Lộng hành ở bãi vàng 38

TUỆ LÂM 25/06/2022 07:16

Từ khi UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy phép khai thác của công ty chủ quản, bãi 38 trở thành “thủ phủ” của đối tượng khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng dù đã cố gắng truy quét nhiều lần, nhưng nơi này vẫn là một “điểm đen” khó dẹp…

Dọc các sườn núi là lán trại của dân làm vàng.
Dọc các sườn núi là lán trại của dân làm vàng.

Vàng tặc lộng hành

Bãi vàng 38 thuộc địa phận xã Phước Hòa (Phước Sơn), nằm sâu phía trong núi. Sau khi tham khảo nhiều ý kiến để lấy ít “kinh nghiệm”, chúng tôi quyết định đột kích bãi vàng 38 vào giữa trưa để tránh tai mắt của giới làm vàng.

Nhưng khi dừng chân ở một nhà dân dưới chân núi, chủ nhà chỉ lắc đầu cười, giải thích: “Hệ thống... chim mồi của giới vàng tặc còn hơn cả trinh sát. Chỉ cần 2 đứa vừa chạm ngõ vào ở phía đầu con suối thì trên kia đã nhận được tin báo. Đi nhanh, thì mất cũng gần 2 tiếng. Trong thời gian đó, dư sức để họ dọn dẹp rồi lủi sâu vào rừng”.

Trong khoảng chừng 20 phút uống nước, nghỉ chân ở ngôi nhà dưới chân núi, chúng tôi đã được ông chủ nhà kể vài thông tin cơ bản về bãi 38. “Từ khi dịch Covid-19, cũng hơn 2 năm rồi, mọi thứ đều phải đình trệ để căng mình chống dịch, thì đó cũng là thời điểm mà vàng tặc lộng hành nhất.

Mỗi ngày, hàng chục, hàng trăm lượt người đi lên xuống. Phần chở dầu vào để làm, phần tuyển quân thêm để bổ sung lực lượng… Ngay cả nhà chúng tôi đây, lớ ngớ cũng mất đồ liên tục. Có dám làm gì chúng đâu? Toàn giang hồ cộm cán, nghiện hút tập trung trong đó cả” - chủ nhà thủng thẳng nói.

Nơi đây đã bị băm nát, tàn phá môi trường. Các chất thải được thải trực tiếp ra các con suối gần đó.
Nơi đây đã bị băm nát, tàn phá môi trường. Các chất thải được thải trực tiếp ra các con suối gần đó.

Từ ngôi nhà dưới chân núi, men theo con suối hai bên phủ lau lách rồi qua 4 con dốc dựng đứng thì chúng tôi có mặt tại bãi vàng. Khác với suy nghĩ ban đầu, là khi thấy động thì tất thảy đều đã rút đi. Nhưng không, vẫn còn một số hầm có thể là không nghe kịp thông tin, hoặc là đã trơ lì nên vẫn điềm nhiên tiếp tục công việc của mình.

Trên khoảng diện tích mênh mông, những hầm lò cũ, mới được đào xới tan hoang. Máy tuyển quặng vẫn nổ đì đùng nơi góc núi. Nơi đây, như một đại công trình ở giữa rừng già. Trong ngôi lán có vẻ chắc chắn, một phụ nữ cùng mấy đứa nhỏ nháo nhác đưa mắt nhìn người lạ. Người phụ nữ cho hay, chị dẫn 4 đứa con nhỏ theo chồng vào đây buôn bán vài tháng nay.

“Buôn bán mấy thứ nhu yếu phẩm, xăng dầu để kiếm đồng lời chứ cũng chẳng biết chi. Việc họ họ làm, việc mình mình làm!” - câu trả lời nhát gừng khiến những câu hỏi của chúng tôi bị chặn đứng. Nhìn quanh, tôi gặp vài ánh mắt lạnh lùng dò xét của các phu vàng…

Đây có thể gọi là bãi vàng trái phép với quy mô lớn, bài bản, có lẽ chỉ đứng sau bãi vàng Bồng Miêu (Phú Ninh). Những hầm lò cũ được gia cố tạm bợ rồi tiếp tục đào xới, khai thác tràn lan.

Những hục sâu với khối lượng đất đá được đưa lên xay, lọc, tuyển quặng bài bản. Một người trong giới làm vàng đã từng nói với chúng tôi rằng, ở đây có chừng 5 - 6 chủ bãi, mỗi bãi có chừng 12 phu vàng.

Mỗi người một góc, việc ai người nấy làm nhưng cũng có lúc, việc thanh trừng, tranh giành bãi vẫn diễn ra. Lực lượng chức năng của huyện, xã đều đặn truy quét. Nhưng đây là cuộc chiến không cân sức. Với hệ thống “chim mồi”, vàng tặc thu dọn máy móc rồi lẩn nhanh vào rừng. Khi công an rút đi, họ quay trở lại, như chưa hề có chuyện gì.

Dai dẳng đóng cửa mỏ

Bãi vàng 38 vốn thuộc địa phận khai thác của Công ty TNHH Nguyên Thành Đạt, với giấy phép do UBND tỉnh cấp có thời hạn đến năm 2016. Năm 2017, công ty này tiếp tục được cấp phép thăm dò trên diện tích 9,26ha đến tháng 8.2019.

Tuy nhiên, sau đó công ty không thực hiện báo cáo kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng nên huyện Phước Sơn đã yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, chấm dứt hoạt động. Cũng từ đó đến nay, nơi này biến thành điểm đen của các tệ nạn, từ mua bán ma túy, đánh bạc cho đến khai thác vàng trái phép.

Việc đóng cửa mỏ vẫn chưa thực hiện được do thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan.
Việc đóng cửa mỏ vẫn chưa thực hiện được do thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan.

Do tách biệt với bên ngoài, bãi 38 trở thành bãi đáp của cả những con bạc, dân nghiện ngập lên đây lập sòng sát phạt. Đã rất nhiều lần lực lượng công an huyện Phước Sơn tổ chức đột kích giữa đêm, bắt giữ nhiều đối tượng, khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ sức răn đe với những người nuôi vận đổi đời. Cũng bởi vì lẽ đó, bãi vàng 38 trở thành một điểm đen, ngó lên là thấy đó nhưng mười phần bất lực.

Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết, từ năm 2019 đến nay, công an huyện đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truy quét, đẩy đuổi, tiêu hủy nhiều lán trại, phương tiện tại bãi vàng 38 nhưng chưa triệt để.

Nơi đây tồn tại nhiều tệ nạn như mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ trái phép đã được công an huyện phối hợp với công an tỉnh triệt xóa thời gian qua.

“Về vấn đề này, chúng tôi và các cơ quan chức năng ở huyện đã nhiều lần báo cáo, tham mưu cho các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị đóng cửa mỏ bãi vàng 38 nhưng chưa thực hiện được do thiếu kinh phí” - Thượng tá Tuấn nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, bãi vàng 38 đang là điểm nóng của các tệ nạn nên huyện cũng đang rất muốn hoàn thành việc đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, việc này đang vướng.

Theo ông Trung, huyện đã trình hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng 38, từ tháng 6.2021. Tuy nhiên, đến tháng 1.2022, Sở TN-MT mới có văn bản thẩm định trả lời là không rõ nguồn kinh phí đóng cửa mỏ, đề nghị UBND huyện Phước Sơn giải trình.

Ngay sau đó, huyện có giải trình với Sở TN-MT rằng, theo quy định của Luật Khoáng sản thì kinh phí đóng cửa mỏ sử dụng nguồn kinh phí phục hồi môi trường của doanh nghiệp. Trong trường hợp thiếu thì UBND huyện trình HĐND cấp tỉnh xem xét bổ sung, thực hiện.

Để vào được bãi vàng 38 phải men theo con suối rồi vượt qua những con dốc dựng đứng.
Để vào được bãi vàng 38 phải men theo con suối rồi vượt qua những con dốc dựng đứng.

“Nguồn kinh phí thực hiện đóng cửa mỏ gần 500 triệu đồng, trong khi trước đây doanh nghiệp khai thác đã đóng phí phục hồi môi trường là 190 triệu đồng nên chỉ cần thêm hơn 300 triệu đồng nữa là đủ.

Số tiền còn lại huyện có thể giải quyết được, tuy nhiên HĐND cấp tỉnh phải ủy quyền để HĐND cấp huyện có quyền quyết định trong chuyện này thì mới thực hiện việc đóng cửa mỏ” - ông Trung nói.

“Khi đóng cửa mỏ, có khác gì hiện tại hay không? Bởi lực lượng mỏng, kinh phí eo hẹp, cộng với địa hình phức tạp, thì vẫn sẽ tái diễn tình trạng khai thác vàng trái phép mà thôi, như hiện tại?”, chúng tôi đặt vấn đề với ông Trung.

Theo ông Trung, việc đầu tiên để đóng cửa mỏ là đánh sập các hầm vàng, hoàn trả lại hiện trạng của bãi. Từ đó, tỉnh hay Bộ TN-MT mới có phương án cho các doanh nghiệp có đủ năng lực vào khai thác hay không.

“Không ai giữ vàng tốt bằng doanh nghiệp có giấy phép khai thác cả. Vì đó là quyền lợi trực tiếp của họ. Còn trước mắt, sau khi được phép đóng cửa mỏ, huyện sẽ tổ chức chốt chặn, làm ráo riết để tránh tái diễn tình trạng này. Nhưng muốn có bước 2 thì phải hoàn thành bước 1, là đóng cửa mỏ” - ông Trung phân trần.

*
*           *

Chúng tôi lại ghé ngôi nhà dưới chân núi trước khi ra về. Nhìn chúng tôi, người đàn ông trung niên lắc đầu, như nói với chính mình: “Đã rất nhiều ngành chức năng của huyện, rồi tỉnh lên đó. Nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy. Chiều chiều ngó ra, từng đoàn xe Win vẫn rú ga bất chấp. Nhiều đêm, chó sủa đến không ngủ nổi. Chỉ mong sớm dẹp được, chứ sống thấp thỏm, muốn nuôi con gà, con heo cũng khó”. Tiếng thở dài, trượt theo nỗi bất lực.

TUỆ LÂM