G-7 công bố dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ
(QNO) - Nhiều quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) cùng Liên minh châu Âu (EU) sẽ huy động 600 tỷ USD trong 5 năm tới cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
Tại cuộc họp thượng đỉnh G-7 diễn ra tại bang Bayern thuộc miền Nam nước Đức từ ngày 26 đến 28.6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các đồng minh trong nhóm G-7 bao gồm Canada, Đức, Italia, Nhật Bản và EU công bố khởi động sáng kiến "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu".
Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD viện trợ không hoàn lại, quỹ liên bang và đầu tư tư nhân trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ các dự án ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như cải thiện sức khỏe toàn cầu, bình đẳng giới và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Ông Joe Biden nói: "Các nước đang phát triển thường thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu để giúp đối phó với các cú sốc toàn cầu, như đại dịch. Họ cảm nhận được những tác động sâu sắc hơn và gặp khó khăn hơn trong việc phục hồi. Do đó, các dự án như vậy sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người, bao gồm cả người dân Mỹ và người dân của nhiều quốc gia".
Một quan chức Mỹ cho biết, sáng kiến trên chủ yếu hướng tới các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cạnh đó, các dự án sẽ phải tuân theo những tiêu chuẩn cao để đảm bảo rằng các khoản đầu tư này được định hướng về mặt kinh tế, thương mại và không dẫn đến nguy cơ bẫy nợ.
Tương tự, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen cho biết, EU muốn đầu tư khoảng 300 tỷ euro (khoảng 340 tỷ USD) từ đây đến năm 2027 cho sáng kiến "Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu". Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio thông báo nước này sẽ đóng góp 65 tỷ USD...
Cũng tại hội nghị G-7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, G-7 đang hướng đến việc xây dựng thêm các thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam.
Trong đó, những quốc gia bao gồm Mỹ và Anh cam kết hỗ trợ 8,5 tỷ USD để đẩy nhanh việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than của Nam Phi.
Bởi vậy, các nước trên có thể nhận được gói hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sản xuất điện từ đốt than chủ lực sang năng lượng tái tạo, đẩy nhanh quá trình khử các bon.
Được biết, ý tưởng về chương trình đầu tư toàn cầu xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2021 ở Anh. Tới hội nghị năm nay, những chi tiết của dự án được hoàn thiện. Tuy nhiên, 2 quốc gia thành viên G-7 là Anh và Pháp không tham gia vào dự án đầu tư trên.