Mưu sinh bắt ốc trên vách đá ban đêm
(QNO) - Băng rừng lội suối, vào tận những vách đá cheo leo trong đêm tối, một nhóm người dân xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước) đã chấp nhận hiểm nguy để bắt ốc mưu sinh.
Khoảng 17 giờ chiều hàng ngày, một nhóm hơn 10 nam, nữ từ thanh niên đến trạc tuổi 60 ở xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc đèo nhau trên những chiếc xe máy, vượt hơn 8km đường rừng núi, qua nhiều con dốc đựng đứng, ngoằn ngoèo để vào suối Đá Mài và suối Nà Cau (xã Tiên Lãnh) bắt ốc.
Dụng cụ mang theo của nhóm người săn ốc gồm đèn pin đội sẵn trên đầu, vài gói mỳ tôm, nước lọc để dùng khi đói, túi đựng sản vật rừng. Để quan sát ốc vào ban đêm, người dân đi thành hàng dọc theo khe suối, thanh niên có sức khỏe, am hiểu địa hình đi trước, phụ nữ theo sau.
Tối ấy, Nguyễn Hải Lương (SN 1987) và Huỳnh Đức Thành (SN 1993) cùng ở thôn 2, xã Tiên Ngọc chọn hướng suối Đá Mài để bắt ốc, vì nơi đây nhiều khe đá, bụi cây rậm thích nghi cho loài ốc trú ẩn. Ban ngày ốc ẩn nấp ở dưới lớp đất bùn cát, đến tối mới bám lên các tảng đá dưới hoặc cành cây mục, cỏ... để ăn rong rêu.
Ông Lương cho biết, nghề này diễn ra quanh năm, thường bắt đầu từ 17 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau; trừ những ngày mưa lớn, nước đục và ngày Rằm, mồng Một âm lịch, nhóm bắt ốc mới ở nhà. Người dân đi bắt ốc ban đêm chia theo nhóm khoảng 3 - 4 người, để hỗ trợ nhau lúc gặp nguy hiểm như rắn cắn, vấp ngã… và thêm dạn dĩ hơn.
Mỗi đêm cả nhóm có thể bắt được 10 - 20kg, ốc được bán trực tiếp cho người lưu thông trên đường hoặc bán online với giá dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi người kiếm được từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/đêm.
“Nhà có vài sào ruộng làm nước trời, tới 6 miệng ăn, tôi làm thợ sửa điện tử ở nhà, vợ chăm con, đời sống kinh tế khó khăn. Vì vậy, thời gian nhàn rỗi tôi lại vào rừng, lội suối để bắt ốc mò cua, bán kiếm thêm tiền mua sữa, dầu ăn, nước mắm... Nghề này tuy vất vả nhưng cũng có dư dả chút đỉnh" - ông Lương chia sẻ.
Có nhiều năm kinh nghiệm bắt ốc, bà Võ Thị Liên (50 tuổi, thôn 2, xã Tiên Lãnh) cho hay, mỗi tối bà thường rủ 3 người phụ nữ cùng thôn đi bắt ốc qua nhiều con suối. Trước khi đi bắt ốc, cả nhóm chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thực phẩm. Ốc bắt được mang về chia đều cho nhau.
Ốc đá sinh trưởng ở các khe suối có nhiều viên đá sắc bén dễ cắt vào chân, tay. Nhiều đoạn suối có vách đá dựng đứng, trơn trượt nếu leo trèo bất cẩn rất dễ bị té ngã. Vì vậy mà nhóm săn ốc suối thường mang dép nhựa, tất chân để hạn chế rủi ro tai nạn.
“Cả đêm không ngủ, còn bị muỗi cắn, nhưng vì kiếm thêm đồng tiền trang trải cuộc sống gia đình, tôi và nhiều chị em quên đi mệt nhọc. Đêm mô bắt được nhiều ốc, chị em thay phiên nhau vác ra xe để mang về nhà. Bình quân mỗi đêm, tôi kiếm được vài trăm nghìn đồng" - bà Liên nói.
Theo nhiều người dân xã Tiên Lãnh, trước đây, người dân trong làng đi bắt ốc để cải thiện bữa ăn trong gia đình, chứ chưa phải là nghề dễ kiếm tiền. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ ốc đá ngày càng cao, nhất là ở các nhà hàng, quán nhậu. Cho nên, bộ phận người dân vùng trung du Tiên Phước xem đây là nghề mưu sinh, kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi mùa màng.
Ốc đá được người dân ưa chuộng vì đây là loài sinh sống tự nhiên và có nhiều chất bổ dưỡng. Ốc đá sống trong khe suối rất sạch, dễ kết hợp chế biến nhiều món ăn ngon như xào, nấu canh với rau ranh… nên hiện nay thị trường rất ưa chuộng.
[VIDEO] - Người dân lội suối săn tìm ốc ở các vách đá vào ban đêm: