Ở một nơi nhà không có cửa

TRẦN ĐĂNG 23/06/2022 06:27

Tôi có chuyến về Cà Mau không định trước nhưng lại là lần “đi thực tế” thú vị nhất trong đời làm báo của mình. Tôi đã gặp ở mảnh đất tận cùng phía nam của Tổ quốc những điều bất ngờ chưa từng thấy ở đâu.

Khu vực ngã ba sông, gần chợ Đất Mũi. Ảnh: PHẠM NGÔN
Khu vực ngã ba sông, gần chợ Đất Mũi. Ảnh: PHẠM NGÔN

Tôi được mời tham dự một trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh. Tổng biên tập của tạp chí “nhủ” với các nhà văn trại viên là các anh đi đâu cũng được, miễn là có tác phẩm. Tôi chọn Cà Mau không một chút đắn đo.

Không hẳn vì một câu thơ…

Cũng ngẫu nhiên thôi, tối hôm ấy, mấy nhà văn, nhà thơ ngồi uống bia tán gẫu với nhau. Chuyện nọ xọ chuyện kia, cuối cùng dẫn đến hai câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”. Thoáng đọc lên thì nghe cũng… xuôi tai.

Nhưng một nhà văn “Quảng Nam chay” lại đặt ngược vấn đề, rất chi là… Quảng Nam: “Các ông có thấy vô lý khi đọc hai câu thơ trên không?”. Cả đám nhà văn “nhiều chuyện” bắt đầu giật thột. Chê thơ ai thì được chứ chê thơ Xuân Diệu thì liệu hồn! Ai cũng nghĩ thế.

Anh ấy phân tích: “Nhà thơ Xuân Diệu đã mắc một lỗi sơ đẳng ở hai câu thơ đó. Câu trên thì “con tàu”, nhưng câu dưới thì là “mũi thuyền”. Nghe nó vô lý thế nào. Con tàu thì phải là mũi tàu mới đúng chứ?

Vậy tôi xin biên tập lại như thế này: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi tàu đâu?”. Nghe xong, ai cũng cười vỡ bụng với hai câu thơ “độ chế” của nhà văn người Quảng hay cà khịa này.

Hẳn Xuân Diệu thừa biết sự “vô lý” ấy nhưng ông muốn tránh lặp lại chữ “tàu” liền kề với câu thơ trên mà thôi. Một anh nhà thơ quê Bình Định góp vui nhưng cũng có ý “gỡ lỗi” cho nhà thơ đồng hương: “Chắc là thuyền ở Cà Mau khác với các nơi đó mà”. Cả đám lại cười ồ.

Tôi thì lặng lẽ xếp tư trang vào túi, chuẩn bị ra bến xe, đi chuyến sớm Sài Gòn - Cà Mau. Tôi đi Cà Mau không hẳn là để xem “mũi thuyền” của “con tàu” khác với các nơi thế nào mà là để biết thêm một vùng đất như luôn mời gọi lòng tôi.

Rừng đước ở Đất Mũi. Ảnh: T.Đ
Rừng đước ở Đất Mũi. Ảnh: T.Đ

Ở một nơi nhà không có cửa

Sau gần một buổi đường “đánh võng” trên sông, chiếc tàu cao tốc cũng đưa tôi đến nơi mình cần. Anh xe ôm tên Thanh rất nhiệt tình với khách khi giới thiệu về quê mình như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp: “Trước đây chỉ có ấp Mũi là khu dân cư cuối cùng của Cà Mau, giờ thêm ấp Cồn Mũi nữa.

Ấp Mũi rộng khoảng 600ha còn Cồn Mũi rộng gấp 4 lần. Cồn Mũi rộng hơn nhưng dân ít hơn. Họ dò dẫm theo sau những cây mắm cây đước để dựng nhà lập ấp nên không thể nhanh được.

Mỗi năm các nhánh sông mang phù sa về đây để nối dài cho vùng đất Mũi thêm 80m. Giờ mình ra cột mốc số 0 nhưng có thể năm bảy năm nữa, cột số 0 này “lạc hậu” cũng không chừng. Anh Hai nhớ chớp hình thiệt nhiều để mai mốt có cái mà khoe với con cái nghen”.

Tôi nghe chăm chú lời anh xe ôm, kiến thức về dân số và địa lý của anh ta chẳng thua anh cán bộ thống kê của xã là mấy. Rồi thầm nghĩ: “Ngành du lịch rất cần những “hướng dẫn viên” không phải trả lương như anh xe ôm này”.

Nhưng có lẽ ấn tượng mạnh với tôi không chỉ là mỗi năm vùng Đất Mũi này lấn ra biển thêm 80m đất mà là tất cả căn nhà quay mặt ra hương lộ đều không có cửa, từ nhà xây kiên cố cho đến những túp lều tạm bợ đều trống không!

Ngót một buổi chiều, tôi lòng vòng khắp Đất Mũi, rồi theo mấy thằng nhóc xem chúng bắt cua. Cuối cùng là ghé vào một ngôi nhà ven đường, phần để gạ chuyện, phần để, nếu có thể thì xin ngủ nhờ qua đêm.

Anh chủ nhà tên Nguyễn Hoàng Phúc, trạc ngoài bốn mươi một chút, dù gặp khách lạ nhưng đon đả ngay: “Nghe tiếng anh nói, biết miền Trung à nghen. Đi phượt hả? Ở lại đây, mai mốt hẵng về Cà Mau, ngủ lại đây cũng vui thôi mà. Có hai giường trống, anh thích giường nào thì tùy. Kia là nồi cơm, còn nồi tôm rim để cạnh đó. Ăn ngủ lúc nào thì tùy. Thích về lúc nào thì về, cũng khỏi phải chào chủ nhà à nghen”.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được chứng kiến cách đối đãi với khách lạ đến là… lạ thế này! Nói đoạn, anh Phúc quay sang giao dịch với một bạn hàng mua tôm: “Tạm thế đã, hen. Tôi cũng đang kẹt tiền”. Khách quay lưng, anh Phúc ném một bọc ni lông về phía đầu giường mà tôi “chọn” để qua đêm.

Thú thật là cả đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ được, không phải vì chuyến lội bùn với hai thằng nhóc để bắt những con cua mắc cạn quá dễ dàng khi chiều mà là cái… túi ni lông để ở đầu giường!

Như biết “tâm trạng” của khách, anh Phúc trấn an: “Có bốn chục triệu chớ nhiêu đâu anh ơi. Tôi vẫn để tiền như vậy lâu nay. Ở đây không có trộm cắp chi đâu mà lo”.

Ông chủ vựa tôm nói thêm: “Anh không thấy vùng này không nhà nào có cửa đó à?”. Thì ra là vậy. Không một ngôi nhà nào có cửa cả. Có trộm cắp gì đâu mà cửa với nẻo. Tôi nghĩ, cửa ở đây chính là tấm lòng hào hiệp và tin cậy của những chủ nhân sống ở nơi tận cùng phương Nam đất nước.

Những “binh đoàn” đước

Loanh quanh Ấp Mũi, tôi quá bất ngờ vì gặp chú Năm đồng hương đã xa quê ngót 40 năm. Ông nhận ra giọng Quảng của tôi khi nghe tôi “giao dịch” với chị bán nước ven đường.

Giải thích cho thắc mắc của tôi về chuyện “nhà không cửa”, chú Năm nói rằng, đa số dân vùng này thuộc dạng tứ chiếng. Họ xem đây như bến đỗ cuối cùng của đời mình, nếu không sống tử tế, coi như không còn chỗ để dung thân nữa.

Ai cũng ý thức về điều đó nên mọi sự trí trá, xảo quyệt nếu có, đều phải bỏ lại sau lưng. Họ như những cây mắm, cây đước lặng lẽ làm phần việc của mình để mỗi năm thêm 80m chiều dài cho Tổ quốc.

Chú Năm chỉ về phía cuối cánh rừng khi triều xuống: “Xem kìa, hàng vạn “chiếc cọc” kia, chừng dăm hôm nữa sẽ xuất hiện những chiếc lá non. Đó là những cây đước âm thầm cắm rễ sau khi theo chân lớp phù sa được những nhánh sông mang về từ thượng nguồn”. Những “binh đoàn” đước được khoác bộ quân phục phù sa làm nhiệm vụ giữ đất để dăm mười năm nữa, một tên làng, tên ấp mới lại xuất hiện nơi này.

Tôi theo chú Năm để được in dấu chân mình trên lớp phù sa mà chú đã từng in lên đó 40 năm trước. Chợt nghe lòng diệu vợi một nỗi nhớ thương quê nhà:

Nghe phù sa dò dẫm những bước chân
Nghe phù du chảy ngang dọc đời mình
Bốn mươi năm đời người chớp mắt
Trong đáy cốc hiện cây bần cây đước
Trong đáy mắt là rừng ngang bể dọc
Những chiếc lá tơ non như vừa thoát ngục bùn
Ấy là khi
Tổ quốc ở nơi tận cùng có thêm một dấu chân

(Gặp chú Năm đồng hương nơi Đất Mũi)

Tôi đã “trả bài” cho trại sáng tác bằng những bài thơ, trong đó có những câu vừa dẫn. Lòng cứ dặn lòng, hễ có dịp là quay trở lại, để được nghe, được thấy cây đước, cây bần dò dẫm những bước chân trong lớp phù sa như thuở cha ông đi mở cõi.

TRẦN ĐĂNG