"Repeat" chuyện Papua New Guinea từ Hội An
Như nút “repeat” để hoàn tác những gì đã thao tác trong sử dụng phần mềm word, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại những câu “chuyện cũ” mà giờ lại thành “đề tài mới”. Một trong những hình ảnh, câu chuyện có thể nhắc lại là một chính khách của đất nước thổ dân nghèo khổ ở vùng Nam Thái Bình Dương ngồi trên xích lô tại phố cổ Hội An vào năm 2017, đến từ quốc đảo Papua New Guinea. Giờ đây, quốc gia đó đang là từ khóa vùng tâm chấn chính trị. Nhân đây có thể kể lại nhiều câu chuyện thú vị đã qua.
Đến từ quốc đảo nghèo
Những ngày qua, báo chí khắp thế giới nhắc tới quốc đảo Solomon ở vùng Nam Thái Bình Dương (gần với châu Úc, nằm ở phía đông Papua New Guinea) rơi vào vòng xoáy ngoại giao để giành ảnh hưởng giữa Úc, Mỹ và Trung Quốc.
Solomon là quốc đảo đầu tiên được chính quyền Bắc Kinh ký thỏa thuận 8 điểm, bao gồm việc hợp tác về mạng dữ liệu, hải quan thông minh, hỗ trợ đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp, an ninh mạng… Quốc đảo Papua New Guinea được cho là điểm nóng cạnh tranh tiếp theo.
Papua New Guinea thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí khắp thế giới những câu chuyện kỳ lạ. Chuyện hãi hùng nhất liên quan tới tục ướp xác, hun khói, ăn thịt người(?). Doanh nghiệp Việt Nam sang ký hợp đồng khai thác hải sâm thì phải đi xin chữ ký của từng bộ tộc, già làng ở khắp các đảo rồi mới bắt đầu làm ăn.
Sẽ là điều ngạc nhiên, vì không ít người đặt câu hỏi: “Nghe tên quốc đảo Solomon, Papua New Guinea có vẻ rất lạ?”. Đây là những quốc gia nằm rất gần Việt Nam, nhưng hầu như bị thế giới lãng quên. Tháng 10.2017, tại sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại TP.Đà Nẵng và TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, Ban tổ chức đã bố trí một buổi tham quan phố cổ Hội An.
Các quan chức tài chính, ngân khố của 21 nền kinh tế được đưa đi dạo bằng xích lô. Trong mắt tôi, vị chính khách ở đất nước nghèo khổ ở nhất ở vùng Nam Thái Bình Dương là người mặc bộ vest đẹp nhất.
Ngày đó, ông James Marape - Bộ trưởng Tài chính Papua New Guinea mặc bộ vest màu huyết dụ, đi đôi giày nâu láng và ngồi trên chiếc xích lô đi hàng đầu, bên cạnh một người khá nổi tiếng với truyền thông quốc tế là David R. Malpass - Thứ trưởng Ngân khố Mỹ.
“Tôi đến từ Papua New Guinea”. Marape trả lời và cố gắng ra hiệu rằng quốc đảo đó cách không xa Việt Nam lắm, vì vậy đoàn của ông sang Việt Nam và bay đến Đà Nẵng bằng chiếc phi cơ nhỏ, loại P2- ANW giống như một máy bay tư nhân vậy.
Đoàn của Papua New Guinea sang Việt Nam không đông bằng các đoàn khác, nhưng bất cứ sự kiện nào, các thành viên đều tới hàng chục người và dán mắt vào mọi thứ ở trên đường. Tôi thầm đoán ra, họ rất thích thú với những gì diễn ra xung quanh.
Ông Bayagau làm ở Đài Phát thanh và truyền hình quốc gia NBC của Papua New Guinea, dù mới ở tuổi 50 nhưng răng của ông đã rụng mất mấy chiếc. Do tập tục ăn trầu khá phổ biến ở Papua New Guinea nên răng của Bayagau đen nâu giống như tục nhuộm răng ở Việt Nam ngày xưa. Người có phong thái thoải mái, nhanh nhẹn và giao thiệp tốt nhất trong đoàn là ông James Marape.
Trở thành Thủ tướng
Phóng viên tham gia tác nghiệp tại sự kiện diễn ra vào chiều 20.10.2017 tại phố cổ Hội An sẽ có nhiều bức ảnh về quan chức tài chính của 21 nền kinh tế APEC đi dạo phố bằng xe xích lô. Phần lớn những tấm ảnh cùng câu chuyện sẽ trở thành dĩ vãng trong dòng chảy không ngừng của báo chí.
Nhưng nếu thỉnh thoảng nhấn vào nút “repeat” trong tư duy, lướt qua lại những gì đã diễn ra thì nhà báo sẽ nhắc lại cho bạn đọc vài câu chuyện hay, đưa những tấm ảnh đó tiếp tục vào dòng chảy thời sự.
… Ngay sau khi Tuần lễ Cấp cao APEC kết thúc, một năm sau đó, báo chí Việt Nam và quốc tế đồng loạt đưa tin, Thủ tướng của quốc đảo Papua New Guinea là Peter O’Neill bị cảnh sát bắt để thẩm vấn vì liên quan đến việc mua 2 máy phát điện của Isarel có giá 14 triệu USD.
Tấm ảnh ông Marape trở thành Thủ tướng thứ 8 của Papua New Guinea được giới thiệu đậm nét. Không biết có người Việt Nam nào còn nhớ, ông từng dừng chân tại phố cổ Hội An xinh đẹp và không ngớt lời ca ngợi mảnh đất này.
Có một chi tiết cũng cần kể lại, đó là ở Trung tâm báo chí APEC tại TP.Hội An vào thời điểm diễn ra sự kiện, có 5 phóng viên của Papua New Guinea ngồi chung một bàn và thái độ giao tiếp có vẻ rụt rè. Cô Helen Rei làm ở hãng thông tấn quốc gia Papua New Guinea cho biết, sang Việt Nam thấy cái gì cũng đẹp và chắc khó có dịp trở lại đất nước này một lần nữa.
Câu nói không có dịp quay lại cũng còn một hàm nghĩa khác, vì tuổi thọ bình quân của người dân Papua New Guinea chỉ 65,8 tuổi. Vòng đời của họ quả là quá ngắn. Nguyên nhân khiến cuộc đời họ ngắn hơn, đó là hệ thống y tế yếu kém.
Một năm sau đó, Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức tại Papua New Guinea và phía ngoài hội trường là dịch bệnh đang hoành hành. Sau khi kết thúc sự kiện này, các nhà lãnh đạo kinh tế “hứa” sẽ giúp Papua New Guinea về hệ thống điện, vì mới chỉ có 13% dân số được tiếp cận điện thường xuyên.
Nón bài thơ về quốc đảo
Papua New Guinea có 8,5 triệu dân nhưng sử dụng đến 850 thổ ngữ, có 18% số người dân sống ở thành thị, còn lại ở những vùng nông thôn, rừng rậm và còn lưu giữ nhiều phong tục bí ẩn.
Nhiều ngư dân Quảng Ngãi từng đưa tàu sang Papua New Guinea lặn hải sâm trái phép, sau đó bị bắt giữ và đã thuật lại, phần lớn thổ dân vẫn đi chân không, sống theo bản năng, nếu thuyết phục họ bằng tình cảm cộng với chút lễ vật là áo quần nhiều màu sắc, thức ăn ngon thì việc gì cũng có thể cho qua.
Ông Võ Minh Hùng, quê ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là doanh nhân Việt Nam đi tiên phong trong việc sang Papua New Guinea để khai thác hải sâm. Những gì mà ông Hùng mô tả thì đây là một quốc đảo nguyên thủy, hầu như chưa được khai phá.
Giữa biển khơi, Papua New Guinea có những cánh rừng già bạt ngàn, dưới biển đầy cá tôm, hải sâm, ốc. Thổ dân ở Papua New Guinea vẫn sống trong cảnh không điện, không đường, không tiếp cận được thế giới văn minh.
Tấm ảnh từng được lan truyền khá lâu khắp thế giới từ năm 2017, đó là vị đại sứ Pappua New Guinea họp Hội đồng Liên hợp quốc nhưng mặc đồ truyền thống, đội mũ lông chim và một chiếc sừng nhọn hoắt thay cho chiếc khố che đậy vị trí nhạy cảm. Chiếc sừng này là của bộ tộc Gali ở Papua New Guinea, sống ở những dãy núi cao 2.500m, từng có phong tục khi giết kẻ thù thì sẽ xay xương thành bột để rắc khắp nơi.
Báo chí đặt câu hỏi về mục đích của vị đại sứ khi không mặc vest mà lại phá lệ, đóng khố? Nhưng đó có thể là thông điệp mà vị đại sứ này gửi đi khắp thế giới rằng, “hãy quan tâm tới quốc đảo Papua New Guinea, dân tộc chúng tôi nghèo đói và đang bị lãng quên”.
Trong kho tư liệu, tấm ảnh mà tôi chụp khi đoàn Papua New Guinea rời sân bay Đà Nẵng lúc kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 trông rất khác biệt - Thủ tướng Peter O’Neill bước vào cửa trước máy bay thì phía cửa sau vẫn tiếp tục “ấn” hàng hóa lên khoang.
Hàng hóa hơi nhiều, vì vậy mọi người phải nán lại hồi lâu để sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy. Nhìn từ xa có thể nhận ra, đoàn công tác của Papua New Guinea mang về đủ thứ hàng hóa. Các vị quan khách đưa tay vẫy chào, nhưng vẫn kẹp nách vài món hàng và chiếc nón bài thơ.