Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh
Quảng Nam quyết tâm tạo dựng hình ảnh địa phương thông qua cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).
Dư địa cải thiện còn nhiều
Năm năm liền (2015 - 2019) nằm trong nhóm tốt, tốp 10 địa phương có điểm số, thứ hạng PCI cao nhất nước nhưng trong hai năm liên tiếp (2020&2021) Quảng Nam rớt hạng chỉ số này. Niềm “an ủi” là thứ hạng giảm, nhưng điểm số lại tăng.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, khu vực kinh tế nhà nước địa phương ngày càng thu hẹp quy mô (giảm từ 20,8% GRDP năm 2010 xuống còn 12,7% năm 2020), khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng “áp đảo” trong cơ cấu GRDP (63%), và 86,3% lao động địa phương đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Quảng Nam nằm trong số ít tỉnh thành đóng góp ngân sách về trung ương mỗi năm, kể từ 2017.
Một thống kê khác, năm 2021, nền kinh tế suy giảm. Các tập đoàn đa quốc gia cắt giảm đầu tư ra nước ngoài, Quảng Nam vẫn có gần 1.050 doanh nghiệp gia nhập thị trường, thêm 38 dự án đầu tư (nội địa và FDI) được cấp phép và số ngân sách thu được hơn 21.154 tỷ đồng.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 20 dự án đầu tư được cấp phép và hơn 200 doanh nghiệp gia nhập thị trường. Thu ngân sách đã đạt hơn 11.829 tỷ đồng (66,64% dự toán). Các thống kê này có thể xem là kết quả của nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói thăng hạng đã khó, giữ hạng lại càng khó hơn. Dư địa còn rất lớn. Nếu giải quyết được những yếu kém về thu hút đầu tư, tháo gỡ vướng mắc sản xuất, kinh doanh, cải cách hành chính thì sức bật của địa phương không phải như hiện tại.
Không phải bây giờ Quảng Nam mới đưa ra kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư. Đã từng có các “sáng kiến” được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, việc thiếu những con người thừa hành đủ năng lực trước một chủ trương đúng, đã khiến chỉ số PCI đảo chiều, tăng giảm bất thường.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI nói giá trị thực của PCI không nằm ở xếp hạng. Thăng hay giảm bậc, điểm số hàm chứa ý nghĩa cần tạo ra những cuộc đối thoại thiết thực, thúc đẩy cải cách, tạo ra sự thay đổi.
Nhiều tỉnh, thành truyền thông rầm rộ về môi trường đầu tư vẫn gây thất vọng. Ai cũng cho rằng địa phương có cơ chế, chính sách tốt, nhưng hơn nhau ở chất lượng thực thi các cam kết của chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp.
Chọn lối đi riêng
Quảng Nam quyết tâm “trở lại đường đua” bằng kế hoạch lọt vào tốp 6 năm 2025. Ứng dụng công nghệ thông tin được đưa lên hàng đầu để đổi mới, giảm thiểu chi phí thời gian doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Ngoài ra tiếp tục thực hiện các biện pháp: công khai, minh bạch cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu các chi phí không chính thức; xây dựng cơ chế bình đẳng cạnh tranh của các doanh nghiệp...
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, không một cơ quan, địa phương nào đứng ngoài cuộc cải cách. Kết quả sẽ được đo lường bằng tác động của chính sách, cơ chế, chủ trương trên thực tế, cam kết thời gian thực thi cụ thể bằng những phần mềm quản lý (từ giải quyết dứt điểm kiến nghị doanh nghiệp, phản ảnh hiện trường, tháo gỡ vướng mắc, hệ thống hóa quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, quản lý đầu tư, bản đồ số, dữ liệu đất đai...).
Thông qua bản đồ thể chế (“bandotheche.quangnam.gov.vn”), giám sát và chấm điểm hàng ngày, buộc các cơ quan, địa phương phải tìm hướng cải cách hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết sẽ có một chỉ thị từ UBND tỉnh, Tỉnh ủy gắn trách nhiệm các sở, ngành, địa phương, nghiêm túc “thực thi tốt” các chủ trương, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng PCI. Kết quả cải thiện sẽ được đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chỉ số cải cách hành chính cơ quan quản lý và chính quyền địa phương vào cuối năm.
Điểm mới mẻ, khác biệt của kế hoạch cải thiện lần này là việc chính quyền sẽ mở các lớp tập huấn thông tin cho cán bộ công chức (nhất là công chức viên chức chủ chốt của các cấp, ngành) để họ nắm được nội dung, các chỉ tiêu đánh giá cụ thể của từng chỉ số PCI. Các nội dung liên quan đến các chỉ số sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, học viên tại Trường Chính trị tỉnh.
Sẽ tăng cường công khai các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp để phát huy tối đa vai trò của người dân, doanh nghiệp trong giám sát, phản biện đối với các hoạt động quản lý nhà nước của các cấp, ngành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, từng công chức, viên chức chưa thay đổi thì những sáng kiến, cam kết, quyết tâm sẽ không có ý nghĩa. Nếu từng công chức, viên chức có được tư duy vì sự phát triển của doanh nghiệp, người dân, vì sự phát triển của địa phương, tìm cách thay đổi quy trình, quy định để thuận lợi hơn thì các nghị quyết, kế hoạch mới thực sự tác động vào đời sống. Khái niệm “chính việc”, xây dựng lương tâm chức nghiệp; “người nào, việc ấy”, hiệu suất của bộ máy hành chính chắc chắn sẽ được nâng lên rõ rệt!