Kể chuyện đi SEA Games...

ĐÔNG NGHI 26/06/2022 10:02

Đầu tháng 5.2022, tôi từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội để đưa tin về SEA Games 31. Ý nghĩ đầu tiên không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều đồng nghiệp là giữa 2 kỳ SEA Games Việt Nam tổ chức có gì khác nhau hay không với địa hạt truyền thông, báo chí.

Phóng viên tác nghiệp tại SEA Games. Ảnh: Phạm Tuấn Hữu
Phóng viên tác nghiệp tại SEA Games. Ảnh: PHẠM TUẤN HỮU

Hẳn nhiên, 19 năm đã trôi qua, quá nhiều thay đổi. Người hâm mộ giờ đây đã được thưởng thức trực tiếp những sự kiện thể thao lớn hơn từ Olympic đến ASIAD, từ World Cup đến EURO.

Rồi báo chí, truyền thông, cả những thế hệ làm báo cũng đã thay đổi quá nhiều, trẻ hơn, hiện đại hơn và đương nhiên là giỏi hơn. Nhưng cũng đã 19 năm, SEA Games mới quay trở lại Việt Nam.

Vì thế, sân chơi thể thao đã quá quen này vẫn tạo được “trend” đủ sức cạnh tranh trong một xã hội thông tin quá nhiều biến động, để những lớp người cũ lại được hòa mình cùng giới trẻ hôm nay.

Chiến thắng của lòng hiếu khách

19 năm trước, tôi là sinh viên vừa mới ra trường còn non nớt, nhiều bỡ ngỡ. SEA Games 22 - 2003 đọng lại trong ký ức cho đến bây giờ ở câu hát: “Nắng phương Đông chiếu sáng SEA Games, Việt Nam hân hoan chào đón”.

“Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy” đã để lại biết bao nỗi hoài niệm của tuổi trẻ khi chứng kiến SEA Games qua truyền hình. Bây giờ, sau 19 năm, Hà Nội đã rất khác. Khác về hạ tầng, điều kiện kinh tế và sự phát triển công nghệ để đăng cai một sự kiện như SEA Games. Cũng như khác cả về vị thế sau khi đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn trong gần 2 thập kỷ qua.

Sau 2 hai năm dịch giã, có thể nói tất cả bộ, ngành, địa phương đều ý thức cao độ việc biến SEA Games thành một cơ hội, thông điệp quan trọng để kích cầu mọi mặt, đặc biệt du lịch. Chúng ta đã thấy sức bật ngoạn mục của một tỉnh nhỏ miền trung du như Phú Thọ, khi bảng A bóng đá nam được đưa về đây.

Thành phố Việt Trì vốn dĩ bình lặng đã thay da, đổi thịt. Các chuỗi dịch vụ ăn theo bóng đá nói riêng, SEA Games nói chung có chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, người hâm mộ bóng đá Việt Nam xứng đáng được cả khu vực nể trọng ở độ cuồng nhiệt. Hơn thế nữa, họ còn thể hiện tính fair-play, tinh thần cao thượng của thể thao.

Với đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, khán giả được tận mắt chứng kiến các đội tuyển quốc gia thi đấu như “cơm bữa”. Trong khi những địa phương khác, chuyện này luôn nằm trong mơ của người xem.

Ở Phú Thọ thì dễ gì bởi địa phương này là “vùng trắng” trên bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam. Nhìn vào “biển người” màu đỏ ở sân Phú Thọ trong những trận đấu đã qua sẽ thấy khi bóng đá được về những vùng miền xa đô thị vẫn có sức sống vững bền. Cánh phóng viên chúng tôi cũng khó quên xúc cảm trong những chiều mưa miền trung du ngồi xem bóng đá.

Những gì còn lại...

Ấn tượng lớn nhất đọng lại ở kỳ SEA Games 31 là hình ảnh những tình nguyện viên rất trẻ trung, xinh đẹp, nhiệt tình ở sân bay, địa điểm thi đấu. Họ chính là cầu nối đầu tiên để giúp phóng viên cũng như các đoàn thể thao tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Sau những ngày thi đấu căng thẳng, khi chia tay, các tình nguyện viên vẫn thường gây lưu luyến lữ khách ở sự chịu thương, chịu khó. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay cảm động, nảy nở nên những tình bạn đẹp giữa các vận động viên, các đoàn thể thao, các phóng viên với các tình nguyện viên.

Để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này, Hà Nội phát động và thu hút hơn 5.500 thanh niên đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện. Trong số đó nữ chiếm tới 80%. Họ đều là những người có sức khỏe tốt, có phong thái tự tin, được phổ cập nhiều kiến thức sâu rộng về văn hóa, du lịch và con người Việt Nam cùng khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt.

Những ngày SEA Games, các tình nguyện viên đã góp phần tạo nên sắc thái mới cho Hà Nội cùng các địa phương Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng… Tất cả cùng nhau xắn tay, đóng góp thầm lặng cho sự thành công của SEA Games 31.

Việc tổ chức một cách suôn sẻ đại hội thể thao tầm cỡ khu vực với sự tham gia của hàng nghìn vận động viên, quan chức với 40 môn thể thao trải đều trên 12 tỉnh thành phía Bắc cũng cho thấy quyết tâm làm đến nơi đến chốn của nước chủ nhà.

Chín tháng trước, khi cả nước gồng mình để chống dịch, rất nhiều người đã ái ngại khi nghĩ về SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đã làm tốt nhất có thể, khẳng định sự xuất sắc khi tổ chức một đại hội thể thao khu vực thời “hậu Covid-19” trọn vẹn.

18 ngày hòa mình cùng nhịp sống của hơn 1.000 phóng viên trong nước, quốc tế chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp. Và những kỷ niệm về SEA Games 31 sẽ là hành trang quý cho những người làm báo, nhất là người trẻ. Từ đây, sẽ chắp cánh cho chúng tôi ở những đấu trường lớn hơn của nghiệp cầm bút thể thao.

ĐÔNG NGHI