Chuyển đổi số từ... dưới lên

ĐÔNG ANH 25/06/2022 07:43

Quảng Nam đang triển khai thực hiện chuyển đổi số đồng bộ từ “trên xuống và dưới lên”, với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo.

Phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) triển khai bảng niêm yết mã QR để người dân tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: V.A
Phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) triển khai bảng niêm yết mã QR để người dân tra cứu thủ tục hành chính. Ảnh: V.A

Đưa công nghệ đến người dân

Với cách tiếp cận nói trên, chuyển đổi số (CĐS) không chỉ diễn ra trong bộ máy nhà nước cấp tỉnh, huyện, mà ở nhiều đơn vị cơ sở, cộng đồng dân cư… cũng đang có thay đổi mạnh mẽ.

Quyết tâm đi đầu về CĐS, TP.Tam Kỳ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tập trung CĐS từ cơ sở. Như mô hình “Chợ 4.0” lần đầu được Viettel Quảng Nam triển khai tại Tam Kỳ vào cuối tháng 3.2022.

Tại buổi ra quân triển khai mô hình, nhiều tiểu thương, người dân tại chợ Tam Kỳ khá bất ngờ khi được nhân viên Viettel đi từng shop quần áo, giày dép, thực phẩm… hướng dẫn cài đặt các ứng dụng giúp khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương chợ Tam Kỳ cho biết: “Hiện nay khách hàng vẫn quen với cách trả tiền mặt, nếu mọi người đến chợ đều biết thanh toán qua điện tử thì tiện cả đôi bên. Người mua không cần mang ví, tiền mặt bên mình, còn người bán thì đỡ mất thời gian thối lui tiền dư…”.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Sở Thông tin - truyền thông chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp như VNPT, Viettel, Bưu điện Quảng Nam, cử cán bộ xuống cơ sở tập huấn, nâng cao nhận thức CĐS cho các đơn vị cấp xã.

Hướng dẫn người dân nắm bắt các tiện ích và kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử; sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt... là những nội dung được quan tâm.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông cho biết, thương mại điện tử là một trong những nội dung của CĐS.

Hiện nay với chiếc điện thoại, máy tính, người dân dễ dàng mua bán trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đi đến chợ hay cửa hàng, siêu thị.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thương mại điện tử, tỉnh đã đề nghị các doanh nghiệp có sàn thương mại điện tử như Bưu điện (sàn Postmart), Viettel (sàn Vỏ sò)... chủ động kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh để đưa sản phẩm lên sàn; đồng thời tăng cường các hình thức tuyên truyền để “kéo” người dân đến với thương mại điện tử.

Ngoài sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã tận dụng tối đa khả năng của cán bộ công chức để mạnh dạn đưa công nghệ phục vụ người dân. Mô hình tra cứu thủ tục hành chính (TTHC) bằng mã QR của phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ) là một ví dụ.

Ông Bùi Hữu Tiếp - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho biết, tại bộ phận Một cửa và nhà văn hóa khối phố có các bảng niêm yết gồm 5 mã QR tương ứng với 5 lĩnh vực thường xuyên được người dân giao dịch gồm LĐ-TB&XH, văn hóa, tư pháp, tài nguyên - môi trường, NN&PTNT.

Người dân chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR để truy cập thông tin TTHC, hướng dẫn về thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết và nhiều thông tin có liên quan đến từng thủ tục.

“Ngoài thuận tiện tra cứu TTHC về quy trình thực hiện, tải mẫu văn bản, nộp hồ sơ trực tuyến..., khi quét mã QR, người dân sẽ được dẫn đến tài khoản zalo “UBND phường Hòa Hương”, tại đây công khai số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ công chức, trạm y tế, công an phường và đường dây nóng để liên hệ khi cần.

Bên cạnh đó, khi kích vào mục “Quan tâm” ở tài khoản này, công dân còn được tiếp cận văn bản mới hoặc những tin tức mang tính thời sự của địa phương; đồng thời phản ánh kiến nghị đề xuất đến UBND phường qua tính năng chatbot” - ông Tiếp cho biết.

Lấy người dân làm trung tâm

Theo lộ trình, trong năm 2021 Quảng Nam triển khai CĐS tại 15 xã, năm 2022 sẽ là 22 xã và số xã CĐS năm 2023 là 9 địa phương. Nội dung CĐS cấp xã tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính gồm: xây dựng hạ tầng số, giao tiếp với người dân, thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu địa phương và các dịch vụ thông minh.

Quảng Nam thực hiện CĐS đồng bộ, từ “trên xuống và dưới lên”, nhằm phục vụ người dân, để người dân hưởng lợi từ CĐS. Tuy nhiên, với thực trạng nhiều khó khăn về hạ tầng công nghệ, nhân lực, để thực hiện CĐS cấp xã hiệu quả sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Ông Đồng Thanh Quang - công chức Văn phòng - thống kê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, cho biết việc triển khai CĐS ở cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trở ngại nhất trong 3 vấn đề: thay đổi nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ và sự tiện lợi của các ứng dụng CĐS.

Người dân e ngại việc sử dụng các thành quả của CĐS vì cảm giác không an toàn, thao tác sử dụng phức tạp. Số đông người dân chưa sử dụng tốt các nền tảng, ứng dụng CĐS. Trong khi đó, nhiều ứng dụng được phát triển phục vụ người dân thao tác còn phức tạp...

Một thực tế nữa, hiện nay triển khai CĐS chủ yếu từ chính quyền, sự vào cuộc của Mặt trận, đoàn thể chưa được phát huy rõ khiến tinh thần CĐS chưa được lan tỏa sâu rộng trong hội viên, đoàn viên và nhân dân.

“Để khắc phục các tồn tại, theo tôi cần có cách tiếp cận thật phù hợp và quyết liệt hơn. Phù hợp là hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” và lan tỏa từ người này sang người khác, người đã biết chỉ người chưa biết. Quyết liệt là cần quy định bắt buộc CĐS đối với một số nội dung, chẳng hạn như trả lương, phụ cấp qua tài khoản ngân hàng, áp dụng triệt để thanh toán điện tử…” - ông Quang chia sẻ

Còn ông Bùi Hữu Tiếp - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho rằng, khi thực hiện CĐS phải lấy người dân làm trung tâm, đồng thời nhất quán quan điểm “CĐS phải làm cho người dân hài lòng hơn so với khi chưa CĐS”.

“Để CĐS phải thay đổi được nhận thức của người dân. Muốn vậy, phải cho họ thấy được hiệu quả của CĐS. Và không ai khác, cán bộ, công chức, đảng viên phải làm trước, sử dụng trước để người dân thấy hiệu quả rồi tự động làm theo” - ông Tiếp nói.

ĐÔNG ANH