Châu Âu đối phó cháy rừng
(QNO) - Đợt nắng nóng như thiêu đốt hiện nay khiến nhiều quốc gia châu Âu tất bật đối phó với các đám cháy rừng.
Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Italia đang đối mặt đợt nắng nóng khốc liệt của mùa hè đến sớm, nhiệt độ nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C. Các quốc gia trên được đặt trong tình trạng báo động cao về cháy rừng.
Khối 27 quốc gia Liên minh châu Âu điều động 12 máy bay cứu hỏa và 1 máy bay trực thăng trong tình trạng sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia đang vật lộn với những trận hỏa hoạn lớn.
Tuy nhiên, ông Marta Arbinolo - nhà phân tích chính sách của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và là chuyên gia về khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu cho biết, hiện rất khó dự đoán cháy rừng nên việc xử lý khẩn cấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Tại Đức, các nhân viên cứu hỏa vừa dập tắt một số vụ cháy rừng, bao gồm ở phía nam thủ đô Berlin với sự hỗ trợ của các máy bay trực thăng phun nước.
Cơ quan thời tiết Đức cũng cảnh báo về mức độ tia cực tím cao gây nguy hiểm và người dân nên cẩn thận tự bảo vệ mình trước thời tiết cực đoan hiện nay.
Truyền thông tại Đức đưa tin, hàng nghìn người dân ở các thị trấn gần Berlin buộc phải sơ tán để đề phòng cháy rừng đang đến gần vào cuối tuần.
Tại Tây Ban Nha, các vụ cháy kéo dài trong những ngày qua thiêu rụi hàng chục nghìn héc ta rừng và buộc nhiều người tạm thời phải rời bỏ nhà cửa.
Như các đám cháy gần công viên giải trí Puy du Fou ở miền Trung Tây Ban Nha khiến hơn 3.000 người phải sơ tán.
Sierra de la Culebra - một dãy núi ở Castile và León thuộc tỉnh Zamora phía tây bắc Tây Ban Nha là một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất.
Đám cháy rừng được ví như “con quái vật thực sự” khi nó tạo thành một bức tường màu cam cao chót vót dọc theo những gì đã từng là một cảnh quan xanh tươi tốt.
[Video] - Các đám cháy rừng mới nhất tại Tây Ban Nha (nguồn: The Guardian):
Hãng tin Reuters đưa tin, máy bay khẩn cấp thả nước xuống vùng đất nông thôn ở phía tây đất nước Tây Ban Nha để ngăn ngọn lửa bùng phát trở lại trong khi cháy rừng tiếp tục bùng cháy ở các khu vực bao gồm Navarre và Catalonia.
Khoảng 600 lính cứu hỏa nỗ lực ngày đêm nhằm dập tắt các đám cháy tại Zamora.
Theo báo cáo, tháng trước là tháng 5 nóng nhất của Tây Ban Nha kể từ đầu thế kỷ.
Tại Italia, một số thị trấn ở phía bắc áp dụng chế độ phân bổ nước và vùng Lombardy có thể ban bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh hạn hán kỷ lục tàn phá mùa màng.
Giáo sư Kỹ thuật rừng Victor Resco de Dios tại Đại học Lleida (Tây Ban Nha) nói, những thay đổi chính mà chúng ta đang thấy với biến đổi khí hậu là thời gian mùa cháy kéo dài hơn. Bên cạnh chiến lược chống biến đổi khí hậu, các chuẩn bị đối phó với cháy rừng là không thể thiếu tại nhiều quốc gia trên thế giới.