Người Anh ở Hội An xưa

VĨNH LINH 03/07/2022 06:18

Đầu thế kỷ 17, theo bước chân người Hà Lan, người Anh (thông qua Công ty Đông Ấn Anh - EIC),  mong muốn thiết lập một thương điếm ở bán đảo Đông Dương để làm trung gian kết nối tuyến thương mại nội Á. Từ đó Hội An là điểm đến mà người Anh lựa chọn.

Thuyền của người Đàng Trong trên sông Faifo (Cochin chinese Shipping on the River Faifo) - Hình minh họa trong sách Một chuyến du hành đến xứ Đàng Trong vào năm 1792 và 1793 của tác giả Sir John Barrow.
Thuyền của người Đàng Trong trên sông Faifo (Cochin chinese Shipping on the River Faifo) - Hình minh họa trong sách Một chuyến du hành đến xứ Đàng Trong vào năm 1792 và 1793 của tác giả Sir John Barrow.

Những kết nối đầu tiên

Nỗ lực đầu tiên của người Anh trong việc kết nối quan hệ thương mại với Đàng Trong diễn ra vào năm 1613 (hoặc 1614), khi hai thương gia Tempest Peacock và Walter Cawarden được Richard Cocks - Trưởng đại diện của Công ty Đông Ấn Anh tại Hirado (Nhật Bản) phái tới Đàng Trong.

Hai thương gia này đến Hội An (Faifo) trên một chiếc thuyền của người Nhật. Họ mang theo một bức thư của vua Anh James I (1566 - 1625) trình lên chúa Nguyễn, kèm với 720 bảng Anh và 1.000 peso (ước tính theo thời giá hiện hành là 800 bảng Anh). (Theo Li Tana (1998), Nguyễn Cochinchina - Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, New York, tr.75).

Tuy nhiên, cuộc tiếp xúc đầu tiên này kết thúc ngay khi Peacock và Carwarde từ trần trên đường trở về và toàn bộ hàng hóa họ mang theo đều bị mất (Theo Ngoc Dung Chan (2021), Anglo - Vietnamese diplomatic relationship in the seventeenth century: the case of the English East India Company, International Journal of Asian Studies, tr.4).

Tiếp tục nỗ lực thiết lập quan hệ với chính quyền Đàng Trong, năm 1617, Richard Cocks lại cử Edmond Sayer và William Adams đến Faifo. Ngày 23.3.1617, sứ đoàn bắt đầu cuộc hành trình đến Cochinchina trên thương thuyền “Gift of God” cùng với các hàng hóa xa xỉ phẩm và một số mặt hàng đến từ nước Anh như vải khổ rộng, hổ phách và kính mắt. (Theo Ngoc Dung Chan, sđd, tr.4).

Trong cuộc tiếp kiến lần này, EIC đã nhận được lời hứa của chúa Nguyễn về một nền thương mại không giới hạn và phi thuế quan. Tuy nhiên, sứ đoàn dường như không thu được bất kỳ lợi nhuận nào từ việc bán các hàng hóa mang theo và riêng đối với cá nhân Adams, ông đã bị thất thu ít nhất 800 taels (lượng) tiền đầu tư. (Theo Li Tana, sđd, tr.75).

Những nỗ lực bất thành

Do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, trong vòng hơn 70 năm sau đó, EIC không có bất kỳ động thái nào thể hiện mong muốn duy trì hoạt động thương mại thường xuyên với Đàng Trong (nói chung) và Hội An (nói riêng).

Phải đến những năm cuối cùng của thế kỷ 17, nhận thấy tiềm năng của thị trường Đàng Trong cho mặt hàng tơ lụa, EIC mới thúc đẩy trở lại quan hệ với chính quyền chúa Nguyễn.

Ngày 18.8.1695, Thomas Bowyear (đại diện của EIC) trên chiếc tàu Delphin đã đến Cù Lao Chàm. “Ngày 18 vào buổi sáng, chúng tôi thả neo độ 46 sải nước sâu, phía đông các hòn đảo Champello và cách ba dặm” (Theo BAVH (2001), Những người bạn cố đô Huế, tập VII (1920), NXB Thuận Hóa, Huế, tr.238).

Trong lần tiếp xúc này, Thomas Bowyear đã mang theo bức thư của N. Higginson - Trưởng đại diện của EIC tại khu vực Duyên hải Coromandel, Vịnh Bengal, Sumatra và Biển Đông, và một số tặng vật theo đúng nghi thức ngoại giao.

Bức thư này nhân danh công ty xin được phép bán những hàng hóa do tàu Delphin chở đến và mua những sản phẩm trong nước và đến năm sau gửi sang một chuyến tàu nữa. Nhiệm vụ chính của Thomas Bowyear là tìm hiểu khả năng thiết lập một thương điếm của EIC tại Đàng Trong (Hội An) kèm theo các đặc quyền mà công ty yêu cầu (Theo BAVH, sđd, tr.235).

Bên cạnh đó, Thomas Bowyear cũng được trao thực hiện một số chỉ thị riêng của Hội đồng Madras như phải điều tra về các tên và tước vị của nhà vua, hoàng gia, những quan chức chính...

Ngay từ ngày 21.8.1695, Bowyear cử người được ủy nhiệm lên bộ. Ngay hôm sau, đích thân viên mại biện này khởi hành đi Hội An. Bowyear liên hệ với các nhà chức trách địa phương và trao cho họ bức thư gửi đến nhà vua.

Tàu được dẫn vào cảng và bỏ neo trước trạm quan thuế. Các viên quan tàu vụ tiến hành mọi thủ tục, khám xét hàng hóa chở trên tàu, bốc lên một khoảnh đất, thu thập các mẫu để đệ trình lên triều đình.

Ngày 4.10.1695, Bowyear rời Hội An và đến Dinh trấn Thanh Chiêm (ông gọi là Dinh Claye). Do nhiều công vụ bận rộn, đến ngày 24.2.1696, Bowyear mới trở lại Hội An. Tuy nhiên, thực tế chờ đợi ông lại khá khắc nghiệt khi một phần hàng hóa (như Sarasse, Beetela, Mulmul, vài chúc -bâu, gỗ đỏ, lưu huỳnh) không bán được, phần khác bị hư hại hoàn toàn.

Bowyear cố gắng hết sức để thu thập số hàng hóa bị thất thoát. Vào ngày 24.3.1696, sau khi đã chuyển lên tàu tất cả những gì ông thu nhặt được trong số các hàng hóa không bán được, ông tỏ ý muốn lên đường. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau và nhất là vì gió mùa đã qua đi, người Anh quyết định ở lại Hội An chờ đợi đợt gió mùa tiếp theo.

Bản báo cáo của Bowyear

Bowyear tận dụng thời gian lưu lại Hội An để viết bản báo cáo (đề ngày 30.4.1696). Bên cạnh việc thuật lại diễn trình của chuyến đi, Bowyear đã dành khá nhiều dung lượng đề cập về Hội An và hoạt động thương mại của cảng thị này. Theo ông: “Faifo nằm cách cửa sông khoảng ba dặm.

Đây là một con đường phố, dọc theo sông, có hai dãy nhà, khoảng chừng 100 ngôi nhà, của người Trung Hoa, ngoại trừ bốn hoặc năm gia đình người Nhật. Mấy người Nhật này, ngày xưa là cư dân chính yếu, và là những người làm chủ việc bán buôn tại cảng.

Nhưng vì số người giảm đi và họ sa sút, nay việc buôn bán là do người Trung Hoa, với mười cho đến mười hai chiếc thuyền là tối thiểu cứ hàng năm đến đây từ Nhật Bổn, Quảng Đông, Xiêm La, Cao Miên, Mani và gần đây là Batavia” (Theo BAVH, sđd, tr.250).

Trong bản báo cáo, Bowyear đã gửi kèm “Thư của vua Đàng Trong gửi cho Nathaniel Higginson”. Lá thư này được viết ra bằng những lời lẽ ân cần bày tỏ mọi việc đều được thu xếp rất tốt đẹp và cho phép mở ra một tương lai cho quan hệ thương mại giữa hai bên.

Thế nhưng, hoặc vì những lời đảm bảo không tỏ ra đủ sức thuyết phục đối với Công ty Đông Ấn Anh, hoặc những kết quả từ chuyến đi của tàu Delphin không được tốt như mong đợi nên mọi ý tưởng liên kết thương mại đều không được thực hiện.

Năm 1777, công ty Anh lại cử Chapman đến điều tra và tiếp theo năm 1793, Barrow cũng đến Đàng Trong. Nhưng thời gian này diễn ra cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn và Nguyễn - Tây Sơn nên việc buôn bán ở Hội An không có kết quả. Thực tế thương mại biển của Anh ở Hội An tuy có nhưng rất hạn chế, gián đoạn, gặp nhiều trở ngại và sớm chấm dứt.

VĨNH LINH