tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”, dưới sự chủ trì của các đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39; Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Tọa đàm thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương và 5 địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP.Đà Nẵng.
Nhận diện rào cản
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng, phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo, vận tải biển..., phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch, giao dịch quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo 5 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định còn trực tiếp đối thoại, thảo luận, đưa ra các góc nhìn khác nhau về định hướng vai trò, chức năng và nhiệm vụ chính của từng địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Làm rõ thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn, xu hướng liên kết phát triển vùng, nhất là trong bối cảnh nhiều thách thức mới xuất hiện.
Tuy nhiên, sự phát triển của vùng này còn khá chậm do tăng trưởng kinh tế thiếu ổn định. Quy mô kinh tế còn nhỏ, quy hoạch phát triển vùng, hạ tầng kinh tế - kỹ thuật chưa đồng bộ, các đô thị thiếu liên kết thành hệ thống thống nhất, thiếu hụt lao động chất lượng cao, doanh nghiệp chủ yếu nhỏ và siêu nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng...
Trở lực rõ nhất là liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn yếu. Các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hành chính, chưa có sự phối hợp thực chất. Liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả.
Các hoạt động liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Kết nối đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất. Thiếu kết nối về đào tạo và sử dụng lao động, chưa đáp ứng được quy mô vùng. Thêm vào đó, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực ưu tiên liên kết vùng và nguồn lực phục vụ các hoạt động liên kết còn hạn chế.
Sự “thất bại” này chính yếu là chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, thiếu cơ chế có hiệu quả và hiệu lực để triển khai các cam kết hợp tác và liên kết, thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng và thiếu cơ chế chia sẻ thông tin lợi ích…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, hạn chế trong liên kết vùng là kết nối đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn chủ yếu do địa phương làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ.
Thực tế chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng toàn vùng, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp với các địa phương, dẫn đến phân tán các nguồn lực. Do thiếu sự liên kết và còn nặng tư duy kinh tế tỉnh, nên nguồn lực bị phân tán, chưa phát huy hết thế mạnh về tiềm năng và đứng trước những bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, mô hình phát triển…
Cần nguồn lực và cơ chế liên vùng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường kiến nghị, cần thiết phải có một hội đồng vùng để điều phối cho sự phát triển của toàn vùng. Khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhìn nhận, vai trò “nhạc trưởng” trong kết nối các tỉnh, thành phố còn mờ nhạt, mỗi địa phương còn nặng về tư duy kinh tế tỉnh.
“Khẩn trương lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030. Trong quy hoạch không gian vùng cần đặt mục tiêu ưu tiên xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng, gắn với con đường này sẽ quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển, hình thành “mặt tiền” của đất nước” - TS.Trần Du Lịch đề xuất.
Liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, cần cho phép các địa phương trong vùng được chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách phát triển để đưa vào quy định phát luật, bởi vì chính địa phương đó mới biết họ cần và thiếu cái gì để phát triển.
Ngoài ra, cần có một Ban chỉ đạo trung ương về điều phối phát triển vùng kinh tế, để quản lý, điều hành phát triển vùng... Nhiều ý kiến cho rằng, muốn đẩy mạnh liên kết vùng thì phải có quy hoạch vùng, từ đó tập trung nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một bộ phận quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế nên được Nghị quyết 39-NQ/TW đặt vào vị trí trung tâm và định hướng trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Các tham luận và ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, cùng 5 địa phương đã phân tích thực tiễn triển khai liên kết vùng và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường liên kết. Tất cả sẽ là cơ sở giúp Ban Chỉ đạo tổng kết, đánh giá lại kết quả phát triển của vùng trời gian qua và củng cố, hoàn thiện các định hướng phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trong thời gian tới, đặc biệt là liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.