Ông vẫn đi... bộ

TRUNG VIỆT 25/06/2022 07:46

“Bài báo đó, còn điều chi anh chưa nói không?”, tôi hỏi. “Còn chứ” - đang ngồi trên ghế, ông vụt đứng lên - “đây, em viết sai chỗ này”. Tôi nhìn ông, lấy làm lạ. Ba năm trước tôi ghé qua, có nghe ông nói chi đâu.

Ông C’lâu Blao với bài báo được viết năm 2003 và danh sách những người làm đường từ năm 1981. Ảnh: T.V
Ông C’lâu Blao với bài báo được viết năm 2003 và danh sách những người làm đường từ năm 1981. Ảnh: T.V

Năm 2003, khi tôi viết về ông in trên báo Tiền Phong rồi gửi cho ông, được ông lồng kính treo trang trọng trong nhà, giờ nó vẫn nằm đó giữa một rừng giấy khen, cũng đâu nghe nói chi?

C’lâu Blao, ông già nổi tiếng ở thôn Voòng (xã Tr’hy, Tây Giang) bởi thành tích tìm ra con đường ngắn nhất, dễ đi nhất nối liền xã Lăng và khu 7 bằng kiến thức của một người Cơ Tu học lớp 3 bữa được bữa mất trong chiến tranh…

Chỉ vào bài báo, ông nói: “Em viết sai! “Anh Pia khoát tay chỉ vào con đường xa mù trong mây và sương”. Không đúng. Lẽ ra là anh Blao khoát tay. Cái ni làm người ta xem xét lại anh…”.

Ôi trời ơi, có phải vậy đâu, tôi giải thích, rằng ngữ cảnh đó phải hiểu là lúc đó tôi đang đứng với anh C’lâu Pia - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện ngay đầu dốc của thôn và anh thuyết minh cho tôi nghe. Tôi nhắc lại hai lần, ông Blao mới gật.

“Còn chi nữa không anh?”. “Còn. Lúc làm đường năm 1981, nhiều người ở xã Lăng nói Blao mà làm được, tôi chặt bàn tay. Có người nói, làm đường mà chết, tai nạn, đem đến cho Blao ăn thịt người. Vợ cũng nói sợ lắm, nhưng anh nói làm đường cho bà con đi chứ quá khổ”.

Gần 30 năm theo nghề báo, cũng cát bụi chân ai rồi, điều có thiệt là đối diện với những người như ông, chưa từng thấy hết thú vị, bởi tôi học được rất nhiều điều mà đồng bằng không có và không hề thấy sách vở dạy.

Trên tường là giấy khen năm 1985 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là ông Phạm Đức Nam, nội dung khen ông xuất sắc mở con đường dài 251km. Đồng nghiệp đi cùng thắc mắc. Hiện giờ từ xã Lăng đến đây gần 25km, thì lấy đâu ra 251km?

Ông bật liền: “251km là đúng, lúc đó là đường quanh co, gấp khúc chứ không phải đường chim bay, sau này mở đường lớn thì nhiều đoạn đi thẳng, nên rút ngắn lại”.

Tôi có những người bạn ở núi, trẻ có già có. Những người Cơ Tu lành hiền, chân thật và không kém sâu sắc. Từ lâu tôi đã mặc định rằng, đừng nghĩ rằng mình và họ có khoảng cách lớn về suy tư.

Họ sống không gian khác, điều kiện khác, nhưng chắc chắn họ hơn tôi về rừng, về minh triết rút tỉa được từ mặt trời ủ bóng trong thẳm xanh mây ngàn và cây rừng trầm mặc. Mình không hiểu họ thì đừng vội cho rằng họ vô lý. Vô lý là do mình nghĩ.

Gần 30 năm theo nghề báo, cũng cát bụi chân ai rồi, điều có thiệt là đối diện với những người như ông C’lâu Blao, chưa từng thấy hết thú vị, bởi tôi học được rất nhiều điều mà đồng bằng không có và không hề thấy sách vở dạy. Tôi nhớ hồi đó gặp, tôi có đùa là sau này anh sắm xe mà đi. Ông cười vui vẻ.

Nhìn ông mỗi ngày càng hom hem. “Anh sinh năm 1948, nhưng thẻ đảng lại ghi là 1943, mới đây làm căn cước công dân lại là 1953. Rắc rối lắm. 4 lần bị thương khi tải lương thực, làm trinh sát, một lần gãy cột sống vì trèo cây, yếu rồi”.

Người ta gọi những người như ông là báu vật của rừng. Bài học minh triết từ rừng truyền sứ điệp qua một người nào đó, để từ họ phát lộ, xoay hệ quy chiếu vào cộng đồng.

 

“Em coi giúp anh làm hồ sơ phong tặng anh hùng được không?”. Tôi nhớ đến ông Lưu Ban một thuở làm thủy điện ở Duy Sơn 2 (Duy Xuyên). Giỏi. Nhưng ở đời, hình như phải gặp thời. Hay không bằng hên. Tôi lắng nghe nhưng không trả lời ông. Đâu có dễ.

“Người ta biết anh làm đường này, nhưng không ai nói chính anh cũng tìm ra đường từ đây đi A Xan”. “Rứa hả?”, tôi ngỡ ngàng. “Làm  đường này xong, ông bí thư ở đây nói anh Blao coi nghiên cứu đi A Xan, chứ khổ quá. Đường đi lúc đó cũng khó như Tr’hy đi Lăng. Thế là anh lại phải dò tìm, mở 20km đường, nó là đường bây giờ đó”.

Ông già cứ đi qua đi lại trong phòng khi tôi nói em phải về, trời sắp mưa rồi dù ông cứ nằng nặc bắt ở lại nhậu ở khu vườn sinh thái đang làm để đón khách lên chơi đỉnh Quế. Tôi chìm nhanh trong suy tư.

Có một độ chênh lớn trong cách xử thế của chính quyền với người tài ở núi. Chênh không phải là khác biệt về quan niệm khi mổ xẻ vấn đề, mà tên gọi của nó là hành chính và lợi ích thực tiễn trước mắt.

Những người như ông, nói bằng lời của rừng và rừng thì bao giờ cũng thâm nghiêm và huyền bí. Tôi quả quyết rằng thực trạng đời sống miền núi lẫn không gian ở đó chính đồng bào hiểu và đề xuất giải pháp hiệu quả chứ không phải chờ Nhà nước “đẻ” chính sách từ phòng máy lạnh.

Báo chí góp phần hỗ trợ tiếng nói cho họ, nhưng rồi cũng bị bỏ qua. Nói thiệt, tôi lấy làm xấu hổ rất nhiều sau những lần gặp họ, cất giùm lời họ mang theo đó là niềm kỳ vọng của mình lẫn họ, nhưng rồi như trò chơi vô tăm tích. Rất dễ dàng tránh được trách nhiệm của báo chí. Họ cũng chẳng giận. Nhưng bao lần gặp, đọc trong ánh mắt họ nỗi buồn sâu thẳm khi khó khăn, đói nghèo, nạn phá rừng, chính sách ất ơ… vẫn đeo bám, giày vò những người yêu rừng như máu thịt.

Ông lục trong đống giấy tờ ra một tờ giấy dán nối dài cả mét, đã ố vàng. “Đây là danh sách người tham gia làm đường năm 1981, gần 500 người đó. Lúc đó anh Bríu Prăm  nói với tôi là em nhớ ghi hết tên bà con nghe, sau này hoàn thành, chính quyền sẽ xem xét khen thưởng”. Giọng ông thoắt buồn: “Có hơn 100 người trong danh sách đã chết rồi, vì quá già”.

Tôi nhìn ông lần nữa. Ông cũng đã quá già và bây giờ ông vẫn đi bộ, bởi không biết đi xe đạp lẫn xe máy. Có việc xuống huyện mà không ai chở, thì đành chịu. Tôi ra về, nhìn thung lũng Voòng thấp thoáng cây rừng với mái nhà đủ màu. Mọi thứ đã khác.

Hồi đó là mấy chục nóc quây quần trên con suối Tà Coong. Tôi đã ngủ lại nhà ông, để sáng sớm bị đánh thức bởi tiếng chày giã gạo của những người đàn bà. Mọi thứ vẫn ở đó, chứ có mất đâu, nhưng sao thấy xót xa, tiếc nuối, không giải thích được.

Đỉnh Quế đã tràn mây rồi. Trời chuẩn bị mưa. Ông đứng cầu thang gật đầu. Tôi không hứa, như đã nói, cũng không hiểu ông mong được tặng anh hùng để làm chi dù ông nói rằng công ông lớn. Chạy một quãng xa, quay đầu nhìn lại, chỉ thấy xanh đen núi và mây, chỗ ông đứng chìm đâu đó rồi.

Nhớ chuyện xưa, có kẻ tài giỏi trong thiên hạ nhưng chỉ lập ngôn, không để lại sách vở, đến và đi, lưu lại dấu chân trên tuyết, gọi là hồng tuyết trảo. Tôi định nói với ông rằng, thôi anh, con đường hôm nay người ta đã gọi là con đường C’lâu Blao, rứa là anh hùng rồi đó, nhưng kìm lại…

TRUNG VIỆT