Những người "ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ"

MINH QUÂN 23/06/2022 09:24

(QNO) - "Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ" là cách gọi những người chuyên làm nghề hốt hài cốt, cải tán mồ mả. Có người đã xấp xỉ 80 vẫn miệt mài với cái nghề không phải ai cũng làm được này, song họ âm thầm làm việc vì xã hội cần.

 

Theo chân đội thợ chuyên di dời mồ mã ở vùng cát Thăng Bình mới thấu hiểu nỗi cực nhọc của cái nghề lo cho người thiên cổ.

“Dầm mưa, dãi nắng, bôn ba bất kể thời khắc nào để cho kịp giờ mà gia chủ đã định. Có khi việc bốc cốt diễn ra khi trời đang mưa ngập. Đã dấn thân với nghề này thì phải vậy” - ông Vũ Khắc Lâm (75 tuổi, thôn Phước Long, xã Bình Đào, Thăng Bình) nói về nghề của mình.

Dù cho trời mưa gió họ vẫn nhiệt tình làm việc. Ảnh: Minh Quân
Dù cho trời mưa gió họ vẫn miệt mài làm việc. Ảnh: MINH QUÂN

Đội hơn 10 người, người ít tuổi nhất cũng trên 65 tuổi, có người đã 80 tuổi mà vẫn theo nghề. Tuy lớn tuổi, thể trạng có phần gầy gò nhưng hầu như ai cũng đều khỏe mạnh, công việc nhanh nhẹn, gọn gàng...

Tất cả đều lớn tuổi nhưng vẫn theo nghề. Ảnh: Minh Quân
Chuyển hài cốt cải táng từ trong nỗng cát về nơi cải táng. Ảnh: MINH QUÂN

“Tôi làm nghề bốc mộ từ hồi mới hai mươi, tính đến nay đã hơn 60 năm theo nghề. Chục năm trước thì việc ít, nhưng gần đây kinh tế khấm khá, con cháu đi xa nhớ nghĩ về mồ mả tổ tiên ông bà nhiều hơn, vả lại việc quy hoạch các khu công nghiệp lan đến vùng nông thôn nên nơi nào cũng phải di dời càng khiến công việc của chúng tôi nhiều hơn, hiếm lúc nghỉ ngơi" - ông Nguyễn Cừ (77 tuổi ở thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) nói.

Những đôi tay da nhen nheo vì tuổi tác nhưng làm việc rất tận tâm. Ảnh: Minh Quân
Tố chất của những người thợ làm nghề bốc mộ là tận tâm với công việc. Ảnh: MINH QUÂN

Ông Nguyễn Truyền (thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều) là trưởng đội thợ tâm sự: “Nghề này liên quan tới chuyện tâm linh, nên đòi hỏi phải có tâm. Làm cẩu thả, qua loa là thất đức... Làm nghề phải hiểu phong tục ngày xưa truyền lại để không sai sót. Ví như ngày xưa điều kiện y tế chưa tiến bộ, thai phụ tới ngày sinh nhưng không qua khỏi, cả mẹ và con đều chết, thậm chí đó là song thai thì có đến 3 hài cốt trong cùng một ngôi mộ, nếu sai sót hoặc không hỏi cho tường tận thì tất có sai sót trong khâu bốc cốt, không khỏi mang tội với người đã khuất..."  

Chú Nguyễn Truyền trưởng nhóm dùng 2 thanh sắt rà tìm mộ. Ảnh: Minh Quân
Dụng cụ dò hài cốt của ông Nguyễn Truyền là 2 thanh sắt... Ảnh: MINH QUÂN

Công việc của những người chuyên bốc mộ không giống những nghề phổ thông thường thấy. Họ cũng dùng đến công cụ để dò hài cốt thất lạc. Những thứ dụng cụ này nếu lý giải về khoa học thì không thể nào giải thích được. Đôi khi việc dò tìm bất lực thì họ cậy đến tâm linh...

Cái nghề khổ nhọc ăn nghỉ cũng ở nghĩa địa. Ảnh: Minh Quân
Một bữa trưa diễn ra ngay trong nghĩa địa của đội thợ bốc mộ. Ảnh: MINH QUÂN
Nhiều ngôi mộ lâu năm bị thất lạc phải tìm kiếm. Ảnh: Minh Quân
Nhiều ngôi mộ lâu năm bị thất lạc phải tìm kiếm khá lâu, tốn nhiều công sức. Ảnh: MINH QUÂN
Cpong việc đòi hỏi cẩn trọng với người thiên cổ. Ảnh: Minh Quân
Họ quan niệm bất cẩn, cẩu thả trong nghề này là mang tội với người quá cố. Ảnh: MINH QUÂN
Dù ai cũng lớn tuổi nhưng vẫn theo nghề. Ảnh: Minh Quân
Dù ai cũng lớn tuổi nhưng vẫn theo nghề. Ảnh: MINH QUÂN

Hằng ngày, cuộc sống hối hả trôi thì lẩn khuất đâu đó trong những cánh rừng, hóc núi, những người thợ làm nghề bốc mộ vẫn thầm lặng, tận tụy với nghề, thành quả của vài ngày cật lực có khi chỉ là nắm hài cốt ít ỏi của người đã khuất đã tan rã theo thời gian... 

MINH QUÂN