Hiến kế, cam kết cải thiện năng lực cạnh tranh

TRỊNH DŨNG - DIỄM LỆ (thực hiện) 01/07/2022 06:03

Năm năm liền nằm trong nhóm tốt, tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất nước (2015 - 2019), nhưng hai năm liên tiếp (2020 & 2021) Quảng Nam bị rớt hạng chỉ số này. 

PCI hay DDCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành) có thể đo lường được chất lượng điều hành kinh tế, tạo sức ép cải cách nên được các địa phương chọn lựa. Năng lực điều hành kinh tế của các cơ quan công quyền đặt dưới quyền giám sát, cho điểm của doanh nghiệp đã buộc các cơ quan này vào tâm thế phải thường xuyên cải cách.

Việc nâng hạng hay đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cũng là một trong những nội dung được quan tâm để xây dựng hình ảnh và thương hiệu Quảng Nam bằng những kế hoạch và cam kết cụ thể. Phóng viên báo Quảng Nam ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh kế hoạch cải cách các chỉ số này.

Sự năng động của lãnh đạo tỉnh đã kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư, mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra hiện trường một dự án đầu tư ở vùng Đông. Ảnh: T.D
Sự năng động của lãnh đạo tỉnh đã kịp thời giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư, mang lại sự hài lòng cho doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra hiện trường một dự án đầu tư ở vùng Đông. Ảnh: T.D

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam: “Đo lường chất lượng thực thi chính sách”

Nếu nhìn vào chỉ số PCI 2021, Quảng Nam không phải là tỉnh đi theo chiều hướng tiêu cực mà có nhiều điểm cải thiện, khi nằm trong tốp 20 tỉnh, thành có chất lượng điều hành cao nhất. Điều này thể hiện, so với chính mình thì địa phương có sự thay đổi tích cực, nhưng so với nhóm các tỉnh, thành đứng đầu thì tốc độ thay đổi PCI còn chậm trước sự quan sát, đối sánh của doanh nghiệp.

 

Đây là thông điệp cho Quảng Nam phải quyết liệt, nhanh chóng, mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các cuộc điều tra cho thấy một điều rất rõ ràng là doanh nghiệp vẫn nhìn nhận các chủ trương, chính sách của tỉnh đúng, phù hợp, nhưng đang gặp vấn đề về chuyện chuyển tải những thông điệp này xuống thành hành động cụ thể của bộ máy chính quyền cấp cơ sở.

Sự khác biệt lớn nhất của Quảng Nam là doanh nghiệp cho rằng việc thực thi của cấp chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý trước những chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh còn yếu, cho thấy không gian cải cách còn rất lớn.

Sắp đến, Quảng Nam cần ưu tiên đẩy mạnh chất lượng thực thi của chính quyền các cấp, sở, ngành. Vì, có thể ban hành chính sách rất tốt (các tỉnh, thành cũng vậy), nhưng khác biệt chính là chất lượng thực thi, làm sao cho doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều thấy được độ thực thi thuận lợi, hỗ trợ tối đa của bộ máy nhà nước là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Quảng Nam đã có những bước chuyển rất bài bản. Chẳng hạn như chuyển đổi số, đầu tư kết nối các sở, ngành, địa phương, có bản đồ thể chế đánh giá mức độ thực thi chính sách của các cấp địa phương và sở, ngành (ví như thực thi các thủ tục hành chính có đúng hạn hay không?), có thể thống kê theo thời gian thực (ngày, tuần, tháng...) sẽ giám sát được sự chuyển đổi của cuộc cải cách.

Nếu những “sáng kiến” này làm quyết liệt, kết nối thông suốt sẽ giúp cho chất lượng thực thi chủ trương, chính sách của địa phương được cải thiện trong thời gian đến. Đây là vấn đề quan trọng, không dễ, nhưng sẽ dễ dàng theo dõi, đánh giá việc thực thi của bộ máy chính quyền các cấp, sở, ngành.

Không chỉ soi rọi việc đánh giá cải thiện trong việc thực hiện thủ tục hành chính mà còn đánh giá về đầu tư công, tiếp cận thông tin, sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân... Những bước chuyển bài bản, đầy nền tảng này có thể sẽ tạo ra sự thay đổi về mặt dài hạn năng lực điều hành kinh tế địa phương.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Không một ai đứng ngoài cuộc cải cách”

Không một cơ quan, địa phương nào đứng ngoài cuộc cải cách. Kết quả sẽ được đo lường bằng tác động của chính sách, cơ chế, chủ trương trên thực tế, cam kết thời gian thực thi cụ thể bằng những phần mềm quản lý (từ giải quyết dứt điểm kiến nghị doanh nghiệp, phản ảnh hiện trường, tháo gỡ vướng mắc, hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, quản lý đầu tư, bản đồ số, dữ liệu đất đai...).

 

Kế hoạch cải cách PCI sẽ được tích hợp, thông qua bản đồ thể chế (“bandotheche.quangnam.gov.vn”), giám sát và chấm điểm hàng ngày, buộc các cơ quan, địa phương phải tìm hướng cải cách hiệu quả. Sẽ công khai, minh bạch tất cả dữ liệu liên quan đến chính sách, cơ chế đầu tư, quy hoạch..., đề ra kế hoạch cải thiện PCI từng năm, và năm 2023.

Không chỉ chính quyền cấp tỉnh mà địa phương cấp dưới, cơ quan quản lý cũng phải đề ra kế hoạch cải thiện năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế thông qua sự phân cấp, phân quyền, ủy quyền, có hệ thống giám sát cụ thể, rõ ràng, thực chất.

Chính quyền sẽ sắp xếp, điều chuyển, bố trí những con người thừa hành có đủ năng lực để thực hiện những cam kết, chủ trương đúng, chính sách hợp lý đến với cộng đồng doanh nghiệp.

Các sở, ngành, địa phương buộc phải có bộ phận đầu mối theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm bảo đảm kế hoạch đạt mục tiêu cải thiện các chỉ số thành phần PCI do đơn vị mình phụ trách.

Sự chuyển biến từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức, viên chức thấp nhất để của cải thiện năng lực cạnh tranh. Nếu từng công chức, viên chức chưa thay đổi thì những sáng kiến, cam kết, quyết tâm sẽ không có nghĩa.

Nếu từng công chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp, người dân, vì sự phát triển của địa phương, họ sẽ thay đổi cách làm, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn thì các nghị quyết, kế hoạch mới thực sự tác động vào đời sống. Đó là lý do, chính quyền sẽ xây dựng giáo trình phổ biến về PCI, DDCI, mở các lớp tập huấn thông tin cho cán bộ công chức.

Các nội dung liên quan đến các chỉ số sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy, bồi dưỡng cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức, học viên tại Trường Chính trị tỉnh. Sẽ tăng cường công khai các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp để phát huy tối đa vai trò của người dân, doanh nghiệp trong giám sát, phản biện đối với các hoạt động quản lý nhà nước của các ngành, các cấp.

UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D
UBND tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp doanh nghiệp định kỳ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: T.D

Quảng Nam chọn một lối đi riêng để có thể tạo dựng hình ảnh địa phương thông qua cải thiện PCI. Một cuộc cách mạng về nhận thức sẽ được triển khai. Chính quyền đã đưa ra một hệ thống đánh giá, theo dõi, giám sát kết quả thực thi, để hiểu những chương trình, kế hoạch của chính mình đưa ra có thực sự lan tỏa đến hết địa phương hay sở, ban, ngành hay không. Từ đó có thể đo lường được kết quả tác động đến doanh nghiệp trên thực tế bằng sự minh bạch, cam kết thời gian thực thi.

Ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng: “Tạo động lực cạnh tranh lành mạnh về chất lượng điều hành”

DDCI là bộ chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh doanh của các sở, ngành, địa phương. Đây là công cụ đo lường cụ thể, nhận diện rõ những mặt đã làm được và những điểm hạn chế phải tập trung khắc phục, một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch, tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý kiến xây dựng bộ máy điều hành, xác định được những điểm nghẽn, những mô hình, cách làm tốt trên thực tế để cải thiện.

 

PCI đã xếp hạng các tỉnh về môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng nếu không có DDCI, sẽ không biết được những ưu, khuyết ở cơ quan nào nên độ khắc phục khó khăn.

Công cụ này giúp cụ thể hóa, địa chỉ hóa những vấn đề, lĩnh vực tích cực, hạn chế, một nguồn thông tin hữu ích cho việc đánh giá lại một số chính sách liên quan đến doanh nghiệp, giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để đưa ra những quyết sách hợp lý, đồng thời có cơ sở đưa ra những chỉ đạo, giám sát việc thực thi chủ trương, chính sách của các sở, ngành, địa phương.

DDCI được kỳ vọng như một công cụ “truyền lửa” cải cách mạnh mẽ từ tỉnh xuống cấp sở, ngành, địa phương. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo chuẩn mực đối với chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền. Cơ hội này để nhận diện, tự soi, tự sửa và khắc phục cho được những mặt hạn chế, thiếu sót trong quá trình hoạt động. Sẽ tạo ra động lực thi đua sôi nổi, cạnh tranh lành mạnh về chất lượng điều hành kinh tế giữa các cơ quan công quyền.

Thực tiễn PCI trên cả nước nhiều năm qua cho thấy nhiều địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Quảng Ninh… sau khi triển khai DDCI đã được doanh nghiệp chấm điểm tốt. Điều quan trọng hơn DDCI đã chính thức được Chính phủ xem như thêm một giải pháp để các địa phương kiện toàn môi trường đầu tư, kinh doanh.

Triển khai đánh giá DDCI là cần thiết để góp phần thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI. Không đơn thuần chấm điểm, xếp hạng, bộ công cụ này còn chỉ ra cụ thể điểm mạnh, yếu, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị giúp cho cơ quan công quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ông Lê Minh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam - Chi nhánh Đà Nẵng: “Cải thiện môi trường đầu tư toàn diện, đồng bộ”

Ngoài các chỉ số kinh tế thì các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thể chế môi trường đầu tư tốt, ổn định, chỉ số năng lực cạnh tranh để họ có thể quyết định đầu tư nhanh hay chậm.

 

Quảng Nam đang có lợi thể ở môi trường đầu tư miền Trung, có đủ cơ hội lớn để bức phá mạnh trong thu hút FDI khi có nhiều nét nổi bật (ban hành cơ chế, chính sách, giải quyết thủ tục đầu tư tốt...).

Theo thống kê, đầu tư FDI (lũy kế đến tháng 5.2022), địa phương đã thu hút 225 dự án (6,1 tỷ USD vốn đăng ký), xếp vị thứ nhất trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Điều này cho thấy địa phương có những lợi thế cạnh tranh và tiền đề quan trọng cho để tăng cường thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Vị trí địa lý thuận lợi kết nối liên vùng, hạ tầng, tiện ích xã hội đồng bộ, dư địa lớn để có thể phát triển các ngành kinh tế quy mô lớn và thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, theo khảo sát, phân tích, con số này vẫn hạn chế, chưa tương xứng và đánh giá đúng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Giai đoạn mới, định hướng chiến lược phát triển, Quảng Nam cần xác định được mối tương quan và vai trò với các địa phương khác trong khu vực, xem Quảng Nam là cực tăng trưởng của vùng, đặc biệt là Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Xác định các ngành nghề mang tính chiến lược, tạo đột phá, lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Quảng Nam mà liên kết với các địa phương trong vùng, khu vực Tây Nguyên, Nam Lào. Xác định tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm, khơi thông nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, manh mún.

Hiện khu vực phía bắc (Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc, Duy Xuyên) giáp Đà Nẵng từ lâu đã là khu vực tăng trưởng của tỉnh. Song, dư địa, không gian phát triển không còn nhiều. Do vậy cần tiếp tục ưu tiên quy hoạch, đầu tư mở rộng các khu, cụm công nghiệp theo tiêu chí tăng trưởng xanh, thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ hiện đại, tiên tiến.

Chất lượng điều hành kinh tế là một tiêu chí để nhà đầu tư FDI lựa chọn. Cần đổi mới, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư hoàn thiện, đồng bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, xúc tiến đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn lao động phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Từng bước nâng cao năng lực đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”

Kết quả PCI Quảng Nam năm 2021: đào tạo lao động đạt 6,24 điểm (giảm 0,31 điểm nhưng tăng 10 bậc so với năm 2020); 67% doanh nghiệp đánh giá lao động tại địa phương đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp (giảm 30% so với năm 2020).

 

Đến nay, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh được đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Riêng đối với hệ thống GDNN công lập thuộc tỉnh đã thực hiện sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN hoạt động không hiệu quả; sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ở các cấp trình độ với quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành, nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến ngày 31.12.2021, trên địa bàn tỉnh có 28 cơ sở tham gia hoạt động GDNN, trong đó có 7 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN và 8 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.

Các cơ sở GDNN đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị đào tạo đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động GDNN từ nguồn kinh phí của trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tài trợ và nguồn xã hội hóa.

Quy mô đào tạo của các cơ sở GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu cung ứng một số lượng lớn công nhân kỹ thuật, với nhiều cấp trình độ và đa dạng về ngành nghề. Cơ cấu ngành nghề đào tạo của các cơ sở GDNN từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh; đã mở thêm nhiều ngành nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.

Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo cuối năm 2021 đạt 67% (tỷ lệ này năm 2007 là 24,7%); trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 27% (tỷ lệ này năm 2016 là 21%).

Đồng thời với việc phát triển quy mô, ngành nghề đào đào tạo, các trường cao đẳng, trung cấp cũng đã được đầu tư, phát triển các ngành, nghề trọng điểm, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam, vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Ngành LĐ-TB&XH luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp và nhân dân trong việc đào tạo, giới thiệu việc làm, kết nối tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Bám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo các ngành, nghề trọng điểm của tỉnh.

Xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, công khai trên cổng thông tin của tỉnh trong lĩnh vực lao động, việc làm; phát huy các sàn giao dịch việc làm để phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Ngành sẽ tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi (vốn, tín dụng, thuế, đất đai…) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực đào tạo lao động, cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ: “Chính sách về thu hút đầu tư liên quan đất đai vẫn là rào cản lớn”

Trong cải thiện môi trường đầu tư, TP.Tam Kỳ đã vào cuộc tích cực, có những động thái cụ thể nhằm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư. Chúng tôi xác định nhà đầu tư đến đây chính là giúp cho thành phố ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, giải quyết việc làm cho lao động, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

 

Tam Kỳ đã làm một số việc trong thời gian qua gồm hoàn thiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, trong đó có điều chỉnh phù hợp với tầm nhìn và chiến lược phát triển đầy đủ các thiết chế xã hội.

Thành phố cũng đã đề xuất các dự án lớn, dự án đô thị - thương mại - dịch vụ mang tầm vóc, có diện tích trên 300ha đến hàng ngàn héc ta, đảm bảo tiêu chí xanh - thông minh - bảo tồn các giá trị thiên nhiên - văn hóa - lịch sử. Chúng tôi cũng ưu tiên tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm năng, có đẳng cấp, mạnh về tài chính, có thương hiệu, ưu tiên dự án có yếu tố công nghệ cao, an toàn với môi trường.

Trong kêu gọi đầu tư, Tam Kỳ thực hiện đúng quy định pháp luật hiện hành, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch. Với nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự án, Tam Kỳ cùng các ngành của tỉnh hỗ trợ tích cực trong thực hiện thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư và nhân dân có được tiếng nói chung.

Trong việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, theo tôi thấy vẫn còn những rào cản nhất định. Trong đó, chính sách về đất đai vẫn còn là rào cản lớn. Vì vậy cần thiết có quy hoạch đúng hướng và tầm nhìn dài hạn, hạn chế sự thay đổi sẽ tạo tác động.

Chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cần mang tính ổn định, lâu dài và thông thoáng; quy trình thực hiện phải được kiểm soát chặt chẽ và có thời gian thực hiện cho từng công đoạn, bởi hiện nay chưa có quy định thời gian cho nội dung này.

Thủ tục hành chính về đất đai cũng cần phải ngày càng tinh gọn, hiện đại, công khai hơn để nhà đầu tư biết, chủ động trong việc tính toán kế hoạch đầu tư cho dự án của họ.

Đối với việc năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, đòi hỏi không chỉ có người đứng đầu mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của từng cán bộ, chuyên viên tham gia vào việc giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp.

Mỗi cán bộ cần xem việc giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp là trách nhiệm trong công việc, chủ động hỗ trợ, tư vấn, giải quyết khó khăn cho nhà đầu tư chứ không nên xem đó là việc của riêng nhà đầu tư, mà hai bên cần có sự cộng hưởng, cùng nhau tháo gỡ khi có khó khăn, vướng mắc.

TRỊNH DŨNG - DIỄM LỆ (thực hiện)