Nhìn lại 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Thể hiện sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm

N.ĐOAN 30/06/2022 14:38

(QNO) - Sáng nay 30.6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 30.6. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam sáng nay 30.6. Ảnh: N.Đ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Các Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gồm đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Chín - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở ngành dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam.

Xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu

Báo cáo tổng kết của Bộ Chính trị nêu rõ: Sau 10 năm, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành; sự đồng hành, hưởng ứng và tham gia tích cực của nhân dân và báo chí, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có một bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong 5 kết quả nổi bật, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương khẳng định: Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp, kỷ luật từ trên xuống dưới.

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước), trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (3 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 nguyên Ủy viên Bộ Chính trị), hơn 50 sĩ quan cấp tướng.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so nhiệm kỳ XI và gần bằng một nửa số cán bộ cao cấp bị xử lý của nhiệm kỳ XII); trong đó có 8 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Công tác cán bộ được chú trọng; cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả tích cực…

Từ thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã rút ra 7 bài học kinh nghiệm. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh: Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ hệ trọng, khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương.

Nhiệm vụ này với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ ở tất cả cấp ngành, lĩnh vực; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhất là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu và lãnh đạo chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, trước hết là đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo là chỗ dựa vững chắc, là sự đảm bảo về mặt chính trị, tạo nên động lực to lớn. Và do đó, là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - đồng chí Phan Đình Trạc đúc kết.

Hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn

Trình bày báo cáo tổng kết của Bộ Chính trị, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phan Đình Trạc, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng còn có những mặt tồn tại, hạn chế. Để phát huy những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm, trong thời gian tới cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn. Tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng quy định về xử lý xung đột lợi ích của cán bộ, đảng viên; bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, xây dựng chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp; giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp…

Trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm” (cả khu vực công và khu vực tư), đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ sai phạm liên quan các vụ án. Trong đó, có 37 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cả đương chức và đã nghỉ hưu) bị xử lý hình sự, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

N.ĐOAN