Nghĩ ở làng Mực
Ngay cổng vào UBND huyện Nam Giang, phía bên phải, có con đường thấp nhỏ, đó là lối dẫn vào thôn (làng) Mực thuộc thị trấn Thạnh Mỹ.
Căn cớ ám tôi phải một lần tới đây, bởi do cái truyện của ông Nguyễn Chí Trung có anh Nhất du kích bắn rơi máy bay Mỹ bằng một phát súng trường vào năm 1963.
Cũng nói thiệt, tôi thích đoạn trả lời phỏng vấn của ông Trung trên báo Quê Hương tháng 8.2012 nói nguyên do có truyện ngắn Bức thư làng Mực chứ không phải thích cái truyện đó, nói về anh Nhất thế này: “Con người ấy, lâu nay lẩn khuất không ai biết tên, biết mặt, tâm hồn chất phác, sự căm thù quân giặc thăm thẳm như đống than hồng vùi tro, âm ỉ mãi, tôi chưa thể hiểu thấu.
Quê hương anh không gần dòng A Vương lắm đâu, nhưng dòng A Vương lấp lóa chảy dưới vòm trời ngày nắng lại là tiếng gọi róc rách mà vang động trong mỗi con người ở miền núi phía tây Quảng Nam. Không diễm phúc nào hơn đối với đời viết khi biết được một con người như thế”…
1. Rồi tôi cũng tìm ra được vợ con ông Pơ Loong Nhập - là anh Nhất trong truyện đó. Chị Pơ Loong Phí - con gái ông đang ở nhà, khi tôi tìm hai người con trai nhưng họ đã lên rẫy. “Hình như ông già mất năm 1994 - 1995 chi đó, em không biết, không nhớ được chi hết, lúc đó còn nhỏ mà” - chị cười - “có báo tử đâu, cũng chẳng cúng giỗ như người Kinh”. “Em bao nhiêu tuổi?”. “37”. “Có mấy đứa con?”. “4”. “Sao không đi làm?”. “Không ai ngó con”.
Tám giờ sáng, nắng đã gắt trên ngọn keo và những cây sao đen già. Ngay đầu dốc vào cổng thôn, trong cái chòi nứa, 6 người phụ nữ đang túm lại cười nói. “Chồng em đi làm rẫy, phụ hồ, đụng chi làm nấy”. “Hộ nghèo hay không ?”. “Nghèo chứ”. “Làm được bao nhiêu rẫy?”. “Có ít thôi”. Đôi mắt thản nhiên vốn cố hữu của người miền núi, thoắt bỗng khác đi, cộm lên nỗi bực dọc: “Đó, vườn cỏ mọc lút, có rau bắp chi được đâu, bò phá hết”.
Nạn trâu bò thả rông phá hết rẫy, vườn nhà dân ở thôn Mực nói miết bao năm rồi, ai nói cứ nói, bò đi cứ đi. “Sao không chặn được?”. Ông A Rất Then - Bí thư chi bộ thôn ngồi cạnh tôi e hèm: “Tháng nào chi bộ cũng họp, nói miết, tuyên truyền, đưa lên tới huyện mà có tìm được giải pháp đâu”. Giải pháp ở người chứ bò có cần biết chi. “Đâu chỉ bò, trâu bò thôn Mực đâu anh” - ông Then phân trần - “các thôn cũng thả về đây”.
“Không làm được chi hết” - chị Phí nói - “đất của mình, tiền, đồ ăn ở đó mà chịu đói cũng vì trâu bò. Không có khu đất lớn để làm trại lớn. Muốn làm thì phải có hàng rào lưới B40 mà mình không có tiền”. “Thôn có bao nhiêu hộ nghèo?”. “23/147 hộ” - ông Then trả lời.
“Những hộ kia làm chi mà thoát nghèo?”. “Họ đăng ký thoát, đi làm lung tung, thoát nghèo nhưng không bền vững”. “Là thôn của thị trấn, có hưởng lợi chi nhiều so với thôn khác ở xã khác không?”. “Thì cũng chương trình dự án”. “Cái này chỗ nào cũng có”. Nghe tôi cãi lại, ông Then ngồi im.
“Chị em muốn đi làm phụ cho chồng cũng khó vì không ai trông con” - ông nói - “trước đây có tổ trồng nấm do được tài trợ, nhưng vốn ít, phôi ít, thu nhập thấp, nên chỉ còn được vài hộ. Nhu cầu mua thì nhiều nhưng không có vốn để làm”. “Vùng cao được ưu tiên hơn đây” - chị Phí lên tiếng - “họ là biên giới nên được đủ thứ, ở đây chẳng có chi”.
Ông Then tiếp: “Mấy năm trước, bà con nói ăn tết ớt là đủ sướng, tức là vườn rẫy không bị trâu bò phá, tới tết, chỉ cần bán ớt là đủ sắm sửa, còn rau, bí, bắp, chuối nữa, có thiếu chi. Chừ thì ít lắm rồi, chỉ mấy bà già chiều ra đường bán. Nói rứa chứ đời sống đỡ hơn trước, nhà xây, hố xí nhiều hơn…”. Ngồi đối diện, chị Phí thở dài…
Khổ vì trâu bò. Một người ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ nói “anh viết được, đánh động được, có hiệu quả, dẫn tới chặn được nạn trâu bỏ thả rông ở thôn Mực, dân làng cúng anh con heo to!”.
Nói như vậy để thấy ngậm ngùi là dân la trời, khổ sở, bó tay như con thú trúng bẫy dính thò vì trâu bò. Tập quán chăn thả lung tung, lang thang như dân du mục lâu nay ở đây khiến canh tác nương rẫy của dân thất bại hoàn toàn. Tôi nghĩ, ủa, vai trò già làng trưởng bản, chính quyền ở đâu?
Dùng luật tục của làng, ai để trâu bò lung tung, phá đồ người khác, là phạt chủ, thậm chí bắt nhốt trâu bò luôn, bắt đền, căng hơn nữa là công an vào cuộc, phạt hành chính. Không làm mạnh chứ không phải không làm được.
Anh A Rất Bước ở làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ nói, rằng làm đâu có khó mà khó ở chỗ có chịu quyết liệt làm không, bởi trâu bò có chủ, phá hoại hoa màu người khác thì chủ phải chịu, chứ nói mà không làm, thì kêu ca làm chi cho mệt…
2. Làng Mực nằm trọn ở thung lũng, có hai lối vào. Giờ đã có đường Trường Sơn Đông, nên càng dễ đi. Chiếc trực thăng Mỹ bất ngờ bị anh thanh niên Pơ Loong Nhập bắn một phát bốc cháy, chuyện đã mù tít xa xôi rồi, may lắm là nhắc ai đó nhớ khi nó đi vào văn thơ.
Vợ ông Nhập - bà A Rất Thị Ranh cũng không nhớ. “Lúc đó mế còn nhỏ, chạy giặc lên vùng cao mà”. Bà cười móm mém. 80 tuổi, một đời còng lưng trên rẫy và đàn con sinh 9 chết 4, giờ bà như cây sả đã héo khô; ba cái vòng đeo cổ, một cái bằng bạc, hai cái mã não, may là còn lấp ló chút đỉnh lại tương phản gay gắt với gương mặt như khe suối chồng lên nhau trong nắng chiều sắp tàn sau núi.
“Mế không nhớ ông chết năm mô, có biết chữ mô mà, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không có anh chị em, mế sống nhờ anh em. Hồi ông còn sống, họ cho tiền dịp chi đó, được 20 ngàn đồng…”.
Từng lời bà như giọt mưa lất phất hiếm hoi ập đến ngoài sân, rơi xuống phiến đá nung đỏ cháy không kịp bốc hơi, kèm nụ cười không thành tiếng. Con dâu bà đứng cạnh nói chuyện bằng tiếng Cơ Tu với mẹ, lát sau tôi được phiên dịch lại là, hồi đó, có anh sĩ quan quân đội đến hỏi công lao, lấy hết giấy tờ về ông Nhập, nói sẽ làm chính sách, nhưng biệt tăm luôn…
Con trai bà là Pơ Loong Phơi - đội viên của làng. Phơi đi vắng. Bà ở chung với con đầu, nhưng xuống làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ chăm cháu. Bà lặp lại: “Ừ, có nghe ông bắn máy bay, lúc đó chưa cưới mà, mế cũng không có hưởng chính sách người cao tuổi, giấy tờ làm rồi mà chưa thấy”.
Hóa ra, ông Nhập cũng là tay… ghê gớm. Đời vợ trước có 7 đứa con, chết hết, bà chết, ông lấy bà Ranh là em ruột vợ. “Mế không ưng ông, nhưng hết thế rồi…” - bà buông lời, như kể chuyện của ai đó.
Hai đứa cháu nội quấn lấy bà. 10 đến 15 năm nữa, nó là thế hệ thanh niên của làng. Chuyện về ông nội, không biết có ai kể cho nó nghe không. Hãy thừa nhận, rằng lớp trẻ bây giờ không quan tâm nhiều chuyện hôm qua và cũng đừng ép nó phải biết, bởi mọi thứ sẽ trôi tuột nếu hiện tại không khiến nó thích thú, hạnh phúc.
Ông A Rất Then nói, thanh niên đi làm ở Hòa Khánh, đứa thì ở nhà phụ hồ, không có chuyện chi thì ngồi nhà chơi. Bà Ranh cứ lặp lại lẩm nhẩm mế không biết chữ, mồ côi mà, như giai điệu cô quạnh tấu lên xót đắng. Bao lớp người đã quên mình đi dưới tán lá rừng, nhưng chắc chắn đến lớp trẻ hiện tại, nó chẳng chịu cái cổng làng phong kín đời mình.
15h30, tôi ra đường 14B ngay trước cổng UBND huyện Nam Giang, gần 10 người phụ nữ tuổi gần hoặc như bà Ranh xếp hàng ngang dọc đường bán vài ba lon ớt, vài bó rau dớn, lá giang, trái thơm, mỗi thứ 10 ngàn đồng, kết quả của một ngày con cháu hoặc chính họ lội rẫy, vượt núi kiếm tìm, mà họ than rằng nắng kinh quá rau chết hết.
Chẳng có ai trẻ trong dãy người trật tự ngồi và im lặng, không mời chào bán mua. Tôi tìm không ra cái nghĩa Mực ở đây là chi, khi bất kỳ tên làng nóc nào ở miền núi đều được sinh ra từ một câu chuyện chi đó, chứ không thể chiết tự và tán là tối, là im lặng, là… Tin mới nhất tôi có được, là có một công ty may đang tuyển người ở thị trấn…